WHO kêu gọi cung cấp vắc xin COVID-19 cho châu Phi khi số ca bệnh tăng mạnh

18/06/2021 - 06:35

PNO - Số người được tiêm vắc xin tại châu Phi ít hơn tỷ lệ 1/100, khi số ca nhiễm SARS-CoV-2 đang tăng đột biến có khả năng giết chết hàng chục ngàn người.

Các quan chức WHO ở châu Phi đã kêu gọi tăng tốc khẩn cấp việc cung cấp vắc xin cho châu lục này để hạn chế làn sóng lây nhiễm COVID-19 mới và sự phát triển của các biến thể SARS-CoV-2.

WHO cho biết biến thể Delta (lần đầu tiên phát hiện tại Ấn Độ) đã có mặt ở 14 quốc gia trên lục địa, còn biến thể Beta, được phát hiện lần đầu tiên ở Nam Phi, đã lây lan tới 25 nước. Ít nhất 7 quốc gia châu Phi đã hết vắc xin và 7 quốc gia khác đã sử dụng 80% nguồn dự trữ của mình.

Các cơ sở y tế ở Uganda đã báo cáo tình trạng thiếu vắc-xin và oxy trầm trọng .
Các cơ sở y tế ở Uganda báo cáo tình trạng thiếu hụt vắc xin và oxy trầm trọng

Matshidiso Moeti, Giám đốc WHO phụ trách khu vực châu Phi cho biết: “Châu Phi cần thêm hàng triệu liều vắc xin ở đây và ngay bây giờ. Châu Phi đang ở giữa làn sóng dịch bệnh thứ ba bùng phát mạnh mẽ… Chúng tôi đã thấy ở Ấn Độ và các nơi khác dịch COVID-19 tái bùng phát và áp đảo các hệ thống y tế nhanh chóng như thế nào”.

Các quan chức WHO hoan nghênh cam kết của G7 cung cấp 1 tỷ liều vắc xin cho các nước đang phát triển nhưng nói rằng thế giới cần một nguồn cung lớn hơn nhiều ngay lập tức, khi các trường hợp mắc COVID-19 tăng hơn 30% trong tuần qua trên khắp châu Phi.

Tiến sĩ John Nkengasong, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Phi (CDC) cho biết: “Thách thức mà chúng tôi gặp phải ở lục địa này là không biết khi nào vắc xin sẽ có mặt. Trừ khi tiêm chủng quy mô lớn, nếu không các biến thể mới của SARS-CoV-2 sẽ xuất hiện”.

Các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất tại châu Phi có thể nhắc đến là Nam Phi, Tunisia, Zambia, Uganda và Namibia. Làn sóng dịch bệnh thứ ba ở Nam Phi đã xảy ra sau nhiều lần trì hoãn chương trình tiêm chủng. Tính đến nay, Nam Phi đã ghi nhận 58.000 ca tử vong do COVID-19, tuy nhiên các chuyên gia cho biết thực tế số người chết có thể lên đến 160.000.

Tại Uganda, các cơ sở y tế tư nhân và công cộng đã báo cáo tình trạng thiếu vắc xin và oxy trầm trọng, khiến các bệnh viện không thể tiếp nhận thêm bệnh nhân.

Hiện, châu Phi đã báo cáo tổng cộng hơn 5 triệu ca mắc COVID-19, chiếm 2,9% tổng số trường hợp mắc bệnh trên toàn cầu.

Chung Thu Hương (theo The Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI