Những nữ khoa học gia với sứ mệnh vì sinh mạng con người - Bài 4:

Gertrude B.Elion chứng minh khoa học vừa là đam mê, vừa là thiên chức của phụ nữ

10/09/2021 - 06:41

PNO - Định hướng cuộc đời sau cái chết vì ung thư của ông ngoại, bà trở thành nhà tiên phong cải tiến thuốc và đặt nền tảng cho việc điều trị HIV/AIDS.

Dù chỉ chiếm dưới 30% trong số khoa học gia, chịu nhiều định kiến về giới trong nghiên cứu, có người xuất thân từ nghèo khó và thiếu thốn, nhưng nhiều nữ khoa học gia đã đạt những thành tựu to lớn trong nghiên cứu khoa học, bảo vệ sức khỏe con người. Họ cũng trở thành niềm cảm hứng thúc đẩy đam mê nghiên cứu khoa học của những người trẻ, đặc biệt là giới nữ. Báo Phụ Nữ TPHCM xin trân trọng giới thiệu với quý độc giả chân dung, sự đóng góp của một số nữ khoa học gia tiêu biểu.

Bài 1: Katalin Karikó, “mẹ đẻ” của vắc xin COVID-19

Bài 2: Đồ U U và hành trình cứu sống hàng triệu người khỏi bệnh sốt rét

Bài 3: Người đem đến hy vọng cho hàng triệu bệnh nhân HIV/AIDS

Nhà khoa học Gertrude Belle Elion (1918-1999) - người đồng đoạt giải Nobel y sinh năm 1988 nhờ công trình đột phá trong “thiết kế thuốc” - ra đời tại TP. New York (Mỹ) vào một đêm đông giá rét. Cha bà là người Lithuania, mẹ là người Ba Lan, đều là dân di cư đến “miền đất hứa” vào đầu thế kỷ XX. 

Từ bỏ tiến sĩ, ngoan cường thay đổi phương pháp điều trị bằng thuốc

Trong cuộc trả lời phỏng vấn khi nhận giải Nobel, bà nhớ lại thời thơ ấu hạnh phúc với khát khao kiến ​​thức của mình. Khi lên 15 tuổi, chứng kiến ​​ông ngoại qua đời vì bệnh ung thư, Elion đã quyết định dành cả cuộc đời mình để “đối đầu” với thách thức của cả nhân loại. Bảng điểm trung học xuất sắc đã giúp Elion dễ dàng nhận học bổng vào Đại học Hunter năm 1933.

“Nếu không có điểm số cao để đi học miễn phí, có lẽ tôi đã không bao giờ nhận được một chương trình đào tạo nào tốt hơn thế nữa. Bởi thời đó, sự kỳ vọng vào phụ nữ còn rất hạn chế”, bà nói.

Nữ khoa học gia Gertrude Belle Elion
Nữ khoa học gia Gertrude Belle Elion

Mùa thu năm 1939, Elion học cao học hóa tại Đại học New York, và là nữ sinh duy nhất trong lớp sau đại học. Thời gian này, bà nhận dạy hóa học, vật lý và khoa học tổng hợp cho các trường trung học. Việc nghiên cứu được bà sắp xếp vào ban đêm và ngày nghỉ cuối tuần.

Năm 1941, nhận bằng thạc sĩ hóa học, nhưng là phụ nữ, bà hết sức khó khăn để chen chân vào các phòng thí nghiệm. Chỉ đến khi Đệ nhị thế chiến xảy ra, kéo theo sự thiếu hụt nhân lực, Gertrude B.Elion mới tìm được việc làm tại một phòng thí nghiệm. Dù vậy, bà không hài lòng vì công việc chủ yếu là phân tích, kiểm soát chất lượng cho một công ty thực phẩm, chẳng liên quan gì đến nghiên cứu.

Sau một năm rưỡi, Elion bồn chồn vì mọi thứ lặp đi lặp lại, không học được cái gì mới. Bà quyết định chuyển đến phòng thí nghiệm của Johnson and Johnson ở New Jersey. Nhưng không may, nó lại bị giải tán sau sáu tháng.

Mãi đến năm 1944, bà mới được mời vào vị trí thực sự khiến bà “tò mò”. Đó là trợ lý cho tiến sĩ George Hitchings - người sau này đồng giải Nobel với Elion - tại Công ty Burroughs Wellcome (tiền thân của hãng dược GSK hiện nay). “Khi đó tôi đã từ chối một số lời mời khác, bởi tôi thèm khát kiến thức tại phòng thí nghiệm của Hitchings. Ông cho tôi thỏa sức học nhanh như khả năng mình có, và ngày càng nhận nhiều trách nhiệm. Từ chỗ chỉ là một nhà hóa học hữu cơ, tôi sớm tham gia vào nghiên cứu vi sinh và cơ chế sinh học các hợp chất. Tại đây, tôi tiến sâu hơn vào hóa sinh, dược, miễn dịch học và cả virus học”, bà kể.

Đến giai đoạn này, Elion lại phải đứng trước một chọn lựa: nghỉ việc ở Burroughs Wellcome để đăng ký toàn thời gian hoàn thành chương trình tiến sĩ tại Học viện bách khoa Brooklyn? Cuối cùng, bà từ bỏ theo đuổi bằng tiến sĩ, chọn ở lại tiếp tục nghiên cứu cùng các cộng sự. Và đó là quyết định quan trọng nhất cuộc đời nhà hóa học lừng danh.

Bà tâm sự: “Nhiều năm sau, tôi nhận được ba bằng tiến sĩ danh dự từ các Đại học George Washington, Brown và Michigan, thì có lẽ quyết định đó thật đúng đắn. Chỉ tiếc là bố mẹ đều không còn để chứng kiến sự công nhận đó dành cho con gái mình”.

Thời điểm Elion thăng hoa trong sự nghiệp cũng là lúc hầu hết các phương pháp bào chế thuốc đều tuân theo nguyên tắc “vét cạn”, tức cứ thử nghiệm, hễ sai sót thì… thử lại (trial-and-error). Các nhà hóa dược thường tổng hợp hàng trăm hợp chất hứa hẹn, qua quá trình sàng lọc, từ đó phát triển loại thuốc hiệu quả nhất. Phát minh mới của Elion và Hitchings có tên “thiết kế thuốc hợp lý” đánh dấu sự khác biệt hoàn toàn so với các phương pháp truyền thống.

Hai nhà nghiên cứu thiết lập kỹ thuật mới dựa trên so sánh đặc điểm giữa tế bào người lành với tế bào ung thư, vi khuẩn, virus và các mầm bệnh khác. Sau đó sử dụng “thông tin” này để hướng mục tiêu ức chế sự sinh sản của các tế bào gây bệnh, trong khi đó vẫn giữ cho các tế bào bình thường không bị tổn thương. Cách tiếp cận sáng tạo để sản xuất thuốc dựa trên mối liên hệ giữa tính hóa sinh và bệnh tật này đã giúp loại bỏ nhiều công đoạn phỏng đoán mất thời gian, lãng phí tiền bạc và công sức trước đó.

Nghiên cứu của Hitchings và Elion đã cách mạng hóa sự phát triển ngành dược nói riêng, và y học nói chung. Ngày nay, phương pháp của họ đã trở nên phổ biến trong sản xuất các loại thuốc nhắm thẳng vào mầm bệnh.

Họ tiếp tục hợp tác chặt chẽ trong bốn thập niên tiếp theo và phát triển một loạt các loại thuốc mới. Một trong những sản phẩm đầu tiên được sản xuất bởi cặp đôi là thuốc điều trị bệnh bạch cầu giúp nhiều trẻ em sống sót. Họ còn tạo ra các loại thuốc khác được sử dụng hiệu quả chống lại bệnh lý sốt rét, gout, nhiễm trùng tiết niệu, rối loạn tự miễn dịch… cũng như giúp phát triển thuốc chống thải ghép trong kỹ thuật ghép nội tạng.

Nỗ lực đưa ra các loại thuốc mới đáp ứng nhu cầu thực tế của bệnh nhân là phần thưởng to lớn cho hai nhà khoa học.

Phá vỡ bức tường ngăn phụ nữ đến với nghiên cứu khoa học

Năm 1967, Elion được bổ nhiệm đứng đầu Khoa Trị liệu thử nghiệm sau khi Hitchings nghỉ hưu tại GSK. Bà tiếp tục nghiên cứu, phát triển Acyclovir (Zovirax), một loại thuốc kháng virus. Dù chính thức hưu trí vào năm 1983, Elion cũng kịp giúp giám sát quá trình phát triển azidothymidine (AZT) - có tác dụng cản trở sự nhân lên của virus HIV - biến nó thành loại thuốc đầu tiên dùng điều trị cho bệnh nhân AIDS.

Để vinh danh tất cả những đóng góp xuất sắc của họ, như đã nói, giải Nobel y sinh năm 1988 đã được trao cho Elion, Hitchings và Sir James Whyte Black.

Ngoài Nobel, Elion là một trong số ít phụ nữ nhận được Huân chương Garvan của Hiệp hội Hóa học Hoa Kỳ năm 1968, được trao tặng Huân chương Khoa học Hoa Kỳ năm 1991. Bà trở thành phụ nữ đầu tiên được đưa tên vào Đại sảnh Danh vọng các nhà phát minh quốc gia. Năm 1995, Elion còn được chọn làm Thành viên nước ngoài của Hiệp hội Hoàng gia Anh, cùng rất nhiều học hàm giáo sư cũng như học vị tiến sĩ danh dự khác.

Ngay từ những ngày đầu bước chân vào khoa học, Elion đã cố gắng xin hỗ trợ tài chính tại 15 trường khác nhau để tiếp tục học sau đại học. Tuy nhiên, thành kiến ​​giới tính đã khước từ giấc mơ tuổi trẻ của một phụ nữ muốn theo đuổi sự nghiệp trong lĩnh vực do nam giới thống trị.

“Tôi đã không lường được những cánh cửa đóng lại… Thật là một cú sốc khi tôi nghe câu phản hồi rằng dù tôi đủ tiêu chuẩn, nhưng xưa nay chưa hề có phụ nữ trong phòng thí nghiệm, và tôi sẽ là nhân tố gây mất tập trung”, Elion chia sẻ trải nghiệm “bức tường” ngăn một phụ nữ muốn trở thành một nhà hóa học.

Nhưng tất cả những từ chối ấu trĩ đó chỉ có ý nghĩa khiến cho bà ngoan cường hơn. Cô gái trẻ Elion chấp nhận làm việc không lương cho hàng loạt phòng thí nghiệm tuềnh toàng trước khi lưu danh vào sử sách. Bất chấp những rào cản phận nữ nhi, bà yêu công việc đến nỗi thừa nhận rằng chưa bao giờ có nhu cầu “phải đi ra ngoài để thư giãn”.

Công ty Burroughs Wellcome trân trọng tấm gương cống hiến của bà bằng cách thành lập một quỹ học bổng nhằm vinh danh Elion, và mục đích tạo điều kiện cho sự nghiệp khoa học của các phụ nữ trẻ tương tự sau này.

Dòng tự truyện in trong tập Les Prix Nobel về giải thưởng Nobel, nữ khoa học gia sống đời độc thân bộc bạch: “Mặc dù chưa bao giờ kết hôn, nhưng may mắn thay, em trai tôi đã cho tôi có được ba đứa cháu đầy yêu thương. Chúng tôi là một gia đình gắn bó, dù thường xuyên sống cách xa nhau. Các cháu đã chia sẻ niềm vui, nỗi buồn và nguyện vọng cùng tôi…

Theo một nghĩa nào đó, công việc nghiên cứu khoa học vừa là đam mê, vừa trở thành thiên chức của tôi. Sự nghiệp của tôi dường như đã trọn vẹn từ những ngày đầu là một giáo viên, cho đến hôm nay tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm trong nghiên cứu của mình với các thế hệ nhà khoa học tương lai”.

Gertrude B.Elion mất ngày 21/2/1999 ở tuổi 81, khi vẫn chưa tìm ra phương pháp đặc hiệu trị căn bệnh ung thư mà ông ngoại mình mắc phải. Thế nhưng, di sản khoa học của bà đã, đang và mãi mãi sẽ cứu sống, cải thiện sức khỏe của hàng triệu bệnh nhân.

Trong bài viết kỷ niệm 100 năm ngày sinh của bà, tạp chí Time số ra ngày 23/1/2018 kết luận: “Bên cạnh thành tựu khoa học chói ngời, Elion còn được xem là người có công nâng đỡ bất cứ ai đang muốn gạt bỏ ước mơ, hay chọn lựa nghề nghiệp của bản thân, chỉ vì các lý do sợ định kiến”. 

Nam Anh (theo ASN, Time, NP)

(Còn nữa)

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI