Để không ai chịu tổn thương trong chuyện tình dục...

10/08/2020 - 05:45

PNO - Thế là bạn quyết định sẽ quan hệ tình dục với người mình yêu. Tuyệt vời! Nhưng làm sao để biết đối tác của mình đã sẵn sàng? Làm sao để những cảm xúc thăng hoa không rơi vào khoảnh khắc ngượng ngùng? Làm sao để không ai phải chịu tổn thương chỉ vì người bên cạnh không hiểu ý. Câu trả lời rất đơn giản, hãy hỏi đối tác của mình.

Nhưng đằng sau mỗi câu trả lời là một vấn đề rất quan trọng. Bởi có những lúc chúng ta đồng tình với một hành vi nào đó, không có nghĩa là bạn thích nó và ngược lại. Sự thiếu hiểu biết về những mong muốn của bản thân, ngại giao tiếp, sợ người khác đánh giá khiến ta chênh vênh khi gần gũi.

Hiểu về tình dục đồng thuận sẽ giúp mọi người biết cách bảo vệ chính mình và người bên cạnh. Để không ai phải đau khổ chỉ vì những mong đợi của mình không được ghi nhận hay lắng nghe. Đó là cách chúng ta thể hiện trách nhiệm với người mình yêu và với chính cảm xúc của bản thân.

Trong sự kiện đồng thuận vừa được tổ chức tại trường đại học Fulbright TP.HCM trong khuôn khổ của dự án Wintercearig nhằm nâng cao nhận thức bạn trẻ về sức khỏe tinh thần thông qua nghệ thuật đương đại, các bạn được tìm hiểu, thảo luận với diễn giả về sự đồng thuận trong một mối quan hệ, hiểu về cơ thể và các ranh giới của bản thân.

Ngoài ra, các bạn cũng được học các kỹ năng giao tiếp bằng lời hoặc bằng ngôn ngữ cơ thể, để từ đó có thể phân biệt giữa tiếng “có” đam mê và một tiếng “có” ngại ngùng, cũng như cách chúng ta vinh danh tiếng “không” khi không muốn.

Bạn trẻ cùng diễn giả thảo luận về sự đồng thuận trong một mối quan hệ
Bạn trẻ cùng diễn giả thảo luận về sự đồng thuận trong một mối quan hệ

Thế nào là tình dục đồng thuận?
Tình dục là một hoạt động tự nhiên của con người. Chẳng có gì sai hay đáng bị lên án nếu chúng ta ham muốn, gần gũi với một ai đó. Và chẳng có gì sai nếu bạn không thích hay chưa sẵn sàng cho hành vi tình dục diễn ra. Sự đồng thuận là khi cả hai cùng đồng tình, tự nguyện, tỉnh táo có đầy đủ thông tin, năng lực, sự hiểu biết về đối phương, về hành vi tình dục mà bạn tham gia. Ngoài ra, không ai được đánh lừa, ép buộc, dùng quyền lực gây ảnh hưởng người khác để quan hệ. Nếu bạn không cảm thấy thoải mái thì hoàn toàn có thể rút lại sự đồng thuận của mình, và đối tác phải tôn trọng điều đó. 

Bởi rất nhiều người đồng ý quan hệ khi họ không muốn, hay lý do quan hệ không xuất phát từ chính họ. Nhiều người quan niệm rằng, chỉ cần thuyết phục bằng cách khen ngợi, hứa hẹn, hoặc ép buộc, lên án, giận dỗi… sẽ khiến cho người còn lại thay đổi ý định để “tự nguyện” mà không phải dùng đến bạo lực, thì đó không phải là cưỡng hiếp. Thế nhưng việc hỏi đi hỏi lại, tạo áp lực để biến “không” thành “có”, cũng đã vi phạm sự đồng thuận. Bởi đối phương đã bị thao túng về tâm lý mà không thực sự mong muốn điều này xảy ra, thì đó cũng là xâm hại. 

Trong một mối quan hệ vợ chồng, cũng cần phải tôn trọng sự đồng thuận. Nếu vì một lý do nào đó người bạn đời không muốn quan hệ, không có nghĩa là bạn được phép nài nỉ, ép buộc hoặc tấn công để đạt được ý muốn. Làm vậy, nghĩa là bạn chưa bao giờ tôn trọng đối tác của mình. Không có gì phải xấu hổ hay bị xúc phạm nếu người yêu bạn từ chối quan hệ. Ai trong chúng ta cũng có quyền nói không với những hành vi khiến mình không thoải mái, hoặc cơ thể mình không mong đợi. 

Nguyên tắc cung cấp đồng thuận và nhận đồng thuận 

Trước khi bạn cung cấp đồng thuận cho một hành vi tình dục nào đó, bạn phải hiểu cơ thể bạn thích gì, muốn gì và cần gì để hành vi đó được diễn ra. Cách bạn giao tiếp về những giới hạn phải được tôn trọng. Một bạn nữ chia sẻ có quen người yêu được ba tháng, em đã nói rõ đồng ý ngủ chung và có những động chạm thân mật, nhưng em chưa sẵn sàng để quan hệ tình dục. Anh tôn trọng em nhưng sau đó lại đòi chia tay với lý do không đủ tin tưởng và làm tổn thương anh ấy. Em cảm thấy xấu hổ và mặc cảm, sau đó em rất khó để mở lòng yêu một ai khác. 

Đồng thuận giúp tạo ra một không gian an toàn cho một mối quan hệ được diễn ra. Đồng thuận dạy chúng ta sống có trách nhiệm, hiểu biết và cảm thông với người yêu của mình. Nhưng nếu một ai đó vô tâm, không thích chịu trách nhiệm, chỉ muốn thỏa mãn khoái cảm bản thân, thì đồng thuận sẽ không khiến cho mối quan hệ đó trở nên tốt đẹp. Và nếu ai đó không tôn trọng sự đồng thuận thì mối quan hệ đó cũng sẽ khó bền vững. Thay vì đổ lỗi cho bản thân, sự tự tin và kiêu hãnh sẽ giúp bạn tìm được một anh chàng xứng đáng hơn.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đàn ông cũng có thể bị… xâm hại

Nếu bạn muốn quan hệ với bất kỳ ai, điều đầu tiên bạn phải hỏi xem họ có đồng ý không. Những bạn đang hẹn hò thì việc đối thoại về sở thích, giới hạn của nhau là vô cùng quan trọng. Việc chia sẻ về tiền sử của các bệnh lây qua đường tình dục, phương pháp tránh thai, khoái cảm hay mong muốn bản thân, tình trạng hôn nhân… là rất cần thiết. Chính sự trung thực, chân thành là chìa khóa cho sự thấu hiểu và tôn trọng về lâu dài. Việc biết cách giao tiếp trước khi quan hệ sẽ giúp cả hai thăng hoa hơn và tránh những sự cố ngoài mong đợi.

Ngoài ra, chúng ta nên chấm dứt đổ lỗi cho nạn nhân của xâm hại, lạm dụng hay tấn công tình dục. Một người đàn ông cũng có thể là nạn nhân của xâm hại khi ai đó gây ra những hành vi tình dục mà anh ấy không đồng thuận. Một phụ nữ dù chiếc váy ngắn đến đâu thì cũng không ai có quyền xâm hại, vì đó là cơ thể của bạn - và chỉ bạn mới có quyền tự quyết với cơ thể mình. Thế nên việc đổ lỗi cho nạn nhân dù bất kỳ lý do gì, cũng làm xã hội phớt lờ đi hành vi của kẻ xâm hại. Đó mới là nguyên nhân, là điều mọi người cần tố cáo và lên án.

Tôn trọng sự đồng thuận là tôn trọng giới hạn, mong muốn, yêu cầu toàn vẹn của người khác. Đó là cách chúng ta thể hiện trách nhiệm, sự yêu thương, chia sẻ và thấu cảm với đối tác. Để chấm dứt văn hóa cưỡng bức, cần tạo ra văn hóa đồng thuận - ngay từ bây giờ, mọi lúc, mọi nơi với mọi cá nhân trong xã hội.

Mia Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI