Căn hộ shophouse mất dần sức hút

03/07/2025 - 07:02

PNO - Từng được giới đầu tư đua nhau mua, loại căn hộ vừa ở, vừa kinh doanh (shophouse) hiện nay lại ế ẩm, rất khó bán hay cho thuê.

Trong giai đoạn 2015-2020, căn hộ nằm ở tầng trệt chung cư là loại bất động sản được nhiều nhà đầu tư lùng mua. Chúng thường có giá cao hơn 1,5-2 lần so với các căn hộ cùng diện tích, nằm trong cùng chung cư, do có số lượng hạn chế và nằm ở vị trí đẹp nhất. Nhưng nay, chúng đang bị ế ẩm. Nhiều shophouse nằm trong khu dân cư đông đúc vẫn khó cho thuê, muốn có người thuê thì giá phải thấp nên tỉ suất lợi nhuận đầu tư chỉ đạt khoảng 2 - 3%/năm, thấp hơn cả lãi suất gửi tiết kiệm ngân hàng.

Chung cư Sky Garden 3 (khu Phú Mỹ Hưng, TPHCM) dày đặc bảng rao cho thuê shophouse
Chung cư Sky Garden 3 (khu Phú Mỹ Hưng, TPHCM) dày đặc bảng rao cho thuê shophouse

Ở khu Phú Mỹ Hưng (quận 7 cũ), TPHCM - nơi từng được gọi là “phố Hàn giữa lòng Sài Gòn” - rất nhiều căn hộ đang phủ bụi, cửa đóng then cài, bên ngoài cửa là tấm bảng cho thuê. Anh T. - chủ một căn hộ trong chung cư Hưng Vượng - cho biết, đã rao cho thuê căn hộ 86m2 mặt tiền đường Bùi Bằng Đoàn với giá 25 triệu đồng/tháng nhưng qua nhiều tháng, không có cuộc gọi nào hỏi thăm.

Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở chung cư Eco Green Sài Gòn. Tại đây, hàng loạt căn shophouse diện tích từ 200 - 300m² đang nằm im lìm chờ người thuê dù giá cho thuê đã giảm còn 50-60 triệu đồng/tháng, thấp hơn tới 30 - 40% so với năm ngoái. Một người môi giới bất động sản cho hay, có chủ nhà tặng 2 tháng tiền thuê nhưng vẫn không có ai liên hệ thuê nhà. Ở chung cư Sunrise Riverside, Phú Hoàng Anh, tầng trệt vẫn vắng hoe, các tấm bảng quảng cáo cho thuê mặt bằng đặt ở mặt tiền đường đã bạc màu, mờ chữ, mặt bằng vẫn bỏ trống. Các shophouse ở phường Thảo Điền cũng chung số phận.

Chị Nguyễn Kim Ngân kể, năm 2022, chị mua căn shophouse trong một chung cư cao cấp ở quận 7 cũ nhưng sau 3 năm nhận bàn giao, mặt bằng vẫn bỏ trống bởi không ai thuê hay mua lại. Chị nói: “Người ta chê shophouse là vì cư dân trong chung cư chuộng đặt mua hàng online trên các nhóm Zalo, Facebook của chung cư, được giao hàng tận cửa miễn phí ship. Họ không còn trực tiếp đến shophouse mua hàng nữa”.

Ông Lê Quang Danh - Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Dịch vụ Tiến Phát - phân tích: căn hộ tầng trệt chung cư từng được định vị sai lệch là sản phẩm đầu tư sinh lời cao do có số lượng hạn chế, tích hợp chức năng ở và kinh doanh. Nhưng trên thực tế, hiệu quả kinh doanh phụ thuộc vào lượng người sử dụng dịch vụ tại chỗ và khách vãng lai. Nếu chung cư có mật độ dân cư thưa vắng thì shophouse rất khó hoạt động. Ngoài ra, giá shophouse bị đẩy lên quá cao nên khi dòng tiền khan hiếm, nhà đầu tư không còn chấp nhận mức giá vô lý.

Theo chuyên gia tài chính, bất động sản Lê Quốc Kiên, giai đoạn 2019-2021, shophouse là loại bất động sản được nhiều người đổ tiền vào mua để bán lại, kiểm tiền chênh lệch, đẩy giá tăng cao. Sau khi đã bị đẩy giá nhiều lần, giá rao bán đã quá cao so với giá trị thực nên bão hòa. Để bán được, chủ căn hộ phải chấp nhận lỗ, chẳng hạn có căn họ mua vào 6 tỉ đồng, sau 3 năm bán ra 5 tỉ đồng, mua 22,5 tỉ đồng, bán ra 17,5 tỉ đồng mà vẫn không có người mua.

Cũng theo ông Lê Quốc Kiên, thời điểm shophouse đang ăn khách, chủ đầu tư dự án bất động sản cho ra quá nhiều shophouse trong cùng một dự án khiến chúng không còn là “hàng hiếm”. Đây cũng là nguyên nhân khiến loại căn hộ này mất giá. Ông nêu ví dụ, khi chung cư có 1.000 dân, cần có 2 cửa hàng tiện lợi, nhưng khi có 10.000 dân, không thể có 10 cửa hàng. Do đó, không cần có quá nhiều shophouse trong cùng một chung cư. Sẽ luôn có một tỉ lệ shophouse nhất định không thể cho thuê được.

Bích Trần

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI