Hiệu quả mũi tăng cường vắc xin COVID-19 giảm đáng kể sau 4 tháng

12/02/2022 - 13:14

PNO - Một nghiên cứu mới của CDC Mỹ cho biết hiệu quả của liều thứ 3 vắc xin mRNA Pfizer và Moderna giảm đáng kể vào tháng thứ 4 sau khi tiêm.

 

Hiệu quả của vắc-xin chống lại việc nhập viện giảm xuống 78% từ 91% vào tháng thứ tư sau liều thứ ba
Hiệu quả của liều vắc xin COVID-19 thứ 3 ngăn ngừa nhập viện giảm từ 91% còn 78% vào tháng thứ 4

Mặc dù hiện nay đã có rất nhiều tài liệu chứng minh rằng hiệu quả của vắc xin giảm sau hai liều, nhưng có rất ít tài liệu được công bố về thời gian bảo vệ sau khi tiêm liều nhắc lại.

Nghiên cứu mới này được dựa trên hơn 241.204 người đến phòng cấp cứu hoặc phòng khám chăm sóc khẩn cấp và 93.408 trường hợp nhập viện nghiêm trọng ở những người trưởng thành mắc COVID-19 trong thời gian từ ngày 26/8/2021 đến ngày 22/1/2022. Hiệu quả của vắc xin được ước tính bằng cách so sánh tỷ lệ chênh lệch giữa bệnh nhân đã tiêm chủng và chưa tiêm chủng. Ngoài ra, nghiên cứu cũng sử dụng các phương pháp thống kê để kiểm soát theo khu vực địa lý, độ tuổi, mức độ lây truyền tại chỗ và các đặc điểm khác như bệnh đi kèm.

Kết quả cho thấy, trong thời kỳ cao nhất của biến thể Omicron, hiệu quả của vắc xin ngăn ngừa các ca bệnh nặng liên quan đến COVID-19 là 87% trong hai tháng sau liều thứ 3, nhưng đã giảm xuống 66% vào tháng thứ 4.

Hiệu quả của vắc xin giúp ngăn ngừa trường hợp nhập viện và cần chăm sóc đặc biệt (ICU) là 91% trong hai tháng đầu tiên, nhưng đã giảm xuống 78% vào tháng thứ 4 sau liều thứ 3.

"Việc phát hiện khả năng bảo vệ do vắc xin mRNA mang lại sẽ suy yếu trong những tháng sau khi được tiêm liều vắc xin thứ 3 củng cố tầm quan trọng của việc xem xét thêm các liều bổ sung để duy trì hoặc cải thiện khả năng bảo vệ", các tác giả kết luận.

Phát biểu tại cuộc họp giao ban về COVID-19 của Nhà Trắng hôm 10/2, cố vấn y tế hàng đầu của Tổng thống Joe Biden, tiến sĩ Anthony Fauci cho biết có khả năng liều thứ 4 sẽ cần thiết hơn đối với nhóm nhỏ những người có phản ứng miễn dịch kém hơn, chẳng hạn như người già và suy giảm miễn dịch.

Trong một diễn biến khác, ngày 11/2, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) đã cho phép một phương pháp điều trị bằng kháng thể mới được nghiên cứu trong phòng thí nghiệm của Công ty dược phẩm Lilly có tên là Bebtelovimab.

Thuốc được sử dụng dưới dạng tiêm vào tĩnh mạch trong ít nhất 30 giây và đã được "bật đèn xanh" để điều trị COVID-19 từ nhẹ đến trung bình ở những người từ 12 tuổi trở lên có nguy cơ mắc bệnh nặng cao.

Dữ liệu từ một thử nghiệm lâm sàng cho thấy thuốc có hứa hẹn mạnh mẽ chống lại biến thể Omicron. Phương pháp điều trị bằng kháng thể trước đây của Lilly đã không được FDA cho phép sau khi được phát hiện là không có hiệu quả đối với biến thể này.

Trọng Trí (theo AFP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI