Hơn 3 triệu người chạy trốn chiến tranh và bất ổn xã hội giữa đại dịch năm 2020

19/06/2021 - 06:09

PNO - Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (UNHCR) cho biết chiến tranh, bạo lực và vi phạm nhân quyền đã khiến gần 3 triệu người phải rời bỏ nhà cửa vào năm 2020, khi nhiều biên giới đóng cửa vì đại dịch.

Trong báo cáo Xu hướng toàn cầu công bố ngày 18/6, UNHCR cho biết tổng số người “tha hương” tích lũy đã tăng lên 82,4 triệu - gần bằng dân số của Đức. Con số đánh dấu năm thứ 9 liên tiếp mà số người bị cưỡng bức phải rời bỏ nhà cửa tiếp tục gia tăng.

Filippo Grandi - Ủy viên cấp của của UNHCR - giải thích, xung đột và tác động của biến đổi khí hậu ở những nơi như Mozambique, khu vực Tigray của Ethiopia và khu vực Sahel rộng lớn của châu Phi là những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến các cuộc di dân của người tị nạn và người di cư nội địa vào năm 2020.

Trong những năm trước đây, hàng triệu người đã bỏ chạy khỏi các quốc gia như Syria và Afghanistan do những cuộc chiến tranh hoặc giao tranh kéo dài.

UNHCR, có trụ sở chính tại Geneva, cho biết 99 trong số hơn 160 quốc gia đóng cửa biên giới vì COVID-19 không dành ngoại lệ cho những người tìm kiếm sự bảo vệ quốc tế, chẳng hạn như người tị nạn hoặc đang xin tị nạn.

Ông Grandi thừa nhận khả năng nhiều người di cư trong nước chưa thể rời khỏi đất nước sẽ chạy trốn ngay sau khi biên giới bắt đầu mở cửa trở lại, nếu đại dịch dịu đi.

Ông nói: “Một ví dụ điển hình là Mỹ, nơi chúng tôi chứng kiến ​​sự gia tăng về số người đến trong những tháng gần đây”, sau khi chính quyền Tổng thống Joe Biden tạm thời ngừng áp dụng chính sách chặn những người xin tị nạn nhập cảnh vì lý do sức khỏe công cộng.

Khi được hỏi về chuyến đi gần đây của Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris đến Trung Mỹ, nơi bà nói với những người di cư rằng "đừng đến Mỹ", Grandi bày tỏ hy vọng rằng điều đó không phản ánh chính sách chung của xứ cờ hoa.

Một người di cư Ethiopia ở vùng Tigray gọi điện thoại cho mẹ cô ấy ở quê hương khi đến điểm dừng cuối cùng của cuộc hành trình trước khi lên thuyền đến Yemen
Một người di cư Ethiopia ở vùng Tigray gọi điện thoại cho mẹ cô ở quê hương khi đến điểm dừng cuối cùng của cuộc hành trình, trước khi lên thuyền đến Yemen

Trong số các điểm nóng gần đây, hàng trăm ngàn người phải di tản ở Mozambique và Sahel vào năm 2020, cùng khoảng 1 triệu người khác trong cuộc xung đột Tigray bắt đầu vào tháng 10/2020.

“Tôi lo lắng rằng nếu cộng đồng quốc tế không thể ngăn chặn những xung đột này, chúng ta sẽ tiếp tục chứng kiến ​​sự gia tăng số lượng,” ông Grandi bình luận.

Báo cáo cho biết vào cuối năm 2020, 5,7 triệu người Palestine, 3,9 triệu người Venezuela và thêm 20,7 triệu người tị nạn từ nhiều quốc gia khác đã di cư ra nước ngoài. Trong khi đó, 48 triệu người di tản trong nội bộ quốc gia của họ. Khoảng 4,1 triệu người đang xin tị nạn.

Thổ Nhĩ Kỳ, một nước láng giềng của Syria, tiếp nhận nhiều người tị nạn nhất thế giới với con số 3,7 triệu, nhiều gấp đôi so với quốc gia đứng thứ hai là Colombia - nơi giáp với Venezuela. Nước láng giềng Pakistan của Afghanistan đứng thứ ba.

UNHCR cho biết, hiện nay 1% nhân loại phải di dân và số người rời bỏ nhà cửa đã tăng gấp đôi so với một thập niên trước. Khoảng 42% trong số họ dưới 18 tuổi và gần 1 triệu trẻ sơ sinh tị nạn chào đời từ năm 2018 đến năm 2020.

Ngọc Hạ (theo AP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI