Gần tết, chợ ở miền Trung vẫn đìu hiu

03/01/2022 - 06:30

PNO - Gần đến Tết Nguyên đán nhưng khác với mọi năm, không khí mua bán ở các chợ lớn của miền Trung vẫn rất ảm đạm.

Chợ nào cũng vắng khách

“Ế ẩm” là câu cửa miệng của bà Nguyễn Thị Hoa - người có 30 năm bán đồ lưu niệm ở chợ Đông Ba, TP.Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Bà nói: “Trước đây, chợ đông lắm. Bây giờ thì mười phần chỉ còn hai, là do người dân sợ bị lây dịch, không vô chợ mua sắm”. Bà Hảo góp chuyện, giọng rầu rầu: “Tui bán hàng lưu niệm ở chợ ni được 20 năm. Trước đây thì thu nhập ổn, bây giờ thì quá thảm. Gần tết rồi mà chỉ ra chợ ngồi cho vui thôi chứ không có khách”.

Nghe hỏi về tết, người dân xóm nghề mứt gừng Kim Long, TP.Huế lắc đầu ngao ngán. Mọi năm, mùa này, gia đình ông Trần Đình Thử chuẩn bị 50 tạ gừng để làm mứt nhưng năm nay, ông chỉ đặt mua 5 tạ. “Sắp đến tết rồi mà chỉ mới có mười đơn đặt hàng, giảm 10 lần so với năm trước” - ông Thử than.

Người dân P.Kim Long, TP.Huế làm mứt gừng để bán tết trong nỗi lo dịch bệnh bùng phát không bán được hàng - ẢNH: THUẬN HÓA
Người dân P.Kim Long, TP.Huế làm mứt gừng để bán tết trong nỗi lo dịch bệnh bùng phát không bán được hàng - Ảnh: Thuận Hóa

Dịp này mọi năm, chợ Hàn ở TP.Đà Nẵng tấp nập người mua sắm đồ tết nhưng nay, chợ vẫn đìu hiu. Tiểu thương Nguyễn Thị Yên nói: “Mọi năm, bây giờ là mùa bán hàng tết, khách khứa tấp nập, hàng nhập về bán không kịp. Còn năm nay, khách khứa không có, bán được vài món lặt vặt qua ngày là may rồi. Trong chợ, ngoài mấy quầy thức ăn thức uống, phần lớn các quầy đều ế ẩm”. Con đường Trần Phú bên hông chợ Hàn vốn sôi động bậc nhất TP.Đà Nẵng, chuyên cung cấp các loại rượu ngoại, bánh, quà tết nhưng hiện giờ khá vắng vẻ. Anh Phan Tiến Thu - chủ shop rượu ngoại Đông Thu - kể: “Mọi năm, giờ này, khách tấp nập đặt mua các loại quà để đi biếu các cơ quan, đoàn thể. Năm nay đến giờ này, vẫn chưa thấy ai gọi nên tụi tui chỉ nhập hàng dè dặt, khách nào đặt thì gom danh sách lại rồi nhập hàng một lần chứ không là ế”.

Bà Lê Thị Kim Phương - Giám đốc Sở Công thương TP.Đà Nẵng - cho biết sở đã xây dựng kế hoạch dự trữ các mặt hàng phục vụ Tết Nguyên đán sắp tới với tổng giá trị dự trữ khoảng 1.900 tỷ đồng. Cụ thể, có 19 đơn vị sản xuất, kinh doanh, trung tâm thương mại, siêu thị tham gia dự trữ các loại gạo, nếp, thịt, rau củ quả, thực phẩm đóng hộp, bánh kẹo… giá trị khoảng gần 819 tỷ đồng; thương nhân kinh doanh tại bốn chợ thuộc sở (chợ Cồn, chợ Hàn, chợ Đống Đa, chợ Hòa Cường) có kế hoạch dự trữ hàng ước khoảng gần 250 tỷ đồng; thương nhân kinh doanh tại các cửa hàng trên các tuyến phố dự trữ hàng ước khoảng 500 tỷ đồng. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên sức mua hạn chế hơn so với năm trước.

Tiểu thương sợ “ôm” hàng

Ông Lê Hồng Ca - Giám đốc siêu thị Co.opmart Quảng Ngãi - cho biết từ tháng 10/2021, siêu thị đã có kế hoạch cung ứng nguồn hàng hóa dịp tết Nhâm Dần 2022. Dự kiến năm nay, sức mua tại siêu thị sẽ giảm từ 12 - 15%, so với tết năm ngoái. Hệ thống siêu thị Co.opmart đã khuyến mãi, giảm giá nhóm hàng tiêu dùng, hàng thiết yếu để giảm gánh nặng chi tiêu cho người dân. “Hiện tại, chỉ một số ít cơ quan, đơn vị liên hệ với siêu thị Co.opmart Quảng Ngãi để mua hàng tết” - ông Lê Hồng Ca nói.

Một cán bộ Phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương tỉnh Quảng Ngãi khẳng định, hàng phục vụ người dân dịp tết Nhâm Dần không thiếu. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, hai nhóm người có khả năng mua hàng tết với  số lượng lớn là bà con Quảng Ngãi làm ăn xa và Việt kiều về quê ăn tết đều gặp khó khăn, nên dự đoán sức mua sẽ không đột biến. 

Sợ tồn hàng là tâm lý của các đầu mối bán sỉ bánh kẹo, nước ngọt, các loại mứt, hạt ở khu vực đình Tây chợ Vinh, TP.Vinh, tỉnh Nghệ An. Chị Nguyễn Thị Lài - kinh doanh bánh kẹo, mứt, hải sản khô - nói: “Dịch giã kéo dài, ai cũng eo hẹp tiền nong, lại sợ bị lây dịch nên ít đến chợ mua sắm. Mọi năm, tầm này, tụi tôi bận đến tối mắt, nhưng giờ vẫn chưa thấy khách sỉ ở các huyện đặt hàng. Do vậy, chúng tôi cũng chưa dám ôm quá nhiều hàng”. 

Chị Phạm Thị Mai - kinh doanh nông sản - cho hay chị phải nhập hàng theo kiểu cầm chừng, chỉ bằng 2/10 so với dịp tết những năm trước. Dịp này năm ngoái, chị Mai phải trưng dụng các khoảng trống trong nhà để làm kho chứa hàng nhưng năm nay, kho hàng ở chợ vẫn còn bỏ trống. Không riêng gì chị Mai, hiện hàng trăm ki-ốt ở chợ Vinh vẫn đang đóng kín cửa, dừng hoạt động do tình hình kinh doanh quá ảm đạm.

Hơn 30 năm bán hàng mã tại chợ Vinh, bà Trần Thị Lan nhận xét, chưa năm nào nhàn nhã như năm nay. Thời điểm trước và sau tết khoảng một tháng là thời gian bán hàng mã chạy nhất, nhưng hiện giờ, mỗi ngày có vài khách ghé mua hàng chứ chưa có khách nhập sỉ. “Không bán cũng phải nộp tiền thuế nên tôi phải gắng ra bán, vớt vát thôi chứ không khả quan gì mấy” - bà Lan nói.

Ế ẩm là tình cảnh chung của nhiều chợ lớn ở tỉnh Nghệ An, như chợ Ga Vinh, chợ Hưng Dũng… Chị Trần Thị Quỳnh - tiểu thương chợ Ga Vinh - cho biết hàng tết có bao bì, mẫu thiết kế riêng nên chỉ bán được trong một thời gian nhất định. Sau tết, những mặt hàng này sẽ lỗi mốt, rất khó bán. Nếu ôm hàng nhiều mà sức mua giảm thì sẽ lỗ nên năm nay, tiểu thương không dám nhập hàng nhiều.

Ông Nguyễn Hữu Đắc - Trưởng ban Quản lý chợ Vinh - thông tin toàn chợ có 3.200 tiểu thương nhưng hiện chỉ có 60% tiểu thương hoạt động. Lượng hàng tết tích trữ tại chợ năm nay cũng giảm 40% so với những năm trước. 

TP.Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam hiện đang có dịch COVID-19. Bà Trần Thị Như Lai - Giám đốc siêu thị Co.opmart Tam Kỳ - cho biết hơn 20 ngày nay, siêu thị đã bày bán các mặt hàng tết:  “Rất vắng khách. Dự đoán là năm nay, lượt mua áo quần, vật dụng gia đình sẽ giảm hẳn bởi ít ai dự tính sẽ đi chơi tết”.

Anh Trần Ngọc Kh. - quản lý của một cơ sở điện máy lớn ở TP.Tam Kỳ - cho hay không khí mua sắm hàng tết vẫn rất bình lặng: “Thông thường, người ta tranh thủ dịp tết để mua sắm các thiết bị điện tử, vật dụng trong gia đình nhưng năm nay thì vắng ngắt”. 

Ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - cho biết UBND tỉnh đã giao Sở Công Thương tăng cường công tác dự báo và quản lý thị trường, có kế hoạch và biện pháp bảo đảm cân đối cung - cầu hàng hóa và dịch vụ, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm mọi hành vi gian lận thương mại, đầu cơ, găm hàng, đẩy giá hàng hóa tăng cao bất thường để thu lợi bất chính. 

Nhóm phóng viên miền Trung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI