Giới giàu có Mỹ đổ xô mua “hộ chiếu vàng”

08/05/2022 - 14:20

PNO - Số người Mỹ giàu có đăng ký nhập quốc tịch hoặc cư trú ở nước ngoài đã tăng vọt trong 3 năm qua, khi các tỷ phú, doanh nhân trong lĩnh vực công nghệ và những người nổi tiếng ở nước này lên “kế hoạch B” cho gia đình của họ.

Hiện, có hơn một chục quốc gia trên thế giới đang cung cấp “hộ chiếu vàng” và thị thực cho phép người nước ngoài giàu có nhập quốc tịch hoặc cư trú để đổi lấy việc đầu tư vào đất nước.

Cựu CEO của Google Eric Schmidt
Cựu CEO của Google Eric Schmidt


Theo Forbes, chi phí để tham gia các chương trình này có thể từ ​​1,1 triệu USD như ở Malta, và lên đến 9,5 triệu USD như ở Áo.

“Chúng tôi xem những chương trình này như một chính sách bảo hiểm. Đã có một số tỷ phú liên hệ với chúng tôi và hỏi rằng, đâu là nơi tốt nhất để sống nếu có một thảm họa về khí hậu, hoặc một đại dịch toàn cầu khác”, Ezzedeen Soleiman - một thành viên quản lý của Công ty Latitude Residency & Citizenship - chia sẻ.

Latitude, công ty tư vấn cho các nhà đầu tư có nhiều tài sản trên khắp thế giới tham gia các chương trình nhập tịch thông qua đầu tư, cho biết nhu cầu này tại Mỹ đã tăng 300% từ năm 2019 đến năm 2021. Henley & Partners, một trong những nhà môi giới quốc tịch lớn nhất thế giới, cũng cho biết doanh thu từ công dân Mỹ đã tăng tăng 327% trong giai đoạn 2019-2020 và tăng thêm 10% vào năm 2021.

Theo Dominic Volek, người phụ trách mảng khách hàng cá nhân tại Henley & Partners, có “4 chữ C” hiện đang thúc đẩy dịch vụ “hộ chiếu vàng” dành cho các nhà đầu tư giàu có: COVID-19, biến đổi khí hậu (Climate change), tiền điện tử (Cryptocurrency) và xung đột (Conflict).

“Nhu cầu từ người Mỹ đã bắt đầu từ thời chính quyền Trump, và tăng mạnh qua các đợt phong tỏa trong đại dịch. Có những thời điểm mà chỉ với hộ chiếu Mỹ trong tay, người Mỹ không thể vào châu Âu. Đó là lý do khiến những cá nhân có nhiều tài sản ở nước này nhận ra rằng họ thật sự không có nhiều quyền lực như họ nghĩ”, Reaz Jafri - Giám đốc điều hành của Dasein Advisors - chia sẻ.

Jafri cho biết công ty của ông đã nhận được nhiều yêu cầu từ người Mỹ hơn trong 3 năm qua so với 20 năm trước đó cộng lại, và khách hàng của ông thường làm việc trong lĩnh vực công nghệ, bất động sản, hoặc tiền điện tử, với tài sản ròng từ 50 triệu đến 20 tỷ USD. 

“Từ một nhà sáng lập công nghệ lo ngại về sự gia tăng tội ác thù ghét người Mỹ gốc Á, cho đến các doanh nhân trẻ trong lĩnh vực Internet 3.0 đang muốn tìm cách tránh bị tăng thuế, những người giàu trên khắp nước Mỹ đang lên kế hoạch cho điều tồi tệ nhất. Họ có một điểm chung: nỗi sợ hãi sâu xa về tương lai của xã hội Mỹ”, Jafri nhận định.

Hai trong số các công ty được tờ Insider phỏng vấn cho biết giấy phép cư trú 5 năm của Bồ Đào Nha (người có giấy phép này có thể được miễn thị thực đến 26 quốc gia trong Liên minh châu Âu) hiện là chương trình được các nhà đầu tư Mỹ quan tâm nhiều nhất.

“Thị thực vàng” của Bồ Đào Nha yêu cầu nhà đầu tư phải bỏ ra một số vốn ít nhất 200.000 USD và có thời gian lưu trú trung bình 7 ngày một năm tại nước này. Khi giấy phép hết hạn thì có thể nộp đơn xin nhập quốc tịch toàn thời gian, và chờ xét duyệt trong khoảng 3 năm nữa.

“Bồ Đào Nha là California tiếp theo. Nếu bạn có tài năng, bạn sẽ có nhiều cơ hội làm giàu khi đến đó. Những người Mỹ siêu giàu muốn tạo dựng một cơ sở kinh doanh lâu dài ở châu Âu như một “di sản thừa kế” cho con cháu của họ. Rất nhiều người trong số họ hoặc thất vọng về những gì đang xảy ra ở Mỹ, hoặc không nhìn thấy những cơ hội mà họ từng thấy ở Mỹ”, Soleiman nhận xét.

Tuy nhiên, cũng có nhiều người Mỹ nhận hộ chiếu vàng cuối cùng không đi khỏi nước Mỹ, và một số cũng ít khi đến nước mà họ được cấp hộ chiếu. Kết quả từ một cuộc điều tra về chương trình quốc tịch của Malta do tờ The Guardian thực hiện và tiết lộ vào năm ngoái là một ví dụ.

“Rất ít khách hàng của chúng tôi thực sự di chuyển ra khỏi nước Mỹ. Hầu hết họ chỉ muốn có một kế hoạch dự phòng”, Volek của Henley & Partners giải thích.

 

Nhất Nguyên (theo Business Insider)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI