Gia đình "vác tù và hàng tổng"

28/06/2021 - 10:05

PNO - Với chú Sang, nền tảng ý thức, truyền thống gia đình là yếu tố quan trọng giúp gia đình chú sống chung êm ấm.

“Thấy tôi “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” mà vui nên cả gia đình đều ủng hộ. Tôi may mắn khi không chỉ con trai biết thương mẹ mà con dâu cũng là cô gái tốt, có trái tim ấm áp, biết sẻ chia”, cô Nguyễn Thị Lộc (P.24, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) hạnh phúc tâm sự.

Cả nhà tham gia công tác xã hội 

Chọn món cà ri gà bánh mì cho cuộc thi nấu ăn đại diện khu phố nhân kỷ niệm ngày 20/10, cô Nguyễn Thị Lộc (khu phố 4, P.24, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) tất bật suốt buổi sáng. Thức ăn chín, cô chỉ kịp thay bộ áo dài, lấy xe đi trước để kịp giờ dự lễ khai mạc, còn nồi cà ri và chén đĩa thì nhờ chồng ở nhà soạn rồi gọi xe ôm “ship” giúp.

Cùng một chữ “thương”, cả gia đình cô Nguyễn Thị Lộc luôn đồng hành trong những hoạt động xã hội tại địa phương
Cùng một chữ “thương”, cả gia đình cô Nguyễn Thị Lộc luôn đồng hành trong những hoạt động xã hội tại địa phương

Khai mạc xong mà chưa thấy bóng dáng món cà ri đâu, cô gọi điện hối chồng nhưng chỉ nhận lại những hồi chuông đổ dồn. Nóng ruột, định bụng chạy ngược về nhà thì cô thấy chồng và con trai đèo nhau trên chiếc xe máy, người lái người đùm đề ôm thức ăn, chén bát…

Chưa kịp để vợ ngạc nhiên, chú Nguyễn Văn Cư giãi bày: “Tại chờ con về để gia đình cùng đến ủng hộ em. Cha con thấy mẹ vất vả quá mà đứng ngoài cuộc coi sao được!”.

Sự có mặt bất ngờ đó khiến cô Lộc cảm động không nói nên lời. Niềm hạnh phúc đó không chỉ đến một lần.

Những ngày này, khi bóng tối dịch bệnh đang bao trùm khắp thành phố, cô Lộc - phó ban mặt trận khu phố - suốt ngày bận rộn với công tác tuyên truyền, vận động chăm lo, lập danh sách đề xuất hỗ trợ theo đúng tiêu chuẩn với 876 hộ trên địa bàn khu phố 4 thì chú Cư cũng chạy vạy ngược xuôi để vận động mạnh thường quân ủng hộ dụng cụ y tế, nhu yếu phẩm để nấu những bữa ăn dinh dưỡng cho người già tại khu phố.

Ở tuổi ngoài 60, ngoài việc bếp núc, giúp chăm cháu để các con yên tâm lo sự nghiệp, cô Lộc gần như dành toàn bộ thời gian còn lại cho các hoạt động tại địa phương.

Điều đặc biệt là niềm đam mê hoạt động của cô lan tỏa đến tất cả thành viên trong gia đình, để bất cứ hoạt động nào, cô cũng nhận được sự đồng hành từ chồng, dâu con, không bằng góp công thì cũng là góp của.

Chính gặp nhau bởi sự “biết thương” mà năm 2015, thấy mẹ tìm nguồn vận động hỗ trợ học bổng cho Nguyễn Duy, một học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở khu phố, anh Nguyễn Đức Trung - con trai cô Lộc, hiện là giảng viên Trường đại học Tôn Đức Thắng - đã quyết định làm người đỡ đầu, hỗ trợ học phí cho Duy.

Đến nay, anh đã đồng hành cùng cậu bé qua sáu năm học. Khi chồng tiếp tục hành trình gieo chữ cho một đứa trẻ có nguy cơ bỏ học, vợ anh Trung - chị Lê Thị Kim Nguyên - đăng ký tham gia dạy kèm Anh văn cho các lớp học hè miễn phí buổi tối dành cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở khu phố 4.

Dưới sự động viên của mẹ, đôi vợ chồng trẻ trở thành thành viên của câu lạc bộ Xây dựng gia đình hạnh phúc của khu phố. 

Để có thể đồng hành cùng ba mẹ trong những hoạt động từ thiện ở các mái ấm, viện mồ côi, khu dưỡng lão… vợ chồng anh Trung thường đề nghị mẹ xếp lịch vào những ngày cuối tuần, cuối tháng để họ “được” tham gia. Đứa con trai nhỏ luôn được đi cùng ông bà, cha mẹ để học cách sẻ chia với người nghèo. 

Cô Nguyễn Thị Lộc (bìa trái) luôn nhận được sự đồng hành của các con trong các hoạt động an sinh xã hội
Cô Nguyễn Thị Lộc (bìa trái) luôn nhận được sự đồng hành của các con trong các hoạt động an sinh xã hội

Tổ ấm của gia đình ba thế hệ

Ở tuổi 62, chú Mai Đức Sang (P.Bến Nghé, Q.1, TP.HCM) vẫn không ngần ngại nắm tay vợ trong những cuộc hẹn hò. Năm nào cũng vậy, trước sinh nhật của người thương, vợ chồng chú lại đưa nhau đến những điểm hẹn hò ngày xưa, cùng nhau đi dạo, chia sẻ với nhau một que kem để ôn lại kỷ niệm.

Chú nói, với bất kỳ cuộc hôn nhân nào, hiệu quả của việc hẹn hò như một mối hàn kịp thời, kết chặt lại những rạn nứt để hôn nhân không đến hồi đổ vỡ.

Cưới nhau năm 1986, chú và bạn đời - cô Nguyễn Thị Kim Loan - đến nay êm đềm đi cùng nhau hơn một phần ba thế kỷ.

Thế nhưng, ban đầu, cuộc hôn nhân ấy vướng phải không ít sự phản đối từ phía đàng trai. Với những bà dì giỏi giang gốc Huế, cô dâu Sài Gòn quá trẻ, chẳng đủ đảm đang để xây tổ ấm gia đình, cũng chẳng đủ hy sinh để lùi về phía sau cho chồng có điều kiện thăng tiến sự nghiệp.

Tuy nhiên, “cưới vợ là cưới cho mình”, chú Mai Đức Sang đã quyết định cưới cô người yêu nhỏ hơn mình tròn một con giáp. Sống cùng nhà với bà nội, cô dì và ba cô em gái nên cưới vợ xong, chú chọn ở rể để bớt đi gánh nặng không đáng có cho người vợ trẻ.

Hai mươi năm ở rể trong gia đình ba thế hệ lại đông anh chị em nhà vợ nhưng theo chú Sang chia sẻ, chưa có mâu thuẫn nào xảy ra để các anh chị em trong gia đình bằng mặt mà không bằng lòng với nhau.

“Mình phải khéo léo, có trách nhiệm, xem giỗ quảy tiệc tùng bên vợ như của nhà mình. Khéo không có nghĩa là sống giả tạo mà là để ý để biết tính tình của ba mẹ vợ, của từng đứa em mà cư xử phù hợp”, chú nói.

Hiện nay, chú Sang là giảng viên thỉnh giảng của một số trường đại học tại thành phố. Để có thể thực hiện ước mơ làm thầy giáo, năm 2010, khi con gái đầu tốt nghiệp đại học, chú “xin phép” vợ được tiếp tục đi học để nâng cao kiến thức.

Ủng hộ chồng, cô Loan chủ động bớt công việc để làm hậu phương, cho chồng yên tâm cắp sách đến giảng đường. Trong lớp học thạc sĩ ngày đó, chú Sang trở thành “chú” các bạn học của mình.

Noi gương cha, hai người con chú Sang hiện đều theo đuổi con đường học vấn. Con gái đầu của chú là giáo viên tiếng Anh, còn con trai chú cũng là giảng viên đại học. Các con có công việc ổn định, có nhà riêng nhưng vẫn thích về sống cùng ba mẹ. Thế là ngôi nhà nhỏ của cô chú trở thành tổ ấm của gia đình ba thế hệ. 

Với chú Sang, nền tảng ý thức, truyền thống gia đình là yếu tố quan trọng giúp gia đình chú sống chung êm ấm. “Tôi luôn tâm niệm để con cháu phát triển tự nhiên theo chiều hướng văn minh. Truyền thống, cái gì không còn phù hợp thì gạt sang một bên.

Hãy kể con nghe chuyện cũ nhưng đừng bao giờ so sánh chuyện cũ với chuyện mới”, chú chia sẻ. Còn cô Loan luôn xem con là bạn để con có thể thoải mái chia sẻ tất cả những vấn đề, áp lực trong cuộc sống.

Hiện nay, khi đã trưởng thành và tự lo cuộc sống, các con chú Sang khuyên ba mẹ dành thời gian để tham gia hoạt động xã hội tại địa phương.

Nền tảng ý thức và truyền thống gia đình là yếu tố quan trọng  giúp gia đình ba thế hệ của chú Mai Đức Sang sống chung êm ấm
Nền tảng ý thức và truyền thống gia đình là yếu tố quan trọng giúp gia đình ba thế hệ của chú Mai Đức Sang sống chung êm ấm

Không có thời gian tham gia cùng ba mẹ, hai con chú ủng hộ ba mẹ bằng cách trở thành hậu phương, hỗ trợ vật chất. Thế là vợ chồng chú Sang trở thành “bộ đôi phó”. Chú là phó ban mặt trận khu phố 3, là thành viên Hội khuyến học, Hội Cựu chiến binh còn cô là tổ phó tổ 26 của khu phố.

Ở bất kỳ hoạt động nào, bộ đôi cũng xuất hiện cùng nhau, trẻ trung, tình cảm như vợ chồng son. Đó là lý do hai con chú luôn nhìn hạnh phúc của ba mẹ để cùng hướng đến. 

Thu Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI