Giảm chi tiêu, làm thêm việc để ứng phó với bão giá

21/09/2022 - 06:39

PNO - Khi bão giá quét qua toàn cầu, nhiều người vừa giảm chi tiêu vừa phải căng mình làm thêm việc để có thêm thu nhập.

Giới trẻ luôn được xem là đối tượng tiềm năng cho các thị trường vì được xem là những người thường làm hết mình, chi tiêu hết sức. Nhưng gần đây, lạm phát gia tăng không ngừng khiến xu hướng này dường như đang đổi hướng. Trong đó, một bộ phận thanh niên Trung Quốc đã tìm đến lối sống đơn giản hơn để tiết kiệm tiền.

“Chúng tôi không còn dám mạnh tay chi tiêu cho những sinh hoạt cá nhân như trước đây. Tôi thường đi xem 2 bộ phim mỗi tháng nhưng giờ tôi không còn bước vào rạp chiếu phim, kể từ khi đại dịch xảy ra” - Doris Fu - nhân viên văn phòng ở Thượng Hải - chia sẻ.

Lạm phát khiến nhiều phụ nữ phải làm thêm nghề giao hàng để trang trải  cuộc sống - ẢNH: The Paper
Lạm phát khiến nhiều phụ nữ phải làm thêm nghề giao hàng để trang trải cuộc sống. Ảnh: The Paper

Lối sống tiết kiệm này đang trở thành xu hướng mới của giới trẻ Trung Quốc. Trên mạng xã hội Weibo, không khó để bắt gặp những bài chia sẻ về các mẹo cắt giảm chi tiêu, tiết kiệm tiền của người trẻ nước này. Tại Thượng Hải - một trong những thành phố đắt đỏ nhất Trung Quốc - các cuộc thảo luận, chia sẻ về các mẹo tiết kiệm như “Sống với 1.600 tệ một tháng” bùng nổ trên các trang mạng xã hội. “COVID-19 khiến mọi người trở nên thận trọng hơn. Bạn không thể giống như trước đây, tiêu hết số tiền kiếm được tháng này và kiếm lại vào tháng sau” - Yang Jun - một nữ quản trị nhóm 28 tuổi - nói.

Nhiều người ở Hàn Quốc cũng đang chật vật cho các khoản chi tiêu. Kim A - nhân viên văn phòng 35 tuổi - chia sẻ: “Nhiều người mở rộng nguồn thu bằng cách làm nhiều việc hơn nhưng tôi lại thích tiết kiệm thông qua việc cắt giảm chi phí sinh hoạt không cần thiết và giảm tần suất tụ tập bạn bè”.

Theo dữ liệu mới nhất từ Statistics Korea, số lượng người Hàn Quốc làm cùng lúc nhiều công việc đã đạt mức kỷ lục với 629.610 người vào tháng Năm, tăng khoảng 65% so với tháng 1/2020. Một nhân viên văn phòng giấu tên cho hay: “Tôi hiếm khi chi tiêu cho riêng bản thân, dù vậy, tiền lương hằng tháng của tôi không còn đủ để nuôi gia đình trong thời điểm vật giá tăng chóng mặt. Hiện, tôi tận dụng khả năng tiếng Anh để làm gia sư sau giờ làm mới hy vọng có cuộc sống ổn định”.

Trong tháng Bảy, chỉ số giá tiêu dùng ở Hàn Quốc đã tăng 6,3% so với năm 2021. Ngay cả những người ở độ tuổi 50, 60 cũng đang phải tìm thêm những công việc phụ mang lại nguồn thu. Theo tờ Korea Times, giao hàng hóa hay thức ăn là một trong những công việc phụ phổ biến nhất ở Hàn Quốc. Bởi sau giờ làm hành chính, nhiều người sẽ dễ dàng làm thêm việc này, chỉ cần đăng ký và làm. 

Loại công việc trên cũng được nhiều người trẻ ở các nước châu Á lựa chọn. Thậm chí ở Trung Quốc, ngày càng nhiều phụ nữ chọn làm giao hàng bán thời gian để giải quyết áp lực kinh tế, đồng thời có thể chăm lo cho con cái, gia đình. Cô Ah-Feng (ngoài 40 tuổi) đã chọn làm công việc giao đồ ăn ở Bắc Kinh hơn 3 năm nay. “Nghề này giờ giấc linh hoạt, tôi có thể vừa kiếm thêm thu nhập vừa chăm con. Vào những ngày con nghỉ học, tôi đưa con đi giao hàng. Nếu đi ngang công viên, tôi sẽ cho con vào chơi một chút rồi đi giao hàng tiếp. Cuộc sống khó khăn và chúng ta phải thích nghi” - cô nói.

Nguyễn Thảo (theo SCMP, Straits Times, Korea Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI