Công nghệ thông tin thúc đẩy chất lượng dạy học

23/05/2022 - 11:50

PNO - Tận dụng công nghệ để thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong dạy học, nâng cao chất lượng là kỳ vọng khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Chia sẻ tại Tọa đàm Ứng dụng công nghệ thông tin để phát triển năng lực nghề nghiệp giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục do Bộ GD-ĐT tổ chức, cô giáo Dương Thị Hồng Minh - giáo viên trường THCS Văn Minh (huyện Na Rì - Bắc Kạn) cho biết do đặc trưng ở huyện miền núi, nên cô giáo này nhận thấy trình độ năng lực cũng như khả năng ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là thầy cô lớn tuổi rất hạn chế.

Ngoài ra, hệ thống mạng như kết nối interet có những lúc gặp khó khăn nhất định khi đường truyền không ổn định, nhà xa giáo viên phải xuống trường mới thực hiện nhiệm vụ của mình cũng là khó khăn khi ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học.

“Sau khi được tham gia chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (ETEP), tôi nhận thấy năng lực công nghệ thông tin của giáo viên thay đổi rõ rệt. Theo đó, tôi có thể tự tạo trò chơi phần mềm wordwall, cho học sinh tham gia ngoài nộp bài trên nhóm zalo... học sinh của tôi vô cùng hứng thú so với cách dạy truyền thống là đọc chép trước kia”, cô Minh nói.

Cô giáo Hà Ánh Phượng - giáo viên trường THPT Hương Cần (Phú Thọ) ứng dụng công nghệ trong dạy học tạo sự thích thú cho học sinh
Cô giáo Hà Ánh Phượng - giáo viên trường THPT Hương Cần (Phú Thọ) ứng dụng công nghệ trong dạy học tạo sự thích thú cho học sinh

Cô giáo Nguyễn Thị Huệ - Hiệu phó trường THPT Nguyễn Trãi (Thái Bình) cho biết nhà trường đã tập huấn cho giáo viên sử dụng các tính năng sổ tay điện tử nhờ đó mà các nội dung thông báo cho phụ huynh rất kịp thời và truyền tải thông điệp đến học sinh kịp thời nhất.

Ngoài ra, nhà trường còn ứng dụng phần mềm phục vụ, phần mềm dạy học giúp phát huy hiệu quả trong dạy học.

Nói về ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học nhất là sắp tới triển khai chương trình GDPT mới, cô giáo Ngô Thị Thanh Phương - trường THCS Thanh Phong (Bình Định) cho biết khi sử dụng công nghệ công tin vào dạy học, học sinh rất thích thú và thay đổi rõ rệt trong kết quả học tập,.

“Tôi sử dụng các phần mềm tổ chức trò chơi, thí nghiệm ảo, video cho tiết học của mình. Đồng thời dùng công cụ zalo, facebook hỗ trợ giao bài tập cho học sinh, trao đổi với học sinh để các em làm nhiệm vụ tại nhà trước khi đến lớp.

Ngoài ra, công nghệ thông tin còn giúp giáo viên cùng hỗ trợ trong vẽ sơ đồ tư duy tập thể, cho học sinh thực hiện các hoạt động nhóm giúp học sinh hình thành phẩm chất chăm chỉ, năng lực giao tiếp sáng tạo, thích ứng nhanh hơn trong công việc tương lai.

Ngoài ra, khi tôi dùng nhiều phần mềm trong hỗ trợ năng lực đánh giá phẩm chất tư duy, học sinh rất thích vì có thể kiểm tra năng lực ngay trong bài giảng, quan trọng là các em rất hào hứng. Ngoài ra, nhờ công nghệ thông tin giúp cho giáo viên có thể chia sẻ bài giảng trên trang mạng, chia sẻ với nhau cùng nhau nâng cao chất lượng bài giảng”, cô Phương nói.

Khẳng định vai trò của công nghê thông tin trong bồi dưỡng cán bộ giáo viên thúc đẩy chất lượng giáo dục, PGS.TS Trần Xuân Bách - Hiệu trưởng Trường ĐHSP (ĐH Đà Nẵng) cho biết thời gian tới trường này sẽ quy định việc giảng dạy trực tuyến chiếm bao nhiêu phần trăm trong khối lượng công việc của giảng viên.

“Ví dụ như 1 môn học 3 tín chỉ tức là 1 tuần 3 tiết học nhưng giảng viên có thể bố trí lên lớp trực tiếp 2 tiết còn 1 tiết đầu tư dạy học trực tuyến và chúng tôi khuyến khích chiều sâu trong ứng dụng công nghệ thông tin trong bồi dưỡng. Tức là thay vì lên lớp trực tiếp thì có thể xen kẽ dạy học trực tuyến hướng tới hiệu quả cao”, PGS.TS Trần Xuân Bách nói.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 hướng học sinh tới phát huy khả năng của mình, vì thế yêu cầu giáo viên phải tự bồi dưỡng thay đổi đáp ứng yêu cầu dạy của mình để không lạc hậu so với học trò và quan trọng là góp phần cải thiện chất lượng dạy học.

Hoàng Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI