PNO - Việc một cá nhân bình thường có thể trở thành “thần tượng” chỉ sau 1 video lan truyền không đơn thuần là thành quả của công nghệ hay thời đại số. Đó là tín hiệu cho thấy xã hội đang thay đổi cách tôn vinh giá trị theo hướng dễ dãi và đáng báo động.
Mỗi cá nhân đều có những giá trị riêng và nếu người đó nỗ lực rèn luyện, đóng góp tích cực, việc trở thành hình mẫu cho cộng đồng là hoàn toàn xứng đáng. Tuy nhiên, không ít “hiện tượng mạng” lại nổi lên nhờ nội dung gây sốc, phản cảm hoặc kỳ quái, không phản ánh bất kỳ giá trị chuyên môn, đạo đức, văn hóa nào. Sự tung hô dễ dãi dành cho những clip “độc - lạ - sốc” đang làm méo mó nhận thức của một bộ phận giới trẻ về tài năng và sự xứng đáng.
Đây không còn là sự phát triển tự nhiên của văn hóa đại chúng - vốn nên hướng đến cái đẹp dễ tiếp cận, dễ hiểu - mà là biểu hiện của sự khủng hoảng giá trị. Khi người xem chỉ cần thấy vui, thấy lạ là khen và ủng hộ, chuẩn mực bị đánh tráo bởi hiệu ứng đám đông. “Văn hóa số” đang bị lợi dụng như một sân khấu cho các hành vi lệch chuẩn khoác áo tự do sáng tạo.
Tiến sĩ Hoàng Duẩn - Ảnh do tác giả cung cấp
Thành công không thể đến chỉ sau 1 đêm nhưng mạng xã hội đang gieo vào đầu giới trẻ thông điệp ngược lại. Rằng chỉ cần 1 video lan truyền rộng, bạn có thể trở thành người nổi tiếng, được mời diễn thuyết, đi giao lưu truyền cảm hứng, thậm chí nghiễm nhiên được xem như “người nổi tiếng”. Khi xã hội không phân biệt rõ đâu là giá trị thật, đâu là chiêu trò ngắn hạn, thế hệ trẻ sẽ nhầm tưởng rằng chỉ cần “khác người” là đủ để thành công, bất chấp tư cách hay đạo đức. Chúng ta cần nuôi dưỡng một môi trường văn hóa số lành mạnh từ nhận thức đến hành động. Để văn hóa số không biến thành “sân khấu ảo” cho sự lệch chuẩn, cần sự hành động từ nhiều phía. Trước hết, hệ thống pháp luật phải theo kịp thực tiễn. Các quy định xử phạt hành vi lệch chuẩn trên nền tảng số cần rõ ràng, đủ sức răn đe và dễ áp dụng. Việc cá nhân vi phạm bị khóa kênh nhưng dễ dàng “tái sinh” với tài khoản mới cho thấy khoảng trống pháp lý cần được lấp đầy.
Ngành giáo dục cũng cần đi trước một bước. Việc đưa các nội dung về văn hóa số, văn minh mạng, nhận diện thông tin sai lệch… vào trường học là cấp thiết. Nếu chưa thể tích hợp thành môn học chính thức, các trường có thể tổ chức chuyên đề ngoại khóa thường xuyên để học sinh, sinh viên được trang bị kỹ năng phản biện và chọn lọc thông tin. Về phía xã hội, cần tạo ra những sân chơi sáng tạo chính thống, nơi người trẻ được thử sức và hướng dẫn để làm ra những nội dung có giá trị, thay vì để mặc họ loay hoay giữa mạng lưới nội dung độc hại.
Gia đình, đặc biệt là cha mẹ, nên đồng hành cùng con trong quá trình sử dụng mạng xã hội, thay vì cấm đoán hoặc buông lỏng. Cùng con tham gia các sân chơi tích cực, định hướng thói quen sáng tạo lành mạnh sẽ giúp xây dựng nội lực vững vàng cho thế hệ tương lai.
Đừng để sự nổi tiếng đến từ sự dối trá kéo theo sự ngộ nhận tập thể về thành công, lòng tin và chuẩn mực đạo đức trong một xã hội số đang phát triển quá nhanh.
Nghệ sĩ ưu tú, tiến sĩ Hoàng Duẩn- Phó trưởng khoa Quản lý văn hóa, nghệ thuật, Trường đại học Văn hóa TPHCM