Dạy học - nghề chịu áp lực tứ bề

04/11/2023 - 06:00

PNO - Suốt quá trình làm nghề, giáo viên luôn phải hoàn thành chương trình, rèn dạy học sinh cả về kiến thức lẫn đạo đức nhưng luôn bị nhiều phía “soi”. Họ luôn phải làm tốt, còn nếu có sai sót dù chỉ 1 lần, họ có thể bị dư luận chỉ trích gay gắt đến mức phải bỏ nghề.

 

Cô Đinh Thị Nhài - giáo viên Trường tiểu học Lê Văn Thọ (quận 12, TPHCM) - trong giờ dạy môn tiếng Việt cho học sinh lớp Năm ẢNH: N.L.
Cô Đinh Thị Nhài - giáo viên Trường tiểu học Lê Văn Thọ (quận 12, TPHCM) - trong giờ dạy môn tiếng Việt cho học sinh lớp Năm - Ảnh: N.L.

Nỗi lòng cô giáo

Tiết học chính thức là hơn 7g nhưng từ 6g, cô Lê Thị Minh Thúy - giáo viên chủ nhiệm lớp 1/1 Trường tiểu học Lê Văn Thọ (quận 12, TPHCM) - đã có mặt ở lớp kèm cặp cho những học sinh chưa theo kịp chương trình.

Cô giải thích: “Lớp có 53 học sinh học mỗi ngày 1 buổi, mỗi tiết chỉ có 35 phút, trong khi nội dung cần truyền đạt lại nhiều. Nếu dành thời gian cho từng em thì mỗi em có chưa tới 1 phút, quan tâm em này thì mất em kia, còn dạy chung chung thì những em tiếp thu chậm sẽ theo không kịp. Điều này gây áp lực rất lớn lên mỗi giáo viên”. Do học sinh vừa chuyển từ môi trường chơi (bậc mầm non) sang môi trường học (lớp Một) nên việc rèn vào nền nếp rất khó. Lớp lại có 3 học sinh diện hòa nhập, tiết nào cũng quậy phá, chọc ghẹo bạn bè hoặc nằm lên bàn nên giáo viên càng nhiều việc. 

Cô Vũ Thị Thương - giáo viên Trường tiểu học Ngô Quyền (quận Bình Tân, TPHCM) - kể, mỗi ngày, cô đều ghi vào sổ báo bài để phụ huynh nắm được việc học của con để kịp kèm cặp. Nhiều phụ huynh có con học đến tuần thứ sáu mới giở sổ báo bài của con ra xem, thấy con không hiểu bài thì quay sang trách cô không quan tâm con mình.

Cô nói: “Làm nghề giáo bây giờ như làm dâu trăm họ. Mỗi gia đình chỉ có 1-2 con nên rất cưng, từ đó các em không sợ ai. Có lúc đang dạy, tôi phải ngồi bệt xuống, giả vờ điếc mấy phút để lấy lại bình tĩnh. Học sinh quậy thì giáo viên phải tìm cách giáo dục nhưng muốn vậy, cần có sự hợp tác của phụ huynh”.

Chỉ có gần 2 năm kinh nghiệm, cô Lư Tiểu Duy - giáo viên ngữ văn, Trường THPT Nguyễn Trung Trực (quận Gò Vấp, TPHCM) - luôn nhận được sự giúp đỡ từ ban giám hiệu và đồng nghiệp. Mặc dù vậy, cô vẫn bị áp lực phải làm sao để dạy chương trình mới cho hiệu quả: “Học sinh ngày nay được tiếp xúc với nhiều nguồn thông tin, biết được nhiều kiến thức hay nên việc giảng dạy khó hơn, nếu chỉ nói theo sách sẽ không thể đáp ứng được kỳ vọng của các em”.

Cô Lê Thị Minh Thúy - giáo viên Trường tiểu học Lê Văn Thọ (quận 12, TPHCM) -  dạy học sinh lớp Một tập đọc - ẢNH: N.L.
Cô Lê Thị Minh Thúy - giáo viên Trường tiểu học Lê Văn Thọ (quận 12, TPHCM) - dạy học sinh lớp Một tập đọc - Ảnh: N.L.

Để có 1 buổi dạy, cô Tiểu Duy phải dành ra 2-3 buổi tối để soạn giáo án, bản trình chiếu, phương tiện dạy học. Do dạy theo chương trình mới nên tài liệu tham khảo rất ít, cô phải tốn nhiều thời gian để tìm hiểu. Dạy xong, cô còn phải nghiên cứu cách thức để chấm bài, đánh giá học sinh, đưa ra nhiệm vụ học tập và hỗ trợ học sinh thực hiện theo đúng yêu cầu của chương trình mới. 

Do là giáo viên chủ nhiệm lớp Mười nên cô Tiểu Duy còn phải lắng nghe ý kiến đóng góp, phản hồi từ phụ huynh học sinh. Đây là sự hỗ trợ rất lớn để cô cải thiện việc dạy học, nhưng đồng thời cũng buộc cô phải cố gắng để làm hài lòng phụ huynh. 

Cần sự cảm thông, đồng hành

Theo ông Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1, TPHCM) - giáo viên dễ bị căng thẳng do phải vừa hoàn thành công tác giảng dạy, quản lý lớp, vừa làm hài lòng phụ huynh và xã hội.

“Phụ huynh thường nói “trăm sự nhờ thầy cô” nhưng khi có sự cố xảy ra, họ lại im lặng hoặc “đổ thêm dầu vào lửa”. Do đó, tôi tha thiết mong các bậc cha mẹ, học sinh và xã hội có cái nhìn thông cảm, thấu hiểu hơn cho công việc của giáo viên”. 

Ông Huỳnh Thanh Phú

Ông nói, 1 lớp có hàng chục học sinh, có em học giỏi, có em học chậm, giáo viên đôi khi nói lỡ lời hay có cư xử chưa hợp lý. Nhưng bây giờ, mỗi lời nói hay hành động của giáo viên đều có thể bị quay phim, chụp ảnh, bị phát tán lên mạng xã hội và sự việc bị đẩy đi rất xa. Việc tiếp nhận các phản ứng trái chiều quá lớn sẽ trở thành cú sốc nặng nề với giáo viên.

Bà Huỳnh Thị Tuyết Hoa - Hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Văn Thọ - nhận xét, lượng công việc mà giáo viên cần hoàn thành rất nhiều, thậm chí họ phải làm việc cả ngày cuối tuần. Do đó, trường phải chủ động tuyển thêm giáo viên bộ môn diện hợp đồng để giảm bớt gánh nặng cho giáo viên chủ nhiệm. Trong kiểm tra, dự giờ, trường cũng chủ trương “giơ cao đánh khẽ”, không yêu cầu cô trò phải giỏi tuyệt đối. Bà nhắn nhủ: “Học sinh đông, chương trình nặng nên chúng tôi mong nhận được sự đồng hành và cảm thông từ phụ huynh”. 

Bà Võ Thị Hồng Lan - Hiệu trưởng Trường THPT Trần Khai Nguyên (quận 5, TPHCM) - đúc kết, 2 áp lực nặng nhất với giáo viên hiện nay là thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới và đáp ứng sự kỳ vọng của phụ huynh. Do đó, bên cạnh sự hỗ trợ của ban giám hiệu, giáo viên cũng cần chủ động kết nối với đồng nghiệp, làm việc nhóm để đưa ra giáo án, phương pháp giảng dạy tối ưu để đạt hiệu quả cao hơn với áp lực thấp nhất. 

Theo bà, giáo viên cũng cần phân loại trình độ của học sinh để có biện pháp hỗ trợ phù hợp, hướng dẫn các em phương pháp tự học, sau đó giao bài tập, dự án làm việc theo nhóm để các em giúp đỡ nhau và chủ động hơn trong học tập, qua đó giảm tải được phần nào áp lực cho mình. 

 

Giáo viên Trường tiểu học Trương Quyền (quận 3, TPHCM) dạy học sinh môn STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán) - ẢNH: MINH LINH
Giáo viên Trường tiểu học Trương Quyền (quận 3, TPHCM) dạy học sinh môn STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán) - Ảnh: Minh Linh

Tạo môi trường hạnh phúc cho học sinh nhưng đừng tăng áp lực cho giáo viên 
Theo ông Huỳnh Thanh Phú, việc đổi mới chương trình giáo dục hay việc triển khai bộ tiêu chí về trường học hạnh phúc đều yêu cầu giáo viên phải đổi mới, sáng tạo. Giáo viên không được cho điểm xấu, phải tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh, phải ứng dụng có hiệu quả công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số vào việc quản lý và dạy học. Các tiêu chí này nhằm tạo ra môi trường hạnh phúc cho học sinh nhưng lại tăng áp lực lên giáo viên.

Theo đó, giáo viên phải tự thay đổi để thích ứng với sự đổi mới này nhưng lại không dễ thay đổi trong một sớm một chiều. Đặc biệt, giáo viên không được hỗ trợ các thiết bị, phương tiện dạy học mà phải tự bỏ tiền túi mua sắm. Điều này vô tình trở thành gánh nặng kinh tế cho giáo viên với đồng lương ít ỏi như hiện nay. Tạo môi trường hạnh phúc cho học sinh là đúng nhưng nếu mọi chủ trương đều cấp tập thì vô hình trung lại tăng thêm áp lực cho giáo viên.

Ng.Loan

Tìm tiếng nói chung giữa phụ huynh và giáo viên

Đổi mới giáo dục là cần thiết, nhưng sự chuẩn bị cho đội ngũ giáo viên cần phải đến nơi đến chốn. Sự thiếu chuẩn bị đã khiến giáo viên chịu áp lực về mặt chuyên môn. Đó là chưa kể những áp lực về hồ sơ, sổ sách, thi đua. Mặc dù Bộ GD-ĐT đã có quy định cắt giảm những phần không cần thiết nhưng tùy theo yêu cầu của cơ sở, của người quản lý, thầy cô sẽ phải nhận thêm những yêu cầu khác. 

Về mặt đời sống, thu nhập của giáo viên đã có phần khá hơn trước nhưng nhìn chung vẫn còn rất thấp. Do đó, ngoài giờ lên lớp, thầy cô còn phải làm thêm để có thu nhập đảm bảo cuộc sống và chăm lo cho gia đình mình. Nhưng dù áp lực đến đâu thì thầy cô cũng luôn mong mỏi học sinh của mình tiến bộ. Khi học sinh chậm tiếp thu hay mất tập trung, thầy cô nóng lòng kèm cặp nên dẫn đến những lời nói, hành động chưa đúng mực. 

Cha mẹ nào cũng thương con nhưng họ cũng phải tất bật kiếm sống mỗi ngày. Việc quan tâm, chăm sóc con cái có phần hạn chế nhưng khi con gặp điều không vừa ý, phụ huynh lại dễ mất bình tĩnh. Thay vì liên hệ với những người có trách nhiệm ở trường để tìm hiểu thêm, phụ huynh thường tin tưởng vào những điều con nói dựa trên nhận thức chủ quan của con.

Những hành động sau đó của phụ huynh - như đưa thông tin lên mạng - có thể gây áp lực nặng nề cho giáo viên. Lâu dần, trong quá trình giảng dạy, đối với các em cần uốn nắn, nhắc nhở, một số thầy cô sẽ ngại lên tiếng. Họ đến trường và cố gắng làm tốt nhiệm vụ, học sinh ngoan thì vui, học sinh không ngoan thì cũng kệ. 

Như vậy, để hạn chế những điều tiêu cực, cần có sự cố gắng từ 2 phía. Thầy cô phải hết lòng vì học sinh, trò ngoan thì biểu dương, trò chưa ngoan thì nhắc nhở nhưng phải nhắc nhở làm sao cho hiệu quả chứ không phải lúc nào cũng phê bình trước lớp. Thầy cô cũng cần dành thời gian để gặp gỡ, tâm sự với học sinh, để các em tự nhận thức điều gì là đúng, là sai.

Đối với phụ huynh, khi nhận thấy vấn đề không đúng đắn thì cần trao đổi với nhà trường. Muốn được như thế, trong những cuộc họp đầu hoặc trong năm học, nhà trường cần đưa những nội dung về công tác giáo dục để phụ huynh cùng tìm hướng giải quyết. Khi nắm được trách nhiệm của mình thì thay vì đổ lỗi, cả hai sẽ biết cách thông cảm và hỗ trợ nhau. 

Cả phụ huynh và thầy cô đều là những người đi trước, có trách nhiệm dạy dỗ, giáo dục học sinh - những người đi sau. Cha mẹ mong con ngoan hiền, thầy cô mong trò giỏi giang, vậy tại sao không hợp tác để mang đến những điều tốt nhất cho các em?

 Ông Nguyễn Văn Ngai

nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM

Giáo viên hạnh phúc mới làm cho học trò hạnh phúc

Một bộ phận phụ huynh hiện nay đang cảm thấy bức xúc với ngành giáo dục. Họ cho rằng, ban đại diện cha mẹ học sinh là “cánh tay nối dài” của hiệu trưởng khi làm nhiệm vụ thu tiền, làm danh mục chi tiêu không phù hợp. Thậm chí, trong một vài trường hợp, giáo viên cũng trực tiếp thu tiền. Trên các trang mạng xã hội và cả trên mặt báo, dù không phản ánh bản chất của toàn ngành giáo dục nhưng những câu chuyện như trường học thu tiền quá trớn; hiệu trưởng, thầy cô ứng xử không đúng mực với phụ huynh và học sinh; giáo viên lạm dụng tình dục với học trò… càng khiến cộng đồng bức xúc và mất lòng tin vào ngành này. Nỗi bức xúc này dồn lên toàn bộ ngành giáo dục, nên khi xảy ra sự vụ, người ta sẽ đổ cho giáo viên chứ không cần xem xét thấu đáo.

Muốn thay đổi cách nhìn của phụ huynh, trước mắt, ngành giáo dục phải giải quyết việc thu tiền không đúng quy định. Ban đại diện cha mẹ học sinh không nên đụng chạm gì tới chuyện tiền bạc. Chương trình giảng dạy cũng chỉ cần đúng theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, không xếp giờ học tự nguyện vào chính khóa hay thêm bất cứ điều gì. Khi phụ huynh cảm thấy nhà trường không lợi dụng việc giáo dục để thu tiền thì sẽ thấy thoải mái và tin tưởng hơn. 

Ngành giáo dục đang nỗ lực xây dựng trường học hạnh phúc, nhưng làm cho giáo viên hạnh phúc là việc không dễ dàng. Hạnh phúc phải là cảm giác hài lòng trong mọi thời điểm, nhưng làm sao họ hạnh phúc cho được khi họ phải đối diện với quá nhiều áp lực từ chương trình, học sinh, phụ huynh, đời sống và cả cái nhìn của xã hội. Muốn giáo viên hạnh phúc, cần phải đổi mới về mặt thể chế, về luật, tức là thay đổi yêu cầu đối với ngành mà cấp địa phương không thể làm được. Ngay như việc giáo viên không được chọn sách giáo khoa mà phải dạy theo một bộ sách do cấp trên áp đặt cũng khiến họ không hạnh phúc. Về lâu dài, giáo viên đến trường sẽ chỉ cố gắng làm xong nhiệm vụ rồi về với gia đình để được bình yên. Do đó, cần một nghiên cứu thật sâu, một sự đổi mới tận gốc rễ của ngành giáo dục. 

Trong khi chờ đợi điều này, nhà quản lý có thể tạo cho giáo viên một môi trường hạnh phúc hơn bằng cách không yêu cầu thành tích, không đặt ra chỉ tiêu thi đua không thiết thực. Hãy bãi bỏ các yêu cầu như phải có bao nhiêu học sinh đậu tốt nghiệp, bao nhiêu học sinh giỏi… Thầy cô nào cũng muốn học trò mình giỏi, ngoan nên luôn hết lòng vì học sinh mà không cần chỉ tiêu nào. Chỉ khi môi trường làm việc khiến giáo viên có cảm giác thoải mái thì tự nhiên họ sẽ vui, sẽ hạnh phúc. Giáo viên hạnh phúc thì mới làm cho học trò hạnh phúc, nhà trường hạnh phúc.

Tiến sĩ Đinh Phương Duy

Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý, giáo dục TPHCM

Trang Thư - Nguyễn Loan

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI