Những nữ khoa học gia với sứ mệnh vì sinh mạng con người Bài 3:

Người đem đến hy vọng cho hàng triệu bệnh nhân HIV/AIDS

09/09/2021 - 06:20

PNO - Françoise Barré-Sinoussi đã cống hiến sự nghiệp của mình để ngăn chặn sự lây lan của bệnh AIDS. Việc phát hiện ra vi-rút HIV của bà giúp dẫn đến các xét nghiệm máu nhằm phát hiện ca nhiễm, và các loại thuốc kháng vi-rút, biến AIDS từ bản án tử hình thành một căn bệnh mạn tính có thể kiểm soát.

LTS: Dù chỉ chiếm dưới 30% trong số khoa học gia, chịu nhiều định kiến về giới trong nghiên cứu, có người xuất thân từ nghèo khó và thiếu thốn, nhưng nhiều nữ khoa học gia đã đạt những thành tựu to lớn trong nghiên cứu khoa học, bảo vệ sức khỏe con người. Họ cũng trở thành niềm cảm hứng thúc đẩy đam mê nghiên cứu khoa học của những người trẻ, đặc biệt là giới nữ. Báo Phụ Nữ TPHCM xin trân trọng giới thiệu với quý độc giả chân dung, sự đóng góp của một số nữ khoa học gia tiêu biểu.

Bài 1: Katalin Karikó, “mẹ đẻ” của vắc xin COVID-19

Niềm đam mê khoa học

Françoise Barré-Sinoussi sinh ở Paris năm 1947 và lớn lên trong nội đô thành phố. Đam mê khoa học từ nhỏ, cô bé Françoise có thể dành hàng giờ quan sát các loài động vật. Cô bé cũng nhận ra mình có thể tiếp thu môn khoa học dễ dàng so với các môn khác. Vì vậy, cô nói với cha mẹ: “Con muốn vào đại học để nghiên cứu khoa học và trở thành một nhà nghiên cứu”. 

Cô nữ sinh Françoise Barré-Sinoussi đã đăng ký vào chương trình khoa học y sinh tại Đại học Paris ở tuổi 19, và tham gia nhóm nghiên cứu các loại retrovirus gây bệnh bạch cầu ở chuột của Jean-Claude Chermann. Retrovirus là tác nhân lây nhiễm đặc biệt khó chịu, đánh lừa các tế bào vật chủ tin rằng DNA của chúng là một phần mã riêng của tế bào vật chủ. Sau đó, tế bào vật chủ sẽ sao chép nó nhiều lần, tạo ra một đội quân retrovirus mới để xâm nhập vào các tế bào khỏe mạnh khác.

Sau khi lấy bằng tiến sĩ vào năm 1974, và dành một thời gian ở Mỹ tại Viện Y tế Quốc gia, Françoise Barré-Sinoussi trở lại phòng thí nghiệm của Chermann. Đơn vị của cô, do Luc Montagnier điều hành, đang nghiên cứu mối liên hệ giữa retrovirus và ung thư. Năm 1982, khi một nhà vi-rút học từ một bệnh viện ở Paris đến yêu cầu giúp đỡ, về một dịch bệnh mới đáng báo động dường như nhắm vào những người đàn ông đồng tính luyến ái. Họ băn khoăn liệu retrovirus có thể là nguyên nhân?
 

Luc Montagnier, Françoise Barré-Sinoussi và Jean-Claude Chermann - các nhà khoa học Pháp đã giúp khám phá ra nguyên nhân của bệnh AIDS, trong phòng thí nghiệm của họ tại Viện Pasteur ở Paris, năm 1984 - ẢNH: AFP
Luc Montagnier, Françoise Barré-Sinoussi và Jean-Claude Chermann - các nhà khoa học Pháp đã giúp khám phá ra nguyên nhân của bệnh AIDS, trong phòng thí nghiệm của họ tại Viện Pasteur ở Paris, năm 1984 - Ảnh: AFP

Đại dịch thế kỷ

Chỉ trong hai tuần, ở tuổi 35, Barré-Sinoussi và nhóm của bà đã phân lập được thứ mà sau này có tên là vi-rút gây suy giảm miễn dịch ở người, hay HIV. Khám phá đó vào năm 1983 đã dẫn đến các xét nghiệm máu để phát hiện nhiễm trùng, và cuối cùng là tạo ra thuốc kháng vi-rút HIV/AIDS.

Françoise Barré-Sinoussi và Luc Montagnier đã được trao giải Nobel Y học/Sinh lý học năm 2008. Viện Hàn lâm Khoa học Thụy Điển viết: “Chưa bao giờ khoa học và y học nhanh chóng phát hiện, xác định nguồn gốc và đưa ra phương pháp điều trị bệnh mới nhanh đến thế”. Riêng bà Françoise Barré-Sinoussi chia sẻ: “Chúng tôi không làm khoa học vì khoa học. Chúng tôi làm khoa học vì lợi ích của nhân loại”. 

Dù vậy, khám phá này vẫn không đủ nhanh đối với nhiều người. Ngay sau khi kết quả được công bố trên tạp chí Science vào tháng 5/1983, những bệnh nhân hấp hối đã bắt đầu tìm kiếm bà Françoise tại viện và trên đường phố, cầu xin sự cứu chữa. Người phụ nữ nhớ lại: “Đó thực sự là những ngày đau xót. Với tư cách là một nhà khoa học, tôi biết rằng chúng ta sẽ không có phương pháp điều trị trong nay mai, vì khoa học cần thời gian để phát triển các loại thuốc. Nhìn những bệnh nhân chết dần trong lúc họ trông đợi rất nhiều từ chúng tôi, điều đó thật khủng khiếp”. 

Lúc nhóm của bà Françoise vừa phân lập được vi-rút, họ nghĩ rằng dịch bệnh chỉ giới hạn trong phạm vi “quần thể đặc biệt”, bao gồm những người đồng tính, người mắc bệnh máu khó đông, người nghiện heroin và người Haiti. Đó là một sai lầm lớn. Nhóm chỉ thực sự nhận ra mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh vào năm 1984, đặc biệt là khi họ đến châu Phi vào năm 1985, và chứng kiến những gì đang xảy ra trên khắp lục địa này. Bà Françoise kể: “Đất nước đầu tiên chúng tôi đến là Cộng hòa Trung Phi. Khi ấy nhóm mới nhận ra hầu hết những người trong bệnh viện đều chết vì AIDS. Các bác sĩ ở đó thậm chí còn không biết bệnh nhân chết vì AIDS. Chúng tôi bắt đầu lo sợ khởi đầu của một dịch bệnh khủng khiếp, khi biết rằng HIV không chỉ là đại dịch ở châu Phi, mà còn có thể lan ra thế giới”.

Một người vì mọi người

Dù khó khăn đến mấy, bà Françoise cũng không bao giờ tách mình ra khỏi cộng đồng AIDS. Bà đã ủng hộ tích cực cho cả nghiên cứu về AIDS - giai đoạn cuối của căn bệnh HIV, và các biện pháp sức khỏe cộng đồng. Khi đến châu Phi và ngạc nhiên trước mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh, bà thề sẽ chiến đấu chống lại căn bệnh này ở những quốc gia hạn chế về tài nguyên. Năm 1986, ở tuổi 38, bà đã giúp tổ chức Hội nghị AIDS Quốc tế tại Paris, và hai năm sau, bà cùng các đồng nghiệp của mình thành lập Hiệp hội Phòng chống AIDS Quốc tế (IAS).

Bà Françoise đã đi khắp châu Phi và Đông Nam Á, vận động cho chương trình giáo dục cộng đồng tốt hơn về phòng, chống AIDS, và thành lập các trung tâm giúp xác định và điều trị các trường hợp nhiễm AIDS. Lịch trình hoạt động dày đặc vẫn không cản trở công việc khoa học của bà. Năm 1988, bà Françoise bắt đầu chương trình nghiên cứu về các yếu tố quyết định giữa vi-rút và vật chủ đối với cơ chế sinh bệnh của HIV/AIDS, tại phòng thí nghiệm của riêng mình ở Viện Pasteur. Hiện nay, bà là Chủ tịch danh dự của Mạng lưới Viện Pasteur Quốc tế và Khoa Vi-rút của Viện Pasteur ở Paris - nơi vẫn đang tìm kiếm một loại vắc-xin hoặc phương pháp chữa bệnh hiệu quả chống lại HIV.

Bà Françoise thừa nhận việc liên tục ở chiến tuyến và chứng kiến sự tàn phá của căn bệnh AIDS “rất khó khăn về mặt tâm lý.” Áp lực lớn đến mức, sau khi phương pháp điều trị HIV bằng thuốc kháng vi-rút được phát hiện vào năm 1996, Françoise Barré-Sinoussi rơi vào tình trạng trầm cảm và rút lui khỏi các sự kiện cộng đồng mà bà cam kết. Tuy nhiên, bà đã sớm trở lại cuộc chiến. Bà kể: “Những lúc bi quan, tôi tự hỏi mình có nên tiếp tục không? Sau đó, trong chuyến đi đến châu Phi hoặc Đông Nam Á để gặp gỡ những người bị ảnh hưởng bởi HIV, tôi đã quên đi tâm trạng không tốt của mình. Tôi tự nhủ bản thân hãy tiếp tục. Vì đây là cuộc sống và sinh mạng của người khác”.

Suốt hơn 40 năm cống hiến cho khoa học, bà Françoise Barré-Sinoussi là tác giả và đồng tác giả của hơn 300 ấn phẩm gốc và hơn 125 bài báo khoa học. Bà được mời làm diễn giả tại hơn 400 cuộc họp, hội nghị quốc tế. Là Chủ tịch IAS từ năm 2012 đến 2014, bà còn là thành viên hoặc chủ tịch của một số hội đồng cố vấn khoa học quốc tế. Từ năm 2009, bà là thành viên của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Pháp, và được trao tặng Huân chương Bắc đẩu Bội tinh hạng cao nhất - Đại thập tự.
 

Trong sự nghiệp của mình, bà Françoise Barré-Sinoussi đã nhận được hơn 10 giải thưởng quốc gia hoặc quốc tế, bao gồm cả giải Nobel Y học năm 2008
Trong sự nghiệp của mình, bà Françoise Barré-Sinoussi đã nhận được hơn 10 giải thưởng quốc gia hoặc quốc tế, bao gồm cả giải Nobel Y học năm 2008

Giấc mơ về một ngày không còn HIV/AIDS

Tại buổi lễ chia tay năm 2015, khi nhiều đồng nghiệp, bạn bè và các nhà hoạt động xã hội tụ họp để vinh danh những thành tựu của bà Françoise Barré-Sinoussi trước lúc bà về hưu, người phụ nữ với gần nửa cuộc đời chống lại căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS bộc bạch: “Năm 2008, tôi có vinh dự lớn được nhận giải Nobel Y học. Giải thưởng này không thuộc về tôi. Đó là sự công nhận cho những nỗ lực không mệt mỏi của một cộng đồng những người đã chiến đấu hằng ngày trong hơn 30 năm qua, vì một xã hội tốt đẹp hơn, trong đó mọi công dân đều bình đẳng, bất kể dòng máu, màu da, giới tính, khuynh hướng tình dục, danh tính, niềm tin tôn giáo hay nền tảng giáo dục. Đại dịch AIDS, một thảm kịch lớn đối với tất cả chúng ta, đã cho tôi cơ hội phi thường để tiếp xúc với nhiều nền văn hóa cũng như các tình huống chính trị”.

Khi được hỏi liệu thế giới có hy vọng tìm ra phương thuốc chữa trị HIV/AIDS vào năm 2030 hay không, bà Françoise cho rằng nếu thành hiện thực, điều đó sẽ thực sự tuyệt vời: “Đây là một giấc mơ tươi đẹp. Giấc mơ này có thành hiện thực không, rất khó nói trước. Tôi nghĩ sẽ rất khó, vì điều đó nghĩa là chúng ta phải đạt được những tiến bộ to lớn khi tiếp cận những người nhiễm HIV, kiểm tra mọi người ở khắp nơi trên thế giới, kể cả ở các quốc gia vẫn kỳ thị, cô lập người bệnh. Vì vậy, tôi không thực sự chắc chắn rằng chúng ta sẽ đạt được mục tiêu chấm dứt AIDS vào năm 2030, nhưng ít nhất chúng ta sẽ cố gắng hết sức để đạt được mục tiêu đó”.

Tuy nhiên, những công nghệ mới, chẳng hạn như công nghệ mRNA đã tạo nên vắc-xin COVID-19, cho phép thế giới đạt được những tiến bộ vượt bậc để có thể phát hiện tất cả ổ vi-rút trong cơ thể, và nhắm vào một số tế bào bị nhiễm bệnh tiềm ẩn. Trong trường hợp đó, chúng ta sẽ loại bỏ được vi-rút. Bà Françoise Barré-Sinoussi tin rằng, y học sẽ sớm tìm ra cách đem lại sự thuyên giảm bền vững cho người nhiễm HIV sau khi ngừng điều trị. Bà khẳng định: “Đây thực sự là một ước nguyện khả thi, và tôi hoàn toàn bị thuyết phục”. n
(Còn nữa)

Ngọc Hạ (theo Nobel Prize, IASociety, Institut Pasteur, The Global Fund)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI