Dồn dập tai nạn trong hè

01/07/2014 - 11:22

PNO - PN - Chưa đến một tháng học sinh được nghỉ hè nhưng hai bệnh viện nhi tại TP.HCM liên tục tiếp nhận trẻ bị tai nạn: đuối nước, điện giật, phỏng, hóc dị vật. Nhiều tình huống xảy ra rất bất ngờ, nguyên nhân chủ yếu là do...

edf40wrjww2tblPage:Content

Té cây, ngạt nước, điện giật

Chiều 26/6, Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 TP.HCM cho biết đang can thiệp hồi sức tích cực cho bé gái Tr.T.T.N. (chín tuổi, ngụ huyện Hóc Môn, TP.HCM) bị ngưng tim ngưng thở do điện giật. Trước đó, mẹ bé N. đi chợ, bé ở nhà giữ em. Thấy muỗi cắn em, bé N. đã lấy quạt máy trong nhà kho ra cắm điện, không may, dây điện bị hở nên bé bị điện giật. Thấy chị bị ngất, bé trai chỉ mới ba tuổi đã chạy sang nhà hàng xóm kêu người lớn cứu giúp. Sau khi được sơ cứu, bé N. hồi tỉnh dần và được đưa đến BV địa phương. Sau đó, bệnh nhi được đưa lên BV Nhi Đồng 1. Hiện bệnh nhi đã qua cơn nguy kịch. Không may mắn như bé N., cách đây ba tuần, bé Ng.H.Q. (18 tháng tuổi, tạm trú Q.Gò Vấp, TP.HCM) bị điện giật do nghịch nồi cơm điện đã tử vong sau khi được chuyển đến BV Nhi Đồng 2 TP.HCM.

Theo bác sĩ (BS) Nguyễn Minh Tiến, Trưởng khoa Hồi sức tích cực và chống độc, BV Nhi Đồng 1, bé N. ngưng tim ngưng thở, nhưng may mắn thoát chết vì hàng xóm biết cách sơ cứu trước khi đưa đến BV. Nếu bệnh nhi không được sơ cứu mà chuyển thẳng đến BV, có thể sẽ không kịp vì trẻ bị ngưng thở kéo dài quá bốn phút mà không được cấp cứu sẽ chết não. Và, nếu được cứu thì về sau bệnh nhi cũng sống đời thực vật. Do đó, khi gặp trường hợp nạn nhân bị ngưng tim ngưng thở do điện giật thì trước hết cần ngắt nguồn điện, đưa người bệnh ra nơi thoáng mát, kiểm tra phản ứng của nạn nhân. Nếu nạn nhân còn phản ứng thì đưa đến ngay cơ sở y tế gần nhất, còn trường hợp ngưng tim, ngưng thở thì ấn tim và hà hơi thổi ngạt.

Tại khoa Hồi sức tích cực và chống độc, BV Nhi Đồng 2, các BS đang theo dõi sức khỏe của bé gái L.T.M.Tr. (chín tuổi, ngụ tỉnh Lâm Đồng). Được nghỉ hè, bé Tr. về quê ngoại chơi. Trong lúc người lớn đang nói chuyện, không để ý, bé Tr. leo lên cây xoài và bị trượt chân té ở độ cao hơn 3m. Không may, khi té xuống, bụng của bé trúng ngay cục đá, khiến nạn nhân chảy máu ồ ạt trong bụng. Kết quả chụp phim cho thấy, bé Tr. bị vỡ thận. BS Trần Đắc Nguyên Anh, Khoa Cấp cứu, BV Nhi Đồng 2 cho rằng, nếu sau khi điều trị bằng thuốc vẫn không cầm máu thì bắt buộc phải mổ hở.

Mùa hè này, cả hai BV nhi tại TP.HCM đều tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ bị ngạt nước do té vào hồ nước nuôi cá cảnh, thau, chậu, xô đựng nước... Tai nạn xảy ra chủ yếu ở trẻ mới biết đi, thường dưới ba tuổi. Mới đây, bé trai H.T.K. (22 tháng tuổi, ngụ tỉnh Long An) chạy ra ao nuôi tôm trước nhà và té xuống ao. Dù vớt lên kịp thời nhưng bệnh nhi rơi vào tình trạng gồng người, ngưng tim. Các BS BV Nhi Đồng 1 đã cấp cứu giúp K. qua cơn nguy kịch. BS Trần Đắc Nguyên Anh khuyến cáo: với những trẻ đuối nước, nếu trẻ bị ngưng tim ngưng thở thì tiến hành ấn tim, hà hơi thổi ngạt chứ không áp dụng các biện pháp truyền miệng phản khoa học như: hơ lửa, bỏ trên lu lăn qua lăn lại, xốc ngược chân trẻ lên để trút nước trong bụng ra… Những biện pháp này làm mất thời gian vàng cấp cứu cho trẻ và cũng không góp phần vào việc cấp cứu, thậm chí trẻ có thể bị sặc nước, khiến tình trạng trở nên nặng hơn.

Don dap tai nan trong he

Tắm sông, một trong những nguyên nhân gây nguy hiểm cho trẻ em trong dịp hè

Ngộ độc thuốc tràn lan

Một trong những tai nạn hy hữu nhưng vẫn rất dễ xảy ra trong mùa hè là tình trạng ngộ độc thuốc ở trẻ nhỏ. BS Nguyễn Minh Tiến cho biết, BV Nhi Đồng 1 vừa điều trị thành công cho bé trai V.H.Ch. (bốn tuổi, ngụ Q.10) nuốt đến chín viên thuốc động kinh của bà ngoại vì tưởng nhầm là kẹo. Người nhà bệnh nhi kể: ăn sáng xong, bà của bé Ch. uống thuốc động kinh có tên Phenobarbital 100mg nhưng sau khi uống không cất cẩn thận mà để trên bàn. Có lẽ thuốc có màu hồng bắt mắt nên bé tưởng là kẹo. Sau khi ăn chín viên “kẹo” được 30 phút; nước mũi, nước miệng bé Ch. chảy liên tục. Bệnh nhi đã được các BS điều trị để giải phóng độc chất Phenobarbital ra ngoài cơ thể.

Khoa Cấp cứu BV Nhi Đồng 2 cũng tiếp nhận bé V.H.K.Ng. (13 tháng tuổi, ngụ ở Q.7) đã uống nhầm thuốc lắc. Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng thân nhiệt cao, kích động, mặt đỏ, đầu lắc lư, tay chân liên tục cử động. Mẹ bệnh nhi cho biết, khi đưa bé sang nhà một người bạn của mẹ chơi (người này có dùng thuốc lắc), bé vô tình nhặt được nửa viên thuốc lắc trên sàn nhà và nuốt. Dù được các BS lọc rửa dạ dày nhưng bé vẫn tiếp tục kích động, la hét. Các BS lo ngại sau khi bị kích động quá lâu, bé có thể bị ảnh hưởng đến thần kinh.

Theo BS Trần Đắc Nguyên Anh, với những trường hợp trẻ uống nhầm thuốc tẩy, nước lau nhà thì phụ huynh tuyệt đối không gây nôn. Những loại dung dịch này thường có tính ăn mòn cao; dễ gây viêm loét ruột; do đó khi gây nôn ói, dung dịch đó lại trào qua miệng, coi như trẻ bị ngộ độc lần hai và càng có nguy cơ loét ruột, tổn thương dạ dày. Cách tốt nhất trước khi đưa đến BV là phụ huynh cho trẻ uống thật nhiều nước để dung dịch trong dạ dày loãng ra; nhằm giảm tác động của dung dịch và giúp giảm tổn thương thận.

BS Đinh Tấn Phương, Phó khoa Cấp cứu, BV Nhi Đồng 1 cảnh báo: Vào mùa hè, trẻ ở lứa tuổi vị thành niên thường được cha mẹ nhắc nhở việc học, thi cử và thường bị la rầy vì yêu sớm. BV Nhi Đồng 1 từng tiếp nhận một số trẻ bị ảnh hưởng tâm thần do áp lực học và nhiều trường hợp trẻ bị ngộ độc thuốc do cố ý uống để tự tử vì áp lực thi cử hoặc bị cấm yêu. Với trường hợp trẻ tự tử, sau khi cấp cứu thành công phải được chuyên gia tâm lý tư vấn, nếu không giải quyết triệt để, trẻ sẽ có nhiều nguy cơ tự tử lần hai khi gặp khó khăn.

BS Nguyễn Minh Tiến tư vấn thêm: khi đưa trẻ đi cấp cứu phải đem theo vỉ thuốc để thuận tiện trong điều trị. Nếu uống thuốc trừ sâu, trẻ thường có biểu hiện như: tăng tiết đàm nhớt, rối loạn tri giác, lơ mơ, run giật cơ, xanh tái, chảy nhiều nước bọt. Tùy vào cơ địa, liều lượng thuốc uống mà bệnh nặng hay nhẹ. Nguy hiểm nhất là thuốc diệt cỏ. Sau khi uống, trẻ chỉ có biểu hiện đau họng; trong khi triệu chứng suy thận, suy gan, xơ phổi… lại diễn âm thầm. Vì thời gian đầu uống thuốc diệt cỏ, bệnh nhân vẫn tỉnh táo nên người nhà thường không đưa đến BV ngay. Ngay cả BS cũng khó nhận ra trẻ đã uống thuốc trừ sâu, nếu thiếu kinh nghiệm.

 Trường Sa

Không nên để trẻ một mình trong xe hơi

Các chuyên gia khuyến cáo, các bậc phụ huynh không nên để trẻ một mình trong xe hơi, vì trẻ dễ đối diện với nguy cơ bị đột quỵ và tử vong.

Theo thống kê của Safe Kids Worldwide (Tổ chức An toàn trẻ em toàn cầu), trong năm 2013, 43 trẻ em ở Mỹ đã chết vì đột quỵ do nhiệt sau khi bị bỏ lại một mình trong xe.

Hội đồng An toàn Quốc gia Mỹ (NSC) cho biết, trẻ em bị ảnh hưởng do nhiệt độ cao nhanh hơn gấp ba - năm lần so với người lớn. Ngay cả khi nhiệt độ bên ngoài trời là 21 độ C, nhiệt độ bên trong xe khi đóng kín cửa cũng có thể tăng lên đến mức gây nguy hiểm cho sức khỏe của trẻ chỉ trong vòng vài phút.

Deborah Hersman - Chủ tịch và Giám đốc điều hành NSC - cho biết: “Mỗi mùa hè, hàng chục trẻ em tử vong do nhiệt độ cao bên trong của chiếc xe gây ra. Do đó hãy chắc chắn rằng bạn luôn kiểm tra xe cẩn thận trước khi khóa cửa”.

Để phòng tránh nguy cơ trẻ bị đột quỵ do nhiệt trong xe hơi, NSC khuyên các bậc phụ huynh nên thực hiện những biện pháp sau: Không bao giờ để trẻ một mình trong xe hơi; luôn nhớ khóa cửa xe sau khi bạn ra khỏi xe. Điều này sẽ giúp ngăn chặn trẻ không thể vào xe một mình và bị mắc kẹt trong đó.

 Nguyễn Niệm (Theo Goodhealth)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI