Dân "dàn trận" chống sa tặc, chính quyền ở đâu?

12/05/2020 - 11:15

PNO - Hết cảnh đổ máu, dàn trận cọc tre chống sa tặc ở thượng nguồn sông Bồ, giờ đến lượt người dân ở hạ nguồn phải bước chân vào cuộc chiến này.

Cướp cát trên sông Bồ

Tôi vẫn còn nhớ như in hình ảnh những lão nông ở xã Phong Sơn huyện Phong Điền và phường Hương Vân thị xã Hương Trà (Thừa Thiên - Huế), vào những ngày đầu tháng 5/2019, giữa trưa nắng cháy da vẫn lội sông Bồ cùng trai làng lập trận địa tre để phản đối Công ty TNHH Tuấn Hải ngày đêm hút cát khiến bờ sông Bồ sạt lở trầm trọng. Sau gần 10 lần đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế với người dân xã Phong Sơn và phường Hương Vân, trận địa cọc tre giữa sông Bồ đã được tháo ra trong tiếng vỗ tay hoan hô của bà con hai địa phương này.

Thời điểm doanh nghiệp Tuấn Hải cho tập trung thuyền hút cát thượng nguồn sông Bồ vào tháng 5/2019
Doanh nghiệp Tuấn Hải cho tập trung thuyền hút cát thượng nguồn sông Bồ vào đầu tháng 5/2019

"Máu cũng đã đổ vì sự yên bình của dòng sông. Đời nào cha ông mình ở đây cũng lo trồng tre, giữ đất, giữ làng vì sợ dòng sông nuốt. Cũng may mà đuổi được bọn nó đi mình còn giữ đất này, hai bên bờ sông đã bớt sạt lở hơn. Không thì tan nát cả rồi" - lão nông Nguyễn Văn Ánh  nói.

Người dân lập trận địa cọc tre chống sa tặc vào đầu tháng 5/2019 ở thượng nguồn sông Bồ
Trận địa cọc tre chống sa tặc do dân lập ra vào đầu tháng 5/2019 ở thượng nguồn sông Bồ

Cứ tưởng một năm sau câu chuyện của ông Ánh, dòng sông Bồ sẽ được yên ả, nhưng nay một lần nữa, người dân lại phải tự đứng lên chống sa tặc. Lần này, cồn Nổi, nơi có trữ lượng cát nhiều nhất đoạn sông Bồ chạy qua làng Thanh Lương 2 trở thành miếng mồi của sa tặc. 

Đêm 9/4/2020 người dân phường Hương Xuân (thị xã Hương Trà) phát hiện sà lan hút cát trộm thì 'sa tặc tìm mọi cách nhấn chìm sà lan xuống sông - Ảnh:V.N
Đêm 9/4/2020 người dân phường Hương Xuân (thị xã Hương Trà) phát hiện sà lan hút cát trộm thì sa tặc tìm mọi cách nhấn chìm sà lan xuống sông - Ảnh:V.N

Giờ đây, hàng đêm, người dân nơi đây phải thay phiên nhau thức truy đuổi sa tặc, bảo vệ sự bình yên của dòng sông, trong khi đáng lẽ việc này là của những cơ quan chính quyền. Thức trắng mấy đêm liền, cuối cùng, đêm 9/4, người dân nơi đây cũng túm được một sa tặc nhưng rồi đành bất lực nhìn chúng nhấn chìm chiếc sà lan, bỏ trốn. Không còn cách nào, một lần nữa, cọc tre lại mọc lên, bãi cọc nối từ phía bờ thuộc tổ dân phố Thanh Lương 2 qua cồn Nổi - nơi canh tác rau màu của người dân hiện đã bị sạt lở hơn 10ha do nạn khai thác cát trái phép. Người ít tiền góp vài chục ngàn, người khá hơn góp vài trăm, người không tiền góp bánh mì hoặc vài chục cây tre.  

Một đoạn sông Bồ sạt lở ăn sau vào đất liền do sa tặc lộng hành hút trộm cát
Một đoạn sông Bồ sạt lở ăn sâu vào đất liền do sa tặc lộng hành 

"Khúc sông chảy ngang qua phường Hương Xuân trước đây chỉ rộng khoảng 50m. Bây giờ, sa tặc đã nới rộng lòng sông lên hơn cả 100m. Tính ra người dân nơi đây đã mất hàng ngàn mét đất do sa tặc" - ông Phan Huy Mân, người dân làng Thanh Lương 2, bức xúc.

Người dân làng Thanh Lương 2 đồng tâm hợp lực làm cầu tre chống sa tặc  hôm 30/4
Khi chính quyền bất lực dân phải tự đứng ra cứu mình

Chính quyền còn tính đến bao giờ? 

Trước đây, huyện Quảng Điền đã đầu tư 13 tỷ đồng xây bờ kè đoạn chảy qua thôn Hạ Lang, xã Quảng Phú. Với tình hình hiện nay, nếu không ngăn chặn kịp thì việc Quảng Điền mất cả tuyến đường ven sông Bồ, tiền ngân sách đổ xuống sông chỉ còn là thời gian. 

Người dân bức xúc vào cuộc đã không ít lần bị những đối tượng này dằn mặt. Thậm chí có lần, cán bộ huyện đến khảo sát tình hình sạt lở và trao đổi với một số người dân quanh khu vực, lập tức nhà của họ bị một số đối tượng ném đá, khiến đồ đạc bị hư hại, rất may không ai bị thương.

Nói về biện pháp xử lý, Công an thị xã Hương Trà cho rằng, từ đầu năm đến nay đã xử lý hơn 20 vụ khai thác cát trái phép, trong đó riêng đoạn sông đi qua làng Thanh Lương 2 đã xử lý 9 vụ.

Còn theo thượng tá Nguyễn Văn Cường - Trưởng Công an huyện Quảng Điền - các lực lượng chức năng đã lập đoàn liên ngành kiểm tra, đẩy đuổi sa tặc theo kế hoạch 1 tuần 3 lần. Chỉ trong quý I/2020, lực lượng triển khai 45 đợt tuần tra, xử lý 14 vụ khai thác cát sỏi trái phép trên sông Bồ.

Đối với ông Thảo, Bí thư kiêm chủ tịch phường Hương Xuân, Có lẽ cả cuộc đời làm lãnh đạo tại địa phương, tôi sẽ không quên được giây phút nàyNgười dân "dàn trận" cọc tre chống sa tặc

 

Lực lượng công an đến hiện trường kiểm tra vụ trục vớt sà lan do sa  tặc bỏ trốn
Lực lượng công an đến hiện trường kiểm tra vụ trục vớt sà lan do sa tặc bỏ trốn trên sông Bồ, đoạn chảy qua địa bàn phường Hương Xuân

Xử lý rồi sao sa tặc vẫn hoành hành? Ông Hà Văn Tuấn - Chủ tịch UBND thị xã Hương Trà (Thừa Thiên - Huế) - nói: "Việc khai thác cát trái phép trên sông Bồ đã tồn tại từ bao đời nay rồi". Và, ông Tuấn tiếp tục câu chuyện: "Chúng tôi đang rất ráo riết xử lý chuyện này".

Theo ông Tuấn, thị xã thường xuyên chỉ đạo công an tăng cường tuần tra, truy quét xử lý theo pháp luật, trong hai tháng vừa rồi đã bắt 9 vụ khai thác cát trái phép. Tuy nhiên việc giải quyết triệt để tình trạng sa tặc trên sông Bồ hiện gặp rất nhiều khó khăn do sông Bồ chảy qua và giáp ranh nhiều huyện. Trong khi phương tiện để lực lượng công an thị xã đi truy bắt rất hạn chế vì ca nô chỉ được vài chiếc, chủ yếu truy bắt, xua đuổi từ phía trên bờ. 

Cầu tre nối từ thôn Thanh Lương 2 sang khi cực cầu Nổi
Cầu tre nối từ thôn Thanh Lương 2 sang khu vực cồn Nổi

Trao đổi với phóng viên Báo Phụ nữ TPHCM, ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho rằng, từ lâu tỉnh đã có văn bản giao cho công an, lãnh đạo các thị xã, huyện có thẩm quyền xử lý các hành vi khai thác cát sỏi trái phép trên sông Bồ và các sông khác thuộc địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế. Tuy nhiên các địa phương vẫn chưa triệt để, đêm khuya vẫn còn một số thuyền đến khai thác cát lén lút.

Để giải quyết dứt điểm nạn sa tặc, theo ông Thọ vẫn là chính quyền địa phương và công an vào cuộc xử lý. Tỉnh đã chỉ đạo phải xử lý nghiêm những trường hợp này. Vừa rồi tỉnh đã ban hành rất nhiều cơ chế, quy định để xử lý sa tặc. Thời gian tới, sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền, ráo riết tuần tra, kiểm soát. Nếu phát hiện trường hợp nào khai thác cát trái phép có biểu hiện chống đối, đánh người dân hoặc không tuân thủ các quy định của pháp luật sẽ xem xét khởi tố hình sự.

Ban hành rất nhiều cơ chế, văn bản, chỉ đạo... nhưng lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế có hậu kiểm những công việc mình đã chỉ đạo? Chẳng lẽ cả bộ máy chính quyền tỉnh Thừa Thiên - Huế lại bất lực, để người dân phải đóng cọc tre, dàn trận chống sa tặc như chống giặc? Phải chờ đến khi người dân và sa tặc đụng độ, đổ máu thì cuộc chiến này mới có thể chấm dứt? 

Thuận Hóa

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(5)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI