Đệ nhất bóng rỗi Tiền Giang

08/01/2021 - 06:54

PNO - Khi nói về hành trình 30 năm với bóng rỗi, nghệ nhân ưu tú Út Son (Lê Văn Son) cho rằng hơn cả một bộ môn nghệ thuật, bóng rỗi chính là cuộc đời của anh.

Học nghề trong mười ngày
Là học trò của nàng bóng Lê Thị Thủ nổi tiếng Tiền Giang, Út Son vô cùng tự hào khi kể về người mẹ thứ hai của mình. Với anh, nếu không có mẹ Thủ thì không có Út Son bóng rỗi hôm nay.

“Khi tôi còn nhỏ, mỗi lần có đoàn múa bóng về là cha đều quảy tôi trên vai đi coi. Cha kể lần đó có đoàn múa của cô bóng Thủ nổi tiếng về làng. Khi nhìn tôi, mẹ Thủ đã chấm và nói với cha rằng, tôi có tố chất để theo nghề, dù lúc ấy tôi chỉ mới hai tuổi”, anh kể.

Lên bảy tuổi, không giống như bao cậu bé khác, Út Son bắt đầu có những động tác uyển chuyển và chỉ chơi với con gái. Đến năm 20 tuổi, trong một buổi đi xem múa bóng, cậu bé Út Son lại gặp được cô bóng Thủ. Cuộc gặp gỡ định mệnh này đã đưa cậu bé từng được cô bóng Thủ ưng ý năm nào đến với thiên đàng bóng rỗi. Còn với đệ nhất bóng Thủ, bà đã tìm được truyền nhân của đời mình.

Nghệ nhân Út Son được trao danh hiệu nghệ nhân ưu tú năm 2019
Nghệ nhân Út Son được trao danh hiệu nghệ nhân ưu tú năm 2019

Ban đầu, khi được cô bóng Thủ ngỏ ý truyền nghề, cậu bé Út Son vẫn còn nhút nhát chưa dám nhận lời. Nhưng sau đó, vì quyết tâm dấn thân, chàng trai đất Châu Thành vẫn lặn lội tìm nhà mẹ Thủ ở tận Cai Lậy để học nghề.

“Mẹ chỉ dạy tôi mười ngày, nhưng tôi sáng dạ và theo được hết. Ngày cúng tổ ra mắt, theo lẽ thường, học trò chỉ được ăn một nửa đồ cúng, nhưng với tôi, mẹ cho ăn tất cả các món trên mâm. Người ta nói điều đó có nghĩa là mẹ đã truyền cho tôi hết món nghề của bà. Tôi cảm thấy mình hạnh phúc và thực sự may mắn” - Út Son chia sẻ.

Những ngày học nghề, Út Son lĩnh hội rất nhanh. Ban ngày anh học múa đồ bêu (múa tạp kỹ), ban đêm thì học múa đồ đầu, múa chén bông. Tiết mục đáng nhớ nhất của Son là múa cái tĩn nước mắm. Cái tĩn gốm nặng, đế lại nhỏ, nên để giữ thăng bằng là điều rất khó khăn. Nhiều lần anh còn suýt làm rơi nó. Cái tĩn nước mắm cũng chính là chứng nhân 30 năm múa bóng của Út Son.

Út Son cho rằng, ngoài việc gặp được thầy giỏi, gia đình ủng hộ cũng chính là động lực rất lớn của anh. Cha mẹ, anh em không ai phản đối, từ cậu út của gia đình đông con, sau 30 năm, Lê Văn Son trở thành đệ nhất cô bóng Cai Lậy, Tiền Giang. “Tôi nhớ như in lời cha mẹ dặn, rằng cái nghề này nó long trọng nên cha mẹ bằng lòng cho theo, chỉ khi nào con trộm cắp bậy bạ thì cha mẹ mới cấm cản” - anh bộc bạch.

Chỉ mong đủ sức khỏe

Nổi danh từ những ngày múa bóng đầu tiên, cho đến tận bây giờ, khi đã trải qua nhiều cuộc thi và sở hữu không ít giải thưởng, Út Son nói, bóng rỗi còn hơn một bộ môn nghệ thuật, với anh, đó là cả cuộc đời.

Lau chùi bảng chứng nhận danh hiệu nghệ nhân ưu tú bằng tất cả sự trân trọng, nâng niu, Út Son không giấu được xúc động: “Tôi nghĩ mình đã đạt được vinh dự cao nhất của những người theo đuổi bộ môn bóng rỗi. Tôi không còn mơ ước gì cao xa hơn và mong được trao truyền cơ hội lại cho lớp trẻ”.

NNƯT Út Son
NNƯT Út Son biểu diễn múa bóng rỗi

Sống, làm nghề thanh thản, không so đo, tính toán, hệt như người thầy đầu tiên của mình, Út Son không giấu nghề với bất kỳ đệ tử nào. Vì vậy thế hệ sau này, khi được nhắc đến là đệ tử của Út Son, ai ai cũng được nể trọng. Nổi tiếng nhất trong số những học trò của Út Son có Đoàn Kha Minh, Đặng Thanh Hải và Huỳnh Ngọc Thuận.

Từng bị nhìn nhận như một trò mê tín, nhưng đến hôm nay, với những đóng góp của những nghệ nhân như Út Son, bóng rỗi dần dần được nhiều người mến mộ. Thế nhưng những nghệ nhân bóng rỗi đôi lúc vẫn phải nuốt nỗi buồn vào trong. Đời bóng rỗi, ngoài mặc cảm về thân phận, người ta còn phải vật lộn để kiếm sống. Út Son cho biết nghề này vì chỉ nhộn nhịp vào mùa xuân, nên khi không đi diễn, người ta phải làm đủ thứ nghề, vô cùng cơ cực. Đó là lý do mà nhiều người nản chí, bỏ cuộc.

Tuổi ngày càng cao nên Út Son không còn đi diễn nhiều như trước nữa. Tay trái của anh giờ đã yếu hơn xưa, mỗi lần múa là một lần gắng gượng. Nhưng khi đã lên sân khấu, anh luôn phải chu toàn cho trọn vẹn. Năm 2018, trong một lần đi diễn, vì sơ ý nên anh ngã gãy cánh tay trái, phải nghỉ vài tháng liền. Mới hồi tháng Mười vừa rồi, vì đường hẹp nên Út Son lại ngã thêm một lần nữa. Lần này anh bị gãy ba ngón chân. “Tôi chỉ mong mình khỏe mạnh, tay chân lành lặn để đi múa, và truyền nghề cho thế hệ mai sau. Ngày nào còn sức khỏe, thì ngày đó tôi vẫn còn hết lòng với bộ môn này” - anh bộc bạch. 

Tấn Đồng

(*) Múa bóng rỗi là múa hát nghi lễ, vào các dịp lễ hội tại các đền miếu Nam Bộ với xuất phát điểm là nghi lễ hầu đồng.

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Nghiaminhho 08-01-2021 16:56:44

    Ngành văn hóa Tỉnh và Bộ VH làm sao tuyển mộ tuyển dụng những người có năng khiếu, có chế độ hỗ trợ ...duy trì phát huy truyền thống nghệ thuật này . Để mất đi là một tổn thất lớn cho đất nước và có khi cả nhân loại nữa.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI