Đập Tam Hiệp mối họa treo trên đầu 400 triệu người

01/07/2020 - 06:36

PNO - Biến đổi khí hậu cùng hệ thống thủy điện tràn lan ở Trung Quốc càng góp phần khiến thiên tai vượt quá tầm kiểm soát của con người.

Lưu vực sông Dương Tử tập trung hơn 400 triệu người sinh sống, đóng góp gần một nửa sản lượng lương thực của Trung Quốc. Do đó, đập Tam Hiệp khổng lồ nằm ở cuối thượng nguồn sông Dương Tử vừa đem lại lợi ích nhiều mặt nhưng cũng vừa là mối đe dọa cho hàng triệu dân.

Công trình khổng lồ gây nhiều tranh cãi

Sông Dương Tử - con sông dài nhất Trung Quốc - bắt nguồn từ dãy Tanggula của tỉnh Thanh Hải ở phía tây Trung Quốc và dài khoảng 6.380km, chảy qua 11 tỉnh rồi đổ ra biển Hoa Đông. Đập Tam Hiệp (TGD), nằm ở gần cuối thượng nguồn sông Dương Tử, thuộc địa phận H.Nghi Xương, tỉnh Hồ Bắc, hiện là dự án thủy điện có công suất lắp đặt lớn nhất thế giới với nhiều chức năng như kiểm soát lũ lụt, sản xuất thủy điện và giảm trầm tích. Khi mực nước đập chạm ngưỡng công suất mong muốn, nó có thể giữ 39,3 tỷ m3 nước, khả năng kiểm soát lũ lên tới 22,15 tỷ m3.

Cửa xả đập Tam Hiệp hoạt động với công suất tối đa vào sáng 29/6 - Ảnh: China Daily
Cửa xả đập Tam Hiệp hoạt động với công suất tối đa vào sáng 29/6 - Ảnh: China Daily

Ý tưởng xây dựng đập xuất hiện từ những năm 1920 khi nhà chính trị Tôn Dật Tiên đề xuất kế hoạch kiểm soát lũ sông Dương Tử và thể hiện sức mạnh mới của Trung Quốc. Con đập hoàn thành năm 2012 với chiều dài 2.335m, cao 182m cùng 34 máy phát điện khổng lồ. Trong quá trình này, dự án từng vấp phải sự phản đối từ Quốc hội bởi chính phủ Trung Quốc phải di dời 1,2 triệu người, bỏ 140 thị trấn, 13 thành phố và 1.600 di tích với khoản kinh phí lên đến 37 tỷ USD, kèm theo đó là các mặt trái như ô nhiễm môi trường, tham nhũng, quan liêu làm chậm tiến độ dự án, gây khó khăn cho người dân địa phương.

Con đập có thể vỡ do mưa lũ?

Những trận mưa lớn trong vài tuần qua buộc 24 tỉnh và thành phố ở phía tây nam và miền trung Trung Quốc tuyên bố tình trạng thảm họa thiên nhiên, đặc biệt là các khu vực gần thượng nguồn sông Dương Tử và đập Tam Hiệp. Theo trang Asia Times Financial, đây là trận lụt lớn nhất kể từ năm 1949 và đã phần nào gây ra vấn đề lớn cho con đập.

Zhang Shuguang - Giám đốc Cục Quản lý trung tâm của Tập đoàn Tam Hiệp - nhận xét: “Các biện pháp kiểm soát lũ cho toàn bộ lưu vực sông Dương Tử không thể phụ thuộc hoàn toàn vào con đập”. Theo truyền thông Trung Quốc, mực nước ở hồ chứa đập Tam Hiệp đã cao hơn mức cảnh báo lũ khoảng 2m từ ngày 20/6.

Chính phủ Trung Quốc sau đó đã đưa ra động thái trấn an dư luận, khi tờ Thời Báo Hoàn Cầu dẫn lời các chuyên gia, bác bỏ "tin đồn bị thổi phồng bởi một số phương tiện truyền thông phương Tây", rằng đập Tam Hiệp có nguy cơ sụp đổ. Bài viết ghi: "Con đập còn nguyên vẹn và có đủ khả năng lưu giữ một phần lượng mưa lớn đổ xuống khu vực phía nam Trung Quốc, mực nước hồ chứa Tam Hiệp hiện chỉ vượt quá giới hạn xả lũ".

Ngược lại, trang Taiwan News dẫn lời chuyên gia khoa học thủy văn gốc Hoa đang sống tại Đức - Wang Weiluo - tiết lộ, các công đoạn thiết kế, thi công, kiểm định chất lượng của đập Tam Hiệp được thực hiện bởi cùng một nhóm phụ trách trong thời gian ngắn và con đập đã có nhiều vết nứt, phần bê tông và kết cấu thép cũng không đạt tiêu chuẩn. Năm 2019, ảnh vệ tinh của Google Maps cho thấy, đập có dấu hiệu bị cong, làm dấy lên nghi vấn chính phủ và truyền thông Trung Quốc cố tình che giấu vấn đề an toàn của đập Tam Hiệp.

Thủy điện của Trung Quốc thiếu tính bền vững

Hôm 29/6, chính quyền Trung Quốc thừa nhận việc xả lũ từ đập Tam Hiệp góp phần gây nên tình trạng ngập lụt ở các thành phố hạ lưu. Vào lúc 8g ngày 29/6, 34 máy phát điện của đập đã hoạt động gần hết công suất. Đồng thời, theo dự báo, sẽ tiếp tục có mưa vừa và to gần các nhánh của thượng nguồn sông Dương Tử vào hai ngày 1-2/7. 

Theo trang China.org, lũ lụt đã ảnh hưởng đến 12 triệu người, với 729.000 người phải sơ tán, 78 người thiệt mạng hoặc mất tích. Ước tính, có 8.000 ngôi nhà đã bị phá hủy ở 13 tỉnh với tổng thiệt hại hơn 3,7 tỷ USD. 

Lũ lụt ở Trung Quốc không phải hiếm, chẳng hạn như vào năm 1998, lũ trên sông Dương Tử khiến hơn 3.000 người thiệt mạng và khoảng 14 triệu người rời bỏ nhà cửa, chủ yếu tại khu vực thành phố Vũ Hán. Theo các chuyên gia, biến đổi khí hậu cùng hệ thống thủy điện tràn lan ở Trung Quốc càng góp phần khiến thiên tai vượt quá tầm kiểm soát của con người.

Cuối năm 2019, tờ Nikkei Asian Review đăng tải bình luận của chiến lược gia địa lý - giáo sư Brahma Chellaney (Ấn Độ) - chỉ rõ rằng, Bắc Kinh đang sử dụng hệ thống đập thủy điện ở thượng nguồn làm “yêu sách” đối với an ninh nguồn nước trong khu vực. Tại tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), lượng thủy điện dư thừa cao gấp đôi tổng tiêu thụ điện của toàn Thái Lan. Dù vậy, vào mùa hạn mặn năm 2019-2020, Trung Quốc vẫn trữ nước ở các đập thủy điện trên sông Lan Thương, thượng nguồn sông Mê Kông tại tỉnh Vân Nam, bất chấp sự phản đối từ các quốc gia phía hạ lưu như Thái Lan, Campuchia, Lào, Việt Nam.

 Tấn Vĩ (tổng hợp)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI