Đàn bà ước gì? Câu trả lời thường ít dành cho mình mà dành cả cho chồng con

25/09/2016 - 06:30

PNO - Hỏi một người đàn bà ước gì, câu trả lời thường rất ít khi dành cho mình, mà dành cho con, cho chồng.

Trong nghìn trùng những kêu gào phụ nữ hãy biết yêu bản thân mình trước khi yêu người, đa số phụ nữ sau những chòng chành, lại quyết định chọn cho mình sự an nhiên, vui vẻ. Nghĩa là chọn yêu người, chọn “ở nhà nấu cơm vì chồng, vì con".

Những quyết định bất ngờ

Chị Mai Hoa (P.Phú Thuận, Q.7, TP.HCM) nói rằng, phải bằng một cách nào đó biến người đàn ông của mình thành người phụ thuộc mình, thì mình vĩnh viễn giữ được người đó. Chỉ có một cách duy nhất là ở nhà nấu cơm, chăm con, phụng dưỡng ba mẹ chồng.

Không có mình, những người chồng ấy tìm đâu ra cho được mái ấm. Phụ nữ chúng mình sẽ cho các ông ấy một mái ấm, chăm con cho các ông ấy. Nấu những bữa ngon, nóng sốt.

Câu chuyện liên quan đến quyết định ở nhà của chị, cũng mang đậm màu sắc của sự can đảm. Đang làm trưởng phòng kinh doanh của một công ty xuất nhập khẩu thì chị có thai con thứ hai, mẹ chồng đột quỵ phải nằm một chỗ. Tới lui tính toán, chị bàn với chồng là chị sẽ ở nhà.

Chuyện chị Hoa ở nhà nội trợ gây... rúng động công ty, choáng váng bạn bè và cha mẹ. Con người hừng hực khí thế công việc đó, khó mà hình dung được lại có ngày rút lui hết sức nhẹ nhàng.

Dan ba uoc gi? Cau tra loi thuong it danh cho minh ma danh ca cho chong con

“Ở nhà quản lý gia đình mà”, lời bông đùa của chị Phi Giao (P.Bình Hưng Hòa, Q.Bình Tân, TP.HCM) khi đứng lên giới thiệu công việc mình đang làm, trong buổi họp lớp khiến không khí như giãn ra. Câu chuyện của cả lớp hôm ấy tự dưng chuyển sang đề tài ở nhà hay tiếp tục đi làm, khi gia đình đang cần mình.

Chị Giao nói, chẳng ai dễ dàng gì tự nhiên biến mình thành người lệ thuộc, nhất là lệ thuộc tiền nong. Nhưng, chúng mình, những người phụ nữ thông minh, luôn luôn biết đặt cái gì quan trọng lên hàng đầu.

Biết bao câu chuyện trên báo hàng ngày viết về hậu quả của việc con thiếu sự quan tâm chăm sóc của ba mẹ và những bi kịch gia đình liên quan đến vấn đề này. Phải chăm con và kề cận với con, chị Giao chỉ nghĩ đến câu nói này khi quyết định lui về cùng xoong nồi chén dĩa…

Đồng nghiệp cũ làm chung ngân hàng ngày xưa ai cũng thảng thốt khi nghe chuyện H. (Phú Mỹ Hưng, Q.7, TP.HCM) cắt cổ tay tự vẫn. Xinh xắn, lại là nhân viên phục vụ quầy VIP của chi nhánh, H. có điều kiện tiếp xúc với nhiều “đại gia”. Ngày H. lấy chồng, bao người thầm ghen tị, vì nhà đó “có điều kiện” quá.

H. nghỉ việc, lùi vào căn biệt thự lộng lẫy sống đời an nhàn và làm một bà nội trợ cấp cao. Mỗi ngày, facebook cô ấy tràn ngập hình ảnh xa hoa. Cái đồng hồ hàng hiệu “quà của chồng yêu”. Chiếc xe sang “nhân dịp một năm nhìn thấy nhau lần đầu”. Chuyến du lịch sang Venice “nhân sinh nhật”… Có dịp gặp nhau, mọi người lại mang H. ra bàn tán về “số hưởng” và thầm ước mong đời mình sẽ gặp duyên lành như thế.

Trong đám tang H., thật ngạc nhiên khi biết H. trầm cảm từ rất lâu rồi. Cô hầu như tuyệt giao với bạn bè, với xã hội, suốt ngày ở nhà. Chồng cô đi suốt. Bữa cơm nào cũng lạnh tanh, mình H. lủi thủi.

Nhà lại gắn camera, đi đâu chồng cũng gọi hỏi hạch sách. Nhưng bản thân anh ta lại công khai có người phụ nữ khác. Sau khi hư thai đứa con đầu lòng khi phát hiện chồng đưa “cô bồ” trẻ măng về nhà, H. trở nên trầm cảm.

Facebook là kênh duy nhất cho H. cảm giác mình đang sống sung sướng, giàu có và bình an. Lớp bọc ngoài hào nhoáng đó, thật khó để bước ra và sống lại như xưa. Mẹ H. khóc ngất khi nhìn các đồng nghiệp cũ của H.: “Bác đã không hiểu con mình, chỉ thấy rằng không vất vả áo cơm đã là hạnh phúc, bác luôn khuyên H. cố gắng sống khi H. nói về việc ly hôn…”.

Đôi khi, sự thật phía sau những sang trọng, náo nhiệt luôn làm người ta bàng hoàng. H. ra đi để người ở lại bao đớn đau, day dứt và cả những bàng hoàng và cả câu hỏi: Người nội trợ cần hay không khả năng ngẩng cao đầu?

Nấu cơm và sự kiêu hãnh

Ở nhà quản lý gia đình thực ra là câu trả lời của những người đàn bà thông minh. Họ yêu công việc và lựa chọn của mình. Họ lấy mâm cơm phối các món nhịp nhàng và bắt mắt làm điểm tựa cảm xúc của mình. Nhìn những đứa con lớn lên, ngoan hiền, mạnh khỏe là động lực đi tới của mình.

Họ không mang hình ảnh những người phụ nữ ở nhà quần quật với công việc, bị phụ thuộc và chẳng bao giờ dám lên tiếng trong nhà. Chị Hoa, chị Giao thích thú với công việc mình đang làm và được chồng ủng hộ, biết ơn.

Ở nhà nấu cơm là những ngày hạnh phúc - chị Mai Hoa chia sẻ. Đó là những trải nghiệm tuyệt vời khi được làm phụ nữ. Sao mình không tự nghĩ rằng, mình ở nhà quản lý gia đình, chứ không phải là “ô sin” như các chị vẫn thường hay mang ra dè bỉu công việc hàng ngày của mình.

Xác định điều gì mới chính trong cuộc sống và mục đích sống của mình. Ở nhà không có nghĩa là thụt lùi, là lạc hậu với bên ngoài xã hội và trở thành một người đàn bà nhàu nhĩ. Sắp xếp việc cơm nước và chăm sóc con hợp lý, dành cho mình thời gian để thảnh thơi. Đừng bao giờ tròng vào mình hai chữ trách nhiệm và hy sinh to tát, mọi thứ phải nhẹ nhàng và thấy vui với quyết định của mình.

Nhìn chị Phi Giao đi chợ tóc cột cao, nói cười vui vẻ, tờ báo nằm gọn trong giỏ, mới biết chị an ổn biết bao với công việc của mình. Hẳn đời sống của chị vẫn phong phú, hẳn chị đã không bỏ lỡ những cơ hội lớn trong đời.

Chị cười tíu tít “hôm nay nấu hủ tíu mực, ông xã thích món này lắm”. Thấy sự kiêu hãnh và tự hào ánh lên trong khóe mắt. Giữ được không khí vui tươi, ấm áp trong nhà, với người phụ nữ, có lẽ là điều đáng tự hào nhất.

Nhà văn Tâm Phan, trong một chia sẻ về việc quyết định ở nhà nội trợ, bảo rằng: “Trước đó tôi đi làm 100%, gia đình liểng xiểng, con gửi người ta nuôi, không có một bữa cơm tử tế. Vợ chồng đi làm về, ai cũng mệt, không có thời gian giao tiếp, nói chuyện, tâm sự với nhau. Tôi đã quyết định nghỉ việc ngay trong buổi họp đề bạt tôi lên làm trưởng phòng và tăng lương.

Tôi bỏ hết để về xây dựng mái ấm gia đình của tôi. Đó mới là mục đích sống, hạnh phúc của tôi. Hiện giờ tôi có tất cả những gì mình mong muốn. Chồng tôi cũng vô cùng hạnh phúc và anh không muốn tôi đi làm nữa. Một mình anh kiếm tiền đủ rồi. Cái chúng tôi cần không phải là tiền”. Vậy đó, sao bạn không ngẩng cao đầu với công việc của mình, việc… ở nhà nấu cơm.

Đừng bó mình trong nhà và tự hào

Chuyện phụ nữ ở nhà chăm gia đình, chăm chồng chăm con sẽ còn được nói nhiều lắm, nhưng với quan điểm của một người làm trong lĩnh vực tâm lý, sức khỏe tâm thần, tôi nhấn mạnh đến tầm quan trọng của sự khỏe mạnh của mỗi cá nhân. Ở đây điều quan trọng mục đích sống của từng người là gì?

Nếu chị em nghĩ rằng mục đích của mình là có chồng, có gia đình là đủ, thì lựa chọn ở nhà nấu cơm là hợp lý. Nhưng nếu mục đích sống là phát triển tối đa năng lực bản thân và phục vụ cho sự phát triển xã hội thì ở nhà là một quyết định “đau thương”. Điều nào cho thấy mình hạnh phúc hay hài lòng mới là tiêu chí đánh giá.

Nếu các chị ở nhà nấu cơm và chăm lo gia đình và cảm thấy hạnh phúc thì không có gì để bàn, nhưng nếu thấy mình ở nhà mà ngày nào cũng lo lắng chồng ra ngoài, ngày nào cũng thấy buồn bực vì con cái không theo sự sắp đặt của mình thì cũng hỏng.

Ngược lại, nếu các chị em không chăm lo gia đình, bỏ bê con cái thì cần tính lại. Một là trong gia đình, trong mối quan hệ vợ chồng đã không có sự hợp tác trong việc chăm lo cho con cái và gia đình.

Thứ hai là các chị em đã làm việc quá sức, phân bố thời gian không hợp lý nên gây ra những hệ quả. Dù sao chị em cũng cần đặt lại vấn đề về triết lý của cuộc sống hôn nhân, ở đó không có chuyện chồng thì ra ngoài kiếm tiền, còn vợ thì phải lo bếp núc và dạy dỗ con. Cả hai việc đó đều là do phân công nhau chứ không phải mặc nhiên là việc của ai.

Nếu con hư thì là do cả bố và mẹ chứ không phải là do bà mẹ. Cũng cần tính tới những nguy hiểm của việc ở nhà khi mà người mẹ rất dễ “ôm chặt” đứa con trong tay, làm cho đứa trẻ mãi bé bỏng, không sao thoát khỏi bóng của mẹ.

Bất kỳ ai khỏe mạnh cũng cần những mối quan hệ xã hội rộng lớn hơn quan hệ gia đình, dù ít dù nhiều, nên đừng bó mình ở trong một ngôi nhà và tự hào về điều đó, như kiểu tôi đang giữ một gia đình đây.

 Ngô Minh Uy -chuyên gia tâm lý (Trung tâm Tâm lý chuyên nghiệp WE Link) 

Lan Khôi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI