Đã khởi tố 10 bị can liên quan đến vụ sữa giả HIUP

03/07/2025 - 20:17

PNO - Liên quan đến vụ án sản xuất và buôn bán sữa giả HIUP, Bộ Công an đã khởi tố vụ án hình sự và khởi tố 10 bị can.

Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6, trước câu hỏi của phóng viên Thu Hoài (báo Dân trí) về tình trạng hàng giả, hàng nhái đang diễn biến phức tạp, đặc biệt là các vụ liên quan đến sản phẩm sữa HIUP và dầu ăn Ofood, Thiếu tướng Nguyễn Quốc Toản - Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an - đã thông tin cụ thể về kết quả điều tra và định hướng xử lý tiếp theo.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Quốc Toản, đây là những vụ việc nằm trong cao điểm đấu tranh phòng, chống sản xuất – buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng do Bộ Công an triển khai trên phạm vi toàn quốc.

Chỉ trong 1 tháng cao điểm, Công an các đơn vị, địa phương đã khởi tố 124 vụ án và 297 bị can liên quan đến hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả. Xử lý hành chính 944 vụ, với 968 đối tượng bị xử phạt.

Thiếu tướng Nguyễn Quốc Toản, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an, cung cấp thông tin về kết quả điều tra các đường dây sản xuất, tiêu thụ thực phẩm giả
Thiếu tướng Nguyễn Quốc Toản - Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an - cung cấp thông tin về kết quả điều tra các đường dây sản xuất, tiêu thụ thực phẩm giả

Ông Toản nhận định, các đường dây vi phạm hiện nay hoạt động có tổ chức, bài bản, từ khâu thành lập công ty bình phong, xây dựng hệ sinh thái sản xuất, tiêu thụ, đến nhập nguyên liệu, sản xuất hàng giả, quảng bá, tiếp thị và tiêu thụ sản phẩm. Các thủ đoạn đều tinh vi, có tính đối phó cao với lực lượng chức năng, và đặc biệt nguy hiểm khi sản phẩm giả đã xâm nhập vào bữa ăn hằng ngày của người dân, trong đó có bếp ăn tập thể và món ăn cho trẻ nhỏ.

Liên quan đến vụ án sản xuất và buôn bán sữa giả mang nhãn hiệu HIUP, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án hình sự và khởi tố 10 bị can. Các đối tượng bị điều tra về 2 nhóm hành vi vi phạm chính: Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng và sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm.

Mặc dù chưa công bố toàn bộ danh tính, nhưng Bộ Công an khẳng định đây là vụ việc có dấu hiệu tổ chức tinh vi, lợi dụng các công ty có sẵn để sản xuất sữa giả đưa ra thị trường.

Trong một diễn biến khác, vụ án liên quan đến sản phẩm dầu ăn nhãn hiệu Ofood cho thấy mức độ nguy hiểm và liều lĩnh khi dầu ăn dùng trong chăn nuôi bị chế biến thành dầu ăn cho người và đưa vào lưu thông.

3 đối tượng bị khởi tố trong vụ án này gồm:

Đặng Thị Phương – Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Xuất nhập khẩu Nhật Minh Food, bị khởi tố về tội Sản xuất, buôn bán hàng giả.

Nguyễn Trọng Năng – đại diện pháp luật của Công ty CP Xuất nhập khẩu Thực phẩm Minh Phú và Công ty TNHH Sản xuất & Thương mại An Dương, bị khởi tố về tội Buôn lậu.

Đỗ Thị Ngọc Mai – đại diện pháp luật của Công ty TNHH Thương mại Xuất nhập khẩu An Hưng Phước và Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Nông sản Phước Thành, cũng bị khởi tố cùng tội danh Buôn lậu.

Vụ án đang được tiếp tục điều tra để làm rõ toàn bộ chuỗi cung ứng, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, cũng như đánh giá hậu quả đối với sức khỏe người dân.

Trước câu hỏi của báo chí về trách nhiệm của các cá nhân, đặc biệt là người nổi tiếng, đã tham gia quảng cáo trong thời gian dài cho các sản phẩm vi phạm, Thiếu tướng Nguyễn Quốc Toản nhấn mạnh:

“Cả hai vụ án đang trong quá trình điều tra. Cơ quan điều tra sẽ làm rõ sơ hở, lỗ hổng trong các quy định pháp luật để kiến nghị hoàn thiện, đồng thời làm rõ trách nhiệm cá nhân, tổ chức quảng cáo sản phẩm hàng giả, hàng kém chất lượng.”

Về trách nhiệm quản lý nhà nước, ông Toản cho biết Bộ Công an đang rà soát, đánh giá các thiếu sót trong cơ chế giám sát, cấp phép, hậu kiểm sản phẩm thực phẩm, đặc biệt là những mặt hàng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng.

“Bộ Công an sẽ tập trung điều tra trên tinh thần khẩn trương nhưng chặt chẽ, khách quan, đúng bản chất và khi có kết quả sẽ cung cấp đầy đủ cho báo chí”, ông Toản khẳng định.

Bộ Công an đồng thời khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác khi lựa chọn thực phẩm, đặc biệt đối với những sản phẩm được bán tràn lan trên các nền tảng thương mại điện tử, mạng xã hội, hoặc có quảng cáo bởi người nổi tiếng nhưng thiếu xác minh nguồn gốc.

Các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm hành vi sản xuất – buôn bán thực phẩm giả, kém chất lượng, đảm bảo an toàn cho người dân.

Bảo Khang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI