Già mới cần nhau

23/06/2022 - 11:41

PNO - Ngày nhỏ, tôi vẫn nhớ như in những lời than thở của mẹ về ba. Tôi nghe đến quen tai, nhưng lòng thì nặng nề. Chung quy mọi chuyện cũng vì cơm áo gạo tiền mà ra.

Ba tôi làm nghề tự do, mẹ tôi may hàng gia công, cuộc sống cũng ổn là nhờ mẹ khéo vén. Ba tôi hôm thì có việc, hôm thì không, nhưng uống rượu thì… đủ tuần, đó cũng là lý do mẹ bực ông. Vậy mà bây giờ ba tôi bỏ hẳn rượu. Không phải ba sợ bệnh, mà vì một lý do rất… nhân đạo: Con cái lấy vợ lấy chồng, nhà vắng vẻ, không muốn vì ba rượu chè mà mẹ buồn thêm, nên ông quyết bỏ rượu.  

Ảnh mang tính minh họa - Pressfoto
Ảnh mang tính minh họa - Pressfoto

 

Ban đầu, mẹ tôi không tin ba. Một người đàn ông nát rượu, làm sao có thể nói bỏ là bỏ được, hoặc cũng có khi bỏ vài ba tuần, uống lại cũng không chừng. Thế nên, mẹ chỉ lặng lẽ quan sát, chứ không động viên, mẹ mất lòng tin với ba rồi. Tháng đầu trôi qua, mẹ bảo trông ba cũng rất khổ sở khi phải đấu tranh tư tưởng với những cơn thèm, với đám bạn nhậu, nhất là khi có người khích bác, cho rằng ba tôi sợ chết, sợ vợ… 

Khi thấy ba có vẻ cương quyết, mẹ mới bắt đầu nhập cuộc, phụ ba cai rượu bằng cách động viên, chuyện trò, pha lẫn chút dỗi hờn của người đàn bà có chồng nghiện rượu, để rồi ba phải hứa, mà lời hứa lần này như lời nguyền. Ba tôi bỏ rượu từ đó. 

Tháng đầu cai rượu, ba tôi buồn lắm, cứ ra ra vô vô chẳng biết làm gì. Mẹ ghét ba uống rượu, nhưng thấy ba như vậy cũng xót. Nhà tôi vườn tược rộng rãi, chỉ trồng vài cây ăn trái, nên đất đai dư nhiều. Mẹ gợi ý ba trồng hoa và rau để vườn nhà thêm xinh, lại được ăn rau sạch. 

Ba tôi, cứ như bao năm rượu chè mất hết lý trí, nên giờ mẹ nói gì, ba cũng thấy có lý. Ba làm lụng như chưa bao giờ được làm, cũng là cách giết thời gian cho đỡ nhớ rượu, là cách đền bù tình yêu, chuộc lỗi lầm vì rượu bao năm ba hờ hững với mẹ. 

Với mẹ, đây là khoảng thời gian hạnh phúc, hạnh phúc hơn cả những ngày trẻ, bởi lúc này mẹ thảnh thơi, không lo nghĩ chuyện kinh tế. Cho nên, ngoài vườn có ba là nhất định có mẹ; mẹ trong phòng tắm, ba í ới gọi xem chừng; mẹ ra chợ có ba đèo; mẹ vào bếp có ba phụ. Mẹ bảo, ba nói một câu mà mẹ rơi nước mắt: “Chúng ta cùng già đi!”. Rồi mẹ cũng nói, thà khổ “khúc” trước, còn hơn khổ “khúc” sau. 

“Khúc” trước, đàn bà còn con cái làm điểm tựa, làm động lực, nên khó khăn mấy cũng gắng vượt qua. “Khúc” sau này, con cái đủ lông đủ cánh bay đi hết, mà hai tâm hồn già không đồng điệu, lạc lõng trong căn nhà rộng thênh thang, thì sống cũng như chết mà thôi. 

Ảnh mang tính minh họa - Lifestylememory
Ảnh mang tính minh họa - Lifestylememory

 

Chị em tôi đi lấy chồng, đã yên tâm khi ba mẹ “cùng già đi” như thế. Nếu trước kia ba tệ bao nhiêu, thì nay ba tốt với mẹ bấy nhiêu. Tôi nghĩ, trước đây chắc ba ỷ lại, bởi mẹ vén khéo, tròn trịa việc nhà, việc con cái. Ba tôi đã không giỏi nói năng cho vừa lòng mẹ, mà còn uống rượu, thì tìm đâu ra hạnh phúc? Từ ngày ba thay đổi, mẹ không một lần nhắc lại quá khứ kém vui, bởi, như mẹ nói, mẹ đã đủ buồn rồi, niềm vui mới là điều mẹ mong mỏi. 

Nếu ngày còn trẻ, còn khỏe, vợ/chồng vì công việc, hay vì điều gì khác, đã thiếu quan tâm đến nhau, thì khi già, là lúc bù trừ cho những lỗi lầm quá khứ. “Chúng ta cùng già đi”, cụm từ nghe vừa dễ thương, vừa thể hiện trách nhiệm, đủ khiến cho mẹ tôi dù giận ba đến mấy, cũng có thể tan chảy vì những lời “rủ rê” ngọt ngào của chồng.

Tôi chỉ biết an ủi mẹ rằng, đàn ông thời trẻ, không mắc tật này cũng tật khác; tuổi già hạnh phúc mới là niềm hãnh diện của cháu con. Mẹ bảo tôi đừng có mà “dạy đời” mẹ, rằng tuổi già, mẹ không sống vui với ba, thì sống với ai? 

Thái Phương  

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI