Hành trình sống mới

09/03/2022 - 12:22

PNO - Cánh đồng vẫn ở đó, dù thời gian có thay đổi mọi thứ thì những ngày này, lúa vẫn xanh.

"Mạ ơi, lên ăn cơm. Con mang cơm ra rồi đây". Nghe tiếng gọi, người phụ nữ đang lom khom dưới ruộng đứng thẳng lưng, ngực ưỡn ra đằng trước, hai tay thõng ra phía sau, cao giọng nói: "Ừ, đợi mạ giặm nốt chỗ này đã".

Thằng bé người gầy, đen nhẻm lúi húi dựng chân chống xe đạp rồi lấy cái cà mèn và chai nước chè từ giỏ xe đặt xuống vệ cỏ ven con đê.

Trên thửa ruộng gần đó, người phụ nữ tay thoăn thoắt cắm nốt mấy đôi mạ vào mặt ruộng loang loang nước và bùn. Cánh đồng vừa xong mùa gieo sạ.

Mạ non lên xanh phủ lấp. Thỉnh thoảng có vài chỗ trống trơn, loang lổ vì mạ chết hoặc nước làm trôi hạt giống. Tranh thủ bùn còn non, cây lúa vừa lên, người nông dân ra đồng tỉa mạ ở đám ruộng này, dặm vào đám ruộng kia. Đó là những ngày bắt đầu của một hành trình sống mới.

ẢNh: Internet
ẢNh: Internet

 

Tôi lớn lên từ huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, quê hương của câu hát:
Lệ Thủy gạo trắng nước trong
Ai về Lệ Thủy thong dong con người

Gạo trong tâm thức của những người dân quê tôi vừa là thành quả vật chất, vừa là niềm hãnh diện. Những người con xa quê ăn các loại gạo ở xứ người nhận ra rằng, có thể ở nơi nào đó gạo thơm, dẻo nhưng lại không thể có vị ngọt bùi như gạo xứ quê. 

Gạo được tạo nên từ đôi bàn tay chai sần lam lũ của những người dân quê. Đôi bàn tay rắn chắc be bờ, đắp đập, vãi hạt gieo mầm. Đôi bàn tay thoăn thoắt nhổ mạ, cấy từng hàng mạ non thẳng tăm tắp cả mấy trăm mét. Đôi bàn tay nhổ cỏ, gặt lúa. Đôi bàn tay phơi thóc, trăn trở trong những trưa nắng hè. Và đôi bàn tay xay, giã, dần, sàng để nên những hạt gạo trắng nõn, căng tròn. Bao nhiêu mẻ gạo được sàng ra là bấy nhiêu vết chai sần trên đôi bàn tay của mẹ cha. Năm này qua năm khác, gạo nuôi những đứa trẻ lớn lên, đôi bàn tay ấy lại dày thêm những chai sạn.

Hạt gạo đủ chuẩn là hạt gạo ươm lên từ những ngày cuối đông rét mướt, rồi lớn lên trong cái nắng oi ả của mùa hè. Nắng càng chát, lúa càng mẩy hạt.

Rồi khi lúa được đưa vào sân nhà, lúc ấy người nông dân mong nắng nhất. Những ngày ấy, người lớn và đám trẻ con chúng tôi trải lúa ra sân phơi, rồi chốc chốc lại ra “lội cạn” hoặc “trăn qua trở về” để lúa được khô đều. Hạt lúa khô đều, vừa đủ nắng khi được xát bỏ lớp vỏ vàng đi sẽ có màu trắng trong, bóng mẩy, nguyên vẹn. Nếu lúa không phơi đủ nắng hoặc già nắng, khi xay ra sẽ bị nát, sần và dễ mốc. Bởi vậy nắng là yếu tố cần và đủ để có hạt gạo vừa trắng, tròn và ngon.

 

Vị ngon, ngọt, dẻo thơm của hạt gạo không chỉ bởi quyết định từ giống mà còn là yếu tố trời ban. Mảnh đất nào màu mỡ thóc đó sai hạt và thơm bùi. Quảng Ninh và Lệ Thủy không phải ngẫu nhiên mà trở thành hai vùng trồng lúa nổi tiếng khắp 18 tỉnh miền Trung. “Nhất Đồng Nai, nhì hai huyện”, người miền Trung nhận “hai huyện” trong câu ca này là Lệ Thủy và Quảng Ninh của tỉnh Quảng Bình.

Đợt lũ năm 2020 là đợt lũ khiến hai huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy bị thiệt hại nhất, ngập sớm nhất và sâu nhất. Không phải chỉ duy nhất một năm mà năm nào người dân ở đây cũng phải đối mặt với vài cơn lũ, bão khác nhau. Thiên tai gây ra bao nỗi ưu phiền cho người dân nghèo, nhưng khi những cơn lũ đi qua, chúng để lại lớp phù sa màu mỡ. Lớp phù sa đó phủ lên những cánh đồng. Đó là món quà trời ban cho những đứa con của mình  để bù lại những thiệt thòi. 

Những ngày này về quê, tôi lại gặp cánh đồng năm cũ. Cánh đồng vẫn ở đó, dù thời gian có thay đổi mọi thứ thì những ngày này, lúa vẫn xanh. Màu mạ non phủ khắp nơi khiến trái tim những kẻ xa xứ rộn ràng. 

Lê Hải

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI