Ít nhất 8 chủng COVID-19 đang hoành hành trên khắp thế giới

30/03/2020 - 07:25

PNO - Các nhà khoa học đang theo dõi ít nhất 8 chủng COVID-19 trên toàn thế giới, sử dụng công nghệ theo dõi di truyền để chỉ ra cách thức virus lây lan.

Các nhà nghiên cứu nói rằng virus dường như biến đổi rất chậm, chỉ có sự khác biệt nhỏ giữa các chủng khác nhau và không có chủng virus nào gây chết người nhiều hơn các chủng khác.

Charles Chiu - giáo sư y khoa và bệnh truyền nhiễm tại Đại học California, Trường Y khoa San Francisco, nói với USA Today: “Virus biến đổi chậm đến mức các chủng virus về cơ bản rất giống nhau”.

Vì thế, các nhà khoa học trên thế giới đã hợp sức biên soạn dữ liệu giải mã trình tự gen của virus trên trang NextStrain.org, tạo ra một bản đồ theo dõi cách thức virus chết người lây lan khắp thế giới.

Biểu đồ cho thấy con đường lây lan của các chủng virus gây bệnh COVID-19 khác nhau.
Biểu đồ cho thấy con đường lây lan của các chủng virus gây bệnh COVID-19 khác nhau

Theo dõi các chủng SARS-CoV-2 khác nhau, giới khoa học đánh giá các biện pháp ngăn chặn có hoạt động hay không, bằng cách xác định liệu các trường hợp mới là do lây lan từ cộng đồng hay được nhập từ một ổ dịch khác.

Ông Chiu cho biết phân tích chỉ ra rằng nỗ lực yêu cầu người dân "ở nhà" nghiêm ngặt của bang California dường như đang phát huy hiệu quả.

Theo ông, chỉ có 20% số bộ gen mà ông đã giải mã trong hai tuần qua dường như đến từ sự lan truyền của cộng đồng ở California. Phần còn lại có liên quan đến việc di chuyển ngoài tiểu bang, gắn liền với nhân viên y tế hoặc thành viên gia đình của các trường hợp đã biết.

Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh rằng các chủng khác nhau về cơ bản là giống nhau, vì coronavirus đột biến rất chậm, chậm hơn khoảng 8 đến 10 lần so với cúm thông thường.

Cho đến nay, ngay cả trong các chủng khác nhau nhất của virus, các nhà khoa học chỉ tìm thấy 11 thay đổi cặp gen cơ sở, trong số 30.000 cặp. Điều đó nghĩa là các chủng khác nhau không gây ra các triệu chứng khác nhau, hoặc gây ra tỷ lệ tử vong khác nhau.

Mặc dù các quốc gia khác nhau trên thế giới ghi nhận tỷ lệ tử vong khác nhau đáng kể, nhưng điều này gần như chắc chắn là do họ đang xét nghiệm ở quy mô khác nhau.

Bởi vì nhiều trường hợp không có triệu chứng, xét nghiệm tích cực và rộng rãi làm cho tỷ lệ tử vong dường như giảm xuống, hki tổng số trường hợp được xác nhận cao hơn nhiều.

Các nhà nghiên cứu thấy rằng virus SARS-CoV-2 biến đổi rất chậm, mở ra hy vọng về vắc-xin hiệu quả trong tương lai.
Các nhà nghiên cứu thấy rằng virus SARS-CoV-2 biến đổi rất chậm, mở ra hy vọng về vắc-xin hiệu quả trong tương lai

Các nhà nghiên cứu cũng nói rằng khi bệnh nhân không có triệu chứng, hoặc triệu chứng nhẹ, thì chưa chắc vì họ nhiễm “một chủng virus nhẹ”.

Thay vào đó, sự khác biệt trong các triệu chứng rất có thể liên quan đến hệ thống miễn dịch và sức khỏe nói chung của một cá nhân. Một chủng có ít ảnh hưởng đến người này vẫn dễ dàng gây tử vong cho người khác.

Tốc độ đột biến chậm của virus khiến các nhà khoa học hy vọng rằng một loại vắc-xin có thể cung cấp sự bảo vệ trong nhiều năm, hoặc thậm chí nhiều thập kỷ.

Tùy thuộc vào việc virus biến đổi nhanh như thế nào, một số loại vắc-xin phải được cập nhật thường xuyên, chẳng hạn vắc-xin cúm mùa tại Mỹ phải được tiêm hàng năm. Các loại vắc-xin khác, chẳng hạn như bệnh sởi và thủy đậu, cung cấp sự bảo vệ trong nhiều thập kỷ, hoặc thậm chí là suốt đời.

Các chuyên gia ước tính thời gian sớm nhất để vắc-xin phòng COVID-19 có thể được phổ biến rộng rãi là từ 12-18 tháng.

Tấn Vĩ (Theo Daily Mail, USA Today)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI