Khi chiêu trò vượt trên chuẩn mực

03/07/2025 - 06:23

PNO - Từng được xem là không gian sáng tạo, mạng xã hội giờ đây trở thành “mảnh đất màu mỡ” cho những hành vi lách luật, gây sốc và kiếm tiền bất chấp chuẩn mực.

Thời gian qua, nhiều tiktoker liên tiếp vướng vào các vụ việc liên quan đến pháp luật. Làm sao để định hướng một môi trường mạng xã hội lành mạnh?

Từ truyền cảm hứng đến phạm luật

Trong vòng chưa đầy 1 năm, ít nhất 3 vụ việc lớn liên quan đến các tiktoker bị khởi tố, điều tra vì hành vi lừa đảo tài chính. Điển hình là vụ Lê Khắc Ngọ (Mr. Hunter) và Phó Đức Nam (Mr. Pips) - từng nổi như cồn trên mạng xã hội nhờ loạt video khoe lãi khủng, chia sẻ bí quyết làm giàu - bị cáo buộc chiếm đoạt hơn 5.000 tỉ đồng từ nhà đầu tư. Đáng nói, cả hai từng được xem là người truyền cảm hứng, có ảnh hưởng lớn đến giới trẻ.

Mr. Pips (trái) và Mr. Hunter (phải) bị khởi tố vào tháng 12/2024 - Nguồn ảnh: Internet
Mr. Pips (trái) và Mr. Hunter (phải) bị khởi tố vào tháng 12/2024 - Nguồn ảnh: Internet

Tương tự, tiktoker happi.mommi - từng gây chú ý với các nội dung khuyến khích phụ nữ khởi nghiệp - cũng bị tố có quá khứ lừa đảo tài chính. Tiktoker này cho biết cô đã gửi đơn kiện những người làm tổn hại uy tín, danh dự của cô. Ở chiều ngược lại, nhiều người vẫn khẳng định họ đã mất tiền khi đầu tư vào nhóm liên quan đến tiktoker này. Hiện vẫn chưa có kết luận chính thức về vụ việc này. Điều đáng chú ý là phía dưới bài đăng của mình, tiktoker này gắn thẻ #khiphunudautu và #DragonCapital. Trong khi đó, quỹ đầu tư Dragon Capital Việt Nam đã khẳng định “Không tham gia vào các hoạt động tài chính cá nhân hay các giao dịch trong quá khứ của bất kỳ ai tham dự cuộc thi “Khi phụ nữ đầu tư”.

Công chúng cũng đang phẫn nộ với thực trạng một bộ phận tiktoker trở thành công cụ tiếp thị trá hình cho hàng giả, kém chất lượng. Lợi dụng sức ảnh hưởng cá nhân, họ nói về các sản phẩm không rõ nguồn gốc bằng lời lẽ “trên mây”. Khi bị “điểm mặt”, họ lặng lẽ tắt kênh hoặc đưa ra đủ các lý do để biện minh.

Tôn vinh lệch chuẩn, hậu quả dài lâu

Vấn đề của tình trạng đáng lo ngại hiện nay không chỉ nằm ở hành vi cá nhân mà còn ở sự dễ dãi trong cơ chế hoạt động của các nền tảng số. Nhiều người không có nền tảng chuyên môn, trải nghiệm, kinh nghiệm… nhưng vẫn thao thao trên mạng xã hội để… truyền cảm hứng, dạy kỹ năng sống, bí quyết giữ tình yêu, thậm chí cả phương pháp phòng chữa bệnh…

Không ít tiktoker, youtuber, facebooker dù đang vướng scandal vẫn được mời xuất hiện trong game show truyền hình, được tung hô như hình mẫu thành công. Điều đó không chỉ tiếp tay cho sự nổi tiếng vô căn cứ mà còn khiến giới trẻ nhầm lẫn giữa sự nổi tiếng và sự tử tế.

Nguy hiểm hơn, những cá nhân từng bị xử phạt, khóa kênh… vẫn có thể quay trở lại và tiếp tục lan truyền nội dung phản cảm, miễn biết nắm bắt xu hướng và tạo hiệu ứng đám đông. Đơn cử trường hợp Phạm Đức Tuấn (Nờ Ô Nô).

Từng gây phẫn nộ với loạt clip xem thường, xúc phạm người già, người có hoàn cảnh khó khăn và bị phạt 7,5 triệu đồng vào năm 2022, đến tháng 12/2024, Phạm Đức Tuấn còn gây sốc hơn khi đặt câu hỏi so sánh giữa lãnh tụ của đất nước với những tiktoker đang nổi. Tuy nhiên, Phạm Đức Tuấn cũng chỉ bị xử phạt 30 triệu đồng. Vẫn kịch bản cũ, khi tài khoản cũ bị tẩy chay, xóa sổ, nhân vật này vẫn tái xuất dễ dàng với những tài khoản mới.

Xã hội sẽ ra sao nếu một thế hệ tin rằng để thành công chỉ cần “khác người”, rằng nổi tiếng dễ hơn tử tế? Khi chuẩn mực bị đánh tráo bởi hiệu ứng đám đông, không bị kiểm soát, công chúng, xã hội sẽ phải trả giá. Cái giá ấy không thể đo đếm bằng giá trị vật chất mà bằng lòng tin bị đánh mất, bằng những giá trị bị đánh tráo, bằng cả sự lệch chuẩn trong cách thế hệ trẻ nhìn nhận về thành công, đạo đức.

Phải xử lý mạnh tay

Hiện nay, Việt Nam vẫn chưa có hành lang pháp lý riêng dành cho người sáng tạo nội dung trên nền tảng số. Việc xử lý chủ yếu dựa trên Luật An ninh mạng, Luật Quảng cáo, Nghị định 15/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin... và một số văn bản liên quan. Vậy nhưng, cách xử phạt hiện tại vẫn chưa đủ sức răn đe, ngăn ngừa. Trong khi đó, các hoạt động thương mại trá hình như quảng cáo sản phẩm sai lệch, lợi dụng danh tiếng để kêu gọi đầu tư, bán hàng live stream… vẫn diễn ra phổ biến, chưa có cơ chế kiểm tra, xác minh hiệu quả.

Tiktoker Phạm Đức Tuấn làm việc với cơ quan chức năng vào ngày 5/12/2024 - Nguồn ảnh: Internet
Tiktoker Phạm Đức Tuấn làm việc với cơ quan chức năng vào ngày 5/12/2024 - Nguồn ảnh: Internet

Rất nhiều lần, việc cần có một bộ quy chuẩn đạo đức và pháp lý rõ ràng cho người sáng tạo nội dung đã được đặt ra. Tăng mức phạt, thêm những hình thức xử lý bổ sung là điều cần làm ngay để ngăn chặn hiệu quả tình trạng không ít tiktoker, youtuber, facebooker lộng hành, tái phạm sau khi bị xử lý. Những người có sức ảnh hưởng được xem là “người của công chúng” phải chịu trách nhiệm tương xứng với hậu quả mà mình gây ra.

Việc chấn chỉnh môi trường mạng không phải để kiểm duyệt sáng tạo mà để bảo vệ những giá trị thật cần được tôn vinh, để giới trẻ nhận diện rõ thành công phải bằng nỗ lực chứ không phải chiêu trò và để lòng tin của cộng đồng không bị bào mòn bởi những “thần tượng ảo”, bất chấp đạo đức, trách nhiệm.

Hoa Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI