Những nữ khoa học gia với sứ mệnh vì sinh mạng con người Bài 2:

Đồ U U và hành trình cứu sống hàng triệu người khỏi bệnh sốt rét

07/09/2021 - 05:45

PNO - Nhà khoa học nữ người Trung Quốc Đồ U U đã tìm các văn bản y học cổ truyền từ các triều đại Chu, Thanh và Hán từ hàng trăm năm trước, để nghiên cứu phương pháp chữa bệnh sốt rét hiệu quả. Bà đã chiết xuất thành công hợp chất Artemisinin giúp điều trị căn bệnh nguy hiểm của vùng nhiệt đới, cứu sống hàng triệu người.

Bài 1: Katalin Karikó, “mẹ đẻ” của vắc xin COVID-19

Vượt qua khó khăn để theo đuổi học vấn

Đồ U U sinh ngày 30/12/1930 tại thành phố Ninh Ba trên bờ biển phía đông Trung Quốc. Xuất thân từ gia đình nghèo khó, cha mẹ bà gặp khó khăn trong việc đảm bảo con đường học hành cho năm anh em bà. 16 tuổi, cô học sinh sáng dạ phải tạm dừng việc học trong hai năm vì mắc bệnh lao và nghèo đói. Nhưng khi trở lại trường, bà biết chính xác mình muốn theo đuổi ngành y khoa, với mong muốn mãnh liệt sẽ tìm ra phương pháp chữa trị những căn bệnh nan y như bệnh lao mà mình từng mắc phải.

Bà Đồ U U với một trong những người cố vấn của mình - nhà dược học Lou Zhicen, vào những năm 1950. Ông Lou Zhicen đã huấn luyện bà trong việc xác định các cây thuốc dựa trên các mô tả của chúng
Bà Đồ U U với một trong những người cố vấn của mình - nhà dược học Lou Zhicen, vào những năm 1950. Ông Lou Zhicen đã huấn luyện bà trong việc xác định các cây thuốc dựa trên các mô tả của chúng

Tại Trường cao đẳng Y tế Bắc Kinh, bà Đồ chăm chỉ học dược lý, học cách phân loại cây thuốc, chiết xuất các thành phần hoạt tính, xác định cấu trúc hóa học của chúng. Sau khi tốt nghiệp năm 1955 ở tuổi 24, bà Đồ được phân công đến làm việc tại Học viện Y học cổ truyền Trung Quốc thành lập cách đó không lâu - nơi bà gắn bó toàn bộ sự nghiệp đời mình sau này. Từ năm 1959 đến 1962, bà tham gia khóa học về kết hợp y học cổ truyền Trung Quốc và y học hiện đại của phương Tây.

Vào thời gian này, quân đội Việt Nam đã yêu cầu phía Trung Quốc giúp đỡ tìm phương thuốc chống chọi bệnh sốt rét - căn bệnh đặc thù của vùng rừng mưa nhiệt đới, gây thương vong lớn cho bộ đội giữa lúc cuộc chiến tranh giành độc lập kéo dài. Sốt rét cũng là nguyên nhân chính gây tử vong ở các tỉnh phía nam Trung Quốc thời bấy giờ. Ký sinh trùng đơn bào gây ra bệnh sốt rét đã trở nên đề kháng với chloroquine, một loại thuốc điều trị sốt rét tiêu chuẩn. Trung Quốc đã khởi động Dự án 523 vào ngày 23/5/1967, nhằm tìm ra phương pháp chữa trị bệnh sốt rét kháng chloroquine.

Ở tuổi 39, bà Đồ được bổ nhiệm làm Trưởng ban Dự án 523. Công việc đầu tiên của bà là nghiên cứu ảnh hưởng của bệnh sốt rét trong điều kiện thực tế. Người phụ nữ kiên cường phải để đứa con gái một tuổi ở lại nhà nhờ cha mẹ già trông nom ròng rã suốt ba năm, để đến đảo Hải Nam - nơi đang trải qua đợt bùng phát bệnh sốt rét. Bà Đồ chia sẻ: “Công việc là ưu tiên hàng đầu, nên tôi sẵn sàng hy sinh cuộc sống cá nhân của mình”. 

Dùng bản thân để thử nghiệm phương thuốc từ y học cổ truyền

Trong những khu rừng nhiệt đới nóng ẩm và hoang sơ, bà Đồ đã tận mắt chứng kiến sự tàn phá của căn bệnh sốt rét đối với cơ thể con người. Khi trở về Bắc Kinh, nhóm nghiên cứu của bà đã xem xét các văn bản y học cổ của Trung Quốc, để tìm tòi những cách truyền thống nhằm chống lại bệnh sốt rét.

Bà đã đến thăm các thầy lang và đồng nghiệp có chuyên môn về y học cổ truyền Trung Quốc trên khắp đất nước, và thực hiện một cuốn sổ ghi chép có tên là “Tuyển tập các đơn thuốc chống sốt rét”.

Sổ ghi chép của bà tóm tắt khoảng 640 đơn thuốc khả thi nhất. Tại thời điểm đó, hơn 240.000 hợp chất đã được thử nghiệm để sử dụng trong các loại thuốc trị sốt rét tiềm năng, và không có hợp chất nào đem đến kết quả khả quan. Cuối cùng, nhóm nghiên cứu đã tìm thấy một tham chiếu liên quan đến cây thanh hao hoa vàng (còn gọi là ngải cứu ngọt, ngải hoa vàng), từng được sử dụng ở Trung Quốc vào khoảng năm 400 sau Công nguyên để điều trị “sốt từng cơn”, một triệu chứng của bệnh sốt rét.

Năm 1971, nhóm của bà đã phân lập được một hợp chất hoạt tính trong cây thanh hao hoa vàng có thể chống lại ký sinh trùng gắn liền với bệnh sốt rét. Họ đã thử nghiệm chiết xuất của hợp chất nhưng không kết quả. Bà Đồ quay lại một lần nữa với văn tự cổ. Bà tự hỏi phải chăng hoạt chất trong thanh hao hoa vàng bị hư hại khi họ đun sôi dược liệu để chuẩn bị dung môi như cách người cổ đại chỉ dẫn? Vì vậy bà đã thử một chế phẩm khác với dung môi gốc ete. Vì nhiệt độ sôi của dung môi này thấp hơn so với nước, nên tinh chất từ cây thanh hao hoa vàng không bị phân hủy. Khi nhóm nghiên cứu thử nghiệm hoạt chất mới trên chuột và khỉ, nó có tỷ lệ thành công 100% trong việc ức chế ký sinh trùng sốt rét.

Đích thân bà Đồ và hai đồng nghiệp đã tự thử nghiệm chất này lên cơ thể mình. Giải thích về quyết đinh táo bạo trên, bà trả lời: “Với tư cách là người đứng đầu nhóm nghiên cứu, tôi có trách nhiệm làm điều đó”. Khi thấy sản phẩm an toàn, nhóm đã tiến hành các thử nghiệm lâm sàng cho 21 bệnh nhân ở tỉnh Hải Nam. Tất cả họ đều hồi phục sau khi nhiễm sốt rét.

Sang năm 1972, nhóm của bà Đồ đã chưng cất thành phần hoạt chất của hợp chất - Artemisinin, và chia sẻ những phát hiện của họ. Công trình của bà được xuất bản ẩn danh năm 1977. Một lần nữa, bà Đồ lại thể hiện sự khiêm tốn của một nhà khoa học “chân lấm tay bùn”: “Các nhà khoa học có trách nhiệm tiếp tục phấn đấu vì sức khỏe của cả nhân loại. Những gì tôi đã làm là những gì tôi nên làm, đều chỉ là cách đáp lại nền giáo dục mà đất nước dành cho tôi”. Từ đó, công trình được áp dụng rộng rãi trong khu vực, và đến năm 1979 mới được xuất bản bằng tiếng Anh. Năm 1981, Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Ngân hàng Thế giới (WB) và Liên Hiệp Quốc (UN) đã mời bà trình bày những phát hiện của mình trên toàn cầu. 

Người anh hùng thầm lặng

Phải mất hai thập kỷ, WHO cuối cùng cũng thông qua khuyến nghị liệu pháp phối hợp Artemisinin như là tuyến phòng thủ đầu tiên chống lại bệnh sốt rét.

Bà Đồ U U nhận giải Nobel y học năm 2015 - ẢNH: REUTERS
Bà Đồ U U nhận giải Nobel y học năm 2015 - Ảnh: Reuters 

Quỹ Lasker (Mỹ) đã trao cho bà Đồ giải thưởng Nghiên cứu y khoa lâm sàng vào năm 2011, gọi việc phát hiện ra Artemisinin là “can thiệp dược phẩm quan trọng nhất trong nửa thế kỷ qua”. Riêng bà Đồ U U nhận xét: “Artemisinin... là một món quà thực sự từ y học Trung Quốc. Nhưng đây không phải là trường hợp duy nhất mà trí tuệ của y học cổ truyền đã đơm hoa kết quả”. Là người gốc Hoa đầu tiên giành được giải thưởng Lasker trong lịch sử, nhưng bà cho rằng: “Đối với tôi, phần thưởng cao quý và hạnh phúc nhất, là việc rất nhiều bệnh nhân được chữa khỏi bệnh sốt rét”.

Bà Đồ thường né tránh vinh quang của sự nổi tiếng, và miễn cưỡng chấp nhận các giải thưởng. Bà bộc bạch: “Tôi không muốn nổi tiếng”, và thường đẩy những lời khen ngợi sang công lao của các đồng nghiệp.

Vào năm 2007, văn phòng của bà nằm trong một tòa nhà chung cư cũ ở quận Đông Thành, Bắc Kinh. Trước năm 2011, bà Đồ hoàn toàn “vô danh” trong nhiều thập kỷ, và được miêu tả là “gần như bị mọi người lãng quên”. Bà được xem là giáo sư “ba không” - không có bằng sau đại học (vì Trung Quốc thời điểm đó chưa có bậc đào tạo sau đại học, và quốc gia gần như bị cô lập với phần còn lại của thế giới cho đến năm 1979), không có kinh nghiệm học tập hoặc nghiên cứu ở nước ngoài, và không phải là thành viên của bất kỳ học viện quốc gia nào của Trung Quốc, tức là Học viện Khoa học Trung Quốc và Học viện Kỹ thuật Trung Quốc.

Đến nay, bà Đồ được coi là nhân vật tiêu biểu của thế hệ nhân viên y tế Trung Quốc đầu tiên, kể từ khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập năm 1949.

Vào năm 2015, Viện Hàn lâm khoa học Thụy Điển quyết định trao giải Nobel sinh lý học và y học cho hai công trình nghiên cứu liên quan đến hai bệnh do ký sinh trùng gây ra: đó là bệnh giun chỉ và sốt rét. Hai bệnh này vẫn đang hoành hành trên thế giới, đặc biệt là tại các nước châu Phi, Nam Mỹ và Đông Nam Á.

Cả ba nhà khoa học được trao giải đều có xuất thân khiêm tốn từ những đại học ít tên tuổi, bao gồm giáo sư William C. Campbell từ Đại học Drew (Mỹ), giáo sư Satoshi Omura từ Đại học Kitasato (Nhật Bản) và bà Đồ U U từ một viện y học cổ truyền. Tất cả đều là những “người hùng” thầm lặng, nhưng đem lại lợi ích lớn lao cho hàng trăm triệu người trên thế giới.

Khi nhận giải Nobel, bài giảng của bà Đồ có tựa đề: “Khám phá về Artemisinin: Món quà từ nền y học cổ truyền Trung Quốc cho thế giới”. Dù rất tự hào về thành quả của mình, bà vẫn khiêm tốn chia sẻ: “Mọi nhà khoa học đều mơ ước làm được điều gì đó có thể giúp ích cho nhân loại”. 

Linh La (theo Nobel Prize, Scientific Women, Famous Scientists)
(Còn nữa)

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI