Đời nào con cưới cô ấy

31/08/2020 - 09:25

PNO - Câu trả lời của con trai làm tôi ngỡ ngàng: “Ở với nhau chừng đó thời gian, đủ hiểu nhau rồi. Bọn con trai du học về thường tìm kiếm các thiếu nữ “trong trắng”, chúng đã qua thời phá phách. Bọn con gái cũng vậy thôi..."

Con trai trở về từ cuộc du học bị dở dang vì dịch bệnh, đã hơn sáu tháng trôi qua, chẳng biết khi nào mới quay lại trường lớp. Đối với một cậu trai đã bắt đầu bước qua tuổi 22, bị trì hoãn học năm cuối cũng đồng nghĩa với trì hoãn tốt nghiệp, trì hoãn thi cử, trì hoãn cả những bước vào đời vốn vẫn được cậu chờ đợi bao lâu với tất cả háo hức, hy vọng.

Cô bạn gái rất xinh cùng cảnh lỡ dở học kỳ du học vẫn hay qua nhà chơi, tôi chọc ghẹo con trai: “Sao, hay giờ tranh thủ lúc rảnh rỗi cưới vợ đi, mai mốt đi học tiếp?”. Con trai tuyên bố xanh rờn: “Mẹ thấy thằng nào đi du học về mà cưới vợ là du học sinh không?”.

Con trai chưa hiểu về chữ trách nhiệm hoặc còn nhầm lẫn giữa nó là bản lĩnh đàn ông. Ảnh minh họa
Con trai 22 tuổi nhưng thực sự cũng chưa biết hết giá trị của mình. Ảnh minh họa

Nhà có hai cậu con trai, những vấn đề thuộc chuyện riêng tư của đàn ông, tôi thường nhường phần cho ba bọn trẻ. Nhưng câu chuyện với anh hai này khiến tôi giật mình nghĩ lại. Con đã có lần nói chuyện rất thoải mái với tôi về tự do của con, của bạn gái con, và tình yêu tự do của hai đứa trong những ngày cùng học, cùng sống ở đất nước Hà Lan xa xôi. Cho tới bây giờ, hai đứa vẫn là một cặp dính như sam, sao có vẻ như con trai đã xóa tên cô gái ấy trong tương lai của mình? 

Bắt đầu hỏi con trai chuyện về tình yêu, và chắc chắn là tình dục nữa, hoàn toàn không phải là một chuyện dễ dàng. Tôi kiếm mãi không ra một cơ hội nào. Cơ may xuất hiện khi cậu út, đang học trung học, làm một báo cáo thuyết trình trên lớp về nạn xâm hại trẻ em. Nhìn con, tôi cảm thán: “Trời ơi, mẹ nghĩ nếu các con của mẹ mà bị xâm hại như vầy, chắc mẹ chết mất!”. Út trả lời tỉnh bơ: “Mẹ chết rồi ai bảo vệ con khỏi bị xâm hại nữa hả mẹ?”.

Chuyện mở từ đó. Tôi dấn thân vào một câu chuyện đầy rủi ro, khó nói cho trôi chảy được. Nhưng rồi tôi nhận ra có mở gói này thì mới có những lần nói chuyện tiếp theo. Lần sau hai mẹ con nói được nhiều chuyện hơn, nói dễ hơn lần trước. Dần dần cả anh hai cũng tham gia những câu chuyện này.

Khi “vốn từ” chung về chủ đề giới tính, chủ đề tình dục giữa mấy mẹ con được mở rộng, không đến nỗi quá khó nói, khó đề cập đến những chủ đề nhạy cảm nữa. Khi chia sẻ được hiểu biết với nhau, mẹ con tôi cũng dễ dàng chia sẻ thái độ về nhiều việc tế nhị khác.

Có cảm giác như giữa mẹ và con trai, câu chuyện sẽ dễ dàng hơn. Nhưng cũng không hẳn hoàn toàn vậy, cũng có khi câu chuyện giữa những người đàn ông với nhau sẽ ấn tượng hơn, dễ đồng cảm hơn; hay câu chuyện giữa mẹ và con gái sẽ dễ bắt đầu hơn, gần gũi hơn…

Tùy thuộc vào từng gia đình, tôi nghĩ vậy, nhưng quan trọng nhất là phải có ai đó - cha hay mẹ - bắt đầu câu chuyện ấy. Câu chuyện trực tiếp giữa mẹ và con tưởng là rất khó nói, nhưng thực ra, sự trực tiếp ấy khuyến khích cả tôi và các con thành thật với nhau hơn. Bọn trẻ không cần những bài giảng giáo điều chung chung, chúng cần chia sẻ cảm xúc thật và cần những câu trả lời riêng cho chúng. 

Tôi hỏi con: “Tại sao con nghĩ du học sinh không lấy vợ là du học sinh?”. Câu trả lời của con trai làm tôi ngỡ ngàng: “Ở với nhau chừng đó thời gian, đủ hiểu nhau rồi. Bọn con trai du học về thường tìm kiếm các thiếu nữ “trong trắng” - chúng đã qua thời phá phách, muốn tính chuyện nghiêm túc với một cô nàng nghiêm túc. Bọn con gái cũng vậy thôi”.

Thằng bé nói chuyện về bao cao su, về những biện pháp tránh thai mà cả hai đều đồng ý tự nguyện sử dụng, như một biện pháp để không ai trong hai đứa phải chịu trách nhiệm về thời gian ở bên nhau. 

Chẳng lẽ những cô gái chỉ như cuốn tạp chí người ta cầm lên giữa hành trình? Ảnh minh họa
Chẳng lẽ những cô gái chỉ như cuốn tạp chí người ta cầm lên khi chờ tàu xe giữa hành trình? Ảnh minh họa

Tôi thử đặt mình vào vị trí cô gái, thấy có chút gì đắng trong cổ họng, thấy mình như một tờ tạp chí người ta chỉ cầm lên đọc tạm trong lúc chờ chuyển tiếp giữa hai chuyến bay. Một trong những tiêu chí để xác định nam tính của một người đàn ông là khả năng nhận gánh lấy trách nhiệm.

Khi con trai bước vào cuộc đời một cô gái, trở thành nơi nương tựa của cô ấy, được cô ấy trao gửi một phần tâm hồn và thể xác của mình, trách nhiệm sẽ tự hình thành cùng với hoóc-môn nam tính. Trách nhiệm đó không chỉ là cái bụng bầu - mà những đứa trẻ lớn xác của tôi cho rằng chúng đủ khôn ngoan để phòng tránh được.

Trách nhiệm ấy, trước tiên, là lòng trân trọng sự tình nguyện của bạn gái, trân trọng món tặng vật tuyệt vời mình được nhận, cũng là một cách tự trọng đối với bản thân mình. Khổ thay, các con của chúng ta, cả người tặng lẫn người nhận, đều không biết hết giá trị của món quà ấy. Cũng phải thôi, vì chúng thực sự cũng chưa biết hết giá trị của mình.

Không có cô gái nào chỉ dành cho yêu đương, cũng không có cô gái nào chỉ để dành cho vai trò người vợ. Câu chuyện của mẹ con tôi mới đang tạm dừng ở đó. Chúng tôi đã hẹn lần sau sẽ nói chuyện với nhau về nam tính thực sự của người đàn ông: “Có phải cứ “mạnh” là nam tính?”. Coi bộ cả về chuyện này, các cậu ấy cũng không thực sự biết đâu… 

Hoàng Mai

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI