Đời Vui sao mà buồn!

02/08/2016 - 07:14

PNO - Vui cúi xuống lau nước mắt. Đã thấy thấp thoáng tóc bạc trên đầu, dù Vui chỉ mới ba mươi ba. Vui nói, đời mình chỉ có cái tên là… vui, còn tất cả đều buồn thối đất thối cát.

“Giờ sao chị? Em hối hận lắm. Mười năm chứ đâu phải một ngày một bữa. Đã cố chịu đựng nhưng đến giờ chắc không cố nổi được nữa rồi”.

Vui ba tuổi thì cha có vợ bé, mẹ ghen lồng, ghen lộn... Vui mồ côi mẹ khi lên bốn. Cha một đi không trở lại, bỏ Vui và đứa em trai mới một tuổi cho bà ngoại nuôi. Ngoại già phải nương nhờ con trai, lại còn nách theo hai đứa cháu. Cậu Út của Vui thì tốt, nhưng cái nghèo đã khiến mợ Út cùn nhụt, keo bẩn. Mợ đong đếm với Vui từng chén cơm, so đo từng đôi dép. Cũng chẳng trách được mợ. Hai lần sanh, ba đứa con, thêm chị em Vui nữa là năm đứa trẻ trong nhà; rồi một bà già, cộng với vợ chồng cậu mợ là thành tám miệng ăn nhưng chỉ mỗi mình cậu đi giăng câu thả lưới.

Năm tuổi Vui đã biết quét nhà, nấu cơm. Bảy tuổi đã đi chợ, đi quán. Học được hết lớp 5 Vui phải nghỉ ở nhà vì ngoại bệnh nằm một chỗ. Con bé mười một tuổi được mợ Út giao cho việc chăm sóc bà từ ly sữa, chén cháo đến vệ sinh. Vui mười ba tuổi thì bà mất. Nhưng, Vui cũng không được đi học lại, bạn bè trang lứa vẫn đang tung tăng cắp sách đến trường. Mợ mua cho Vui ba con heo, ba chục con gà, dỗ dành Vui giúp cậu mợ chăm sóc, mai mốt Vui lớn, “mợ không quên ơn đâu”.

Vui mát tay, lại chăm chỉ nên heo khỏe mạnh lớn nhanh, năm tháng là đã có thể xuất chuồng. Anh lái heo trẻ, thật thà, vui tính làm mợ Vui rất hài lòng. Sau chục chuyến cân heo, mợ quyết định gả Vui cho anh lái. Vui trù trừ “con chưa muốn lấy chồng”. Cậu ngồi đốt thuốc, nói bâng quơ “trai lớn lấy vợ/gái lớn gả chồng”. Mợ kể công, tao nuôi mày từ hồi vắt mũi chưa sạch, giờ mày không trả nghĩa được sao? Vậy là mười tám tuổi Vui thành vợ người ta để trả nghĩa áo cơm cho cậu mợ.

Ba tháng làm vợ, Vui hiểu ra, chồng mình chỉ cái có bề ngoài vui vẻ nhiệt tình. Ở nhà anh ta vừa cộc tính, vừa gia trưởng. Nghèo khó, ăn bữa sáng lo bữa chiều nhưng anh buộc Vui luôn phải “đi thưa về trình”, dù là ra quán mua tép hành hay chai nước mắm. Thu nhập trong nhà, từ bán buồng dừa tới con gà hay mớ lá lốt Vui đều phải nộp đủ cho chồng, rồi anh ta sẽ chi lại tiền chợ. Vui lại nuôi gà như hồi ở với cậu mợ, mát tay nên lứa gà nào cũng phổng phao. Để có rau cho gà ăn, từ mờ sáng Vui phải ra chợ lượm lặt rau vạt của mấy bà hàng bông.

Doi Vui sao ma buon!
Ảnh mang tính minh họa

Một lần, chở bao rau nặng quá, cái bụng bầu tháng thứ bảy đã nặng nề, lại thêm đường mưa trơn trượt khiến Vui té xe. Có một người đàn ông tốt bụng đi qua giúp Vui gom rau lại, đưa luôn về nhà. Chuyện chỉ vậy nhưng chồng Vui bắt bẻ, rằng phải có tình ý gì với nhau nên mới hẹn hò đón đưa, tiện thể giúp đỡ nhau như thế. Rằng cái đà này, không chừng mỗi lứa gà là mỗi thằng đàn ông. Biết đâu cái bầu trong bụng này cũng chẳng phải của mình!

Vui lặng im trước sự quy chụp của chồng, nhưng tới câu cuối thì không nhịn được nữa. Một trận nảy lửa, bàn ghế bay, nắm đấm vung lên, bàn chân đạp xuống, hèo quơ như phim bụi đời diễn vụng. Mẹ chồng giảng hòa bằng cách, từ nay mỗi sáng bà sẽ đi gom rau, Vui không phải đi nữa. Êm êm được hơn năm thì vợ chồng ra riêng. Đứa con dù giống cha như đúc nhưng cứ rượu say là chồng Vui dấm dẳng: “Không biết nó có phải con tui hông?”. Nói một lần nghe qua rồi bỏ. Nói hai lần cái môi mấp máy muốn hỏi lại. Nói ba lần cái miệng người đối diện không nhịn nổi phải mở ra. Không ai chịu thua ai. Hỗn chiến khó tránh.

Chồng kết luận: “Đàn bà có chồng mà lại lấy trai/Chết xuống âm phủ cưa hai nấu dầu”. Vui cãi: “Tui không lấy trai, chỉ là một lần người ta giúp đỡ đưa về mà ông nói bao nhiêu năm nay. Ừ, “Đàn bà có chồng mà lại lấy trai/Chết xuống âm phủ thưởng hai quan tiền” đó”. Thưởng hả? Thưởng nè! Mỗi “hả”, mỗi “nè” là một cú đấm giáng xuống. Đôi cánh tay của anh lái heo từng khiêng vác cả tạ heo, thì cú đấm chẳng hề nhẹ. Vui không vừa, cây kéo thợ may vung lên. Con khóc ré. Chuyện dịu lại, ai cũng thấy mình còn phải sống cho con có mẹ có cha, nên nắm níu tới giờ này. Thằng nhỏ đã 13 tuổi.

“Lúc này ổng càng ngày càng kinh khủng, chị à. Đâu ai biết gần mười năm nay ổng chưa hề đưa em một đồng nào. Gà vịt nuôi mỗi lứa bán đi đều bắt em giao hết tiền cho ổng cất. Tiền công may đồ của em ổng cũng lấy sạch. Hết lái heo ổng quay sang lái mì, lái cao su thanh lý, nhưng tiền không đem về nhà, lại còn “con nọ con kia”, nhiều hôm điện thoại cho gái trước mặt em, hẹn nhà trọ nào, mấy giờ… Em nói, không sống được với nhau thì thôi, đừng chọc tức nhau kiểu đó.

Ổng nói em bất công, hồi đó em cho trai đưa đón về nhà được, giờ ổng hẹn gái sao không cho. Ổng phải chơi bời cho tới chừng nào quên cái hận em “cắm sừng” mới thôi. Sao không nhờ con làm cầu nối? Ôi trời, thằng nhỏ ớn ổng như ớn cơm nếp, còn xúi mẹ ly hôn cho sớm. Nó nói, cứ mỗi lần nghe ổng nhề nhệ “Không biết mày phải con tao không nữa” là nó sôi máu. Mặt mày, tay chân, dáng vóc nó giống ổng như khuôn mà cứ nghi nghi ngờ ngờ. Nó sợ cứ đà này vài năm nữa nó không kiềm chế được…".

Giờ em muốn sao? Em cũng không biết mình muốn sao nữa, chỉ là buồn quá thì tâm sự thôi. Vui về. Tôi như buồn theo. Quả thật, em chỉ có cái tên Vui, còn đời là chuỗi ngày buồn không đếm hết.

Kim Cúc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI