Đàn bà, một đời đan lưới

03/02/2022 - 06:36

PNO - Phụ nữ lèo lái gia đình bằng bản năng và sự thích ứng mềm mỏng của họ, bởi họ chính là gia đình, hay nói cách khác, gia đình là một phần sự sống của họ.

 

Huyền thoại và siêu anh hùng

Nếu có mặt ở thời hiện tại, Adam hẳn bất ngờ đến choáng váng với những Eva ngày hôm nay. Chiếc xương sườn thứ bảy bây giờ không chỉ là nguồn an ủi, là tình yêu giúp người đàn ông vượt qua nỗi cô đơn ngay cả khi được sống giữa địa đàng. Bút mực, phim ảnh không thể kể hết những gì chiếc xương ấy đã làm được.

Cứ thử lấy bất kỳ ví dụ nào, đơn giản như việc sống chung hòa thuận với mẹ chồng - hồi đó Eva vốn không hề được giao trách nhiệm này, nàng không thể hình dung nó phức tạp tới mức nào, thế nhưng bây giờ, hậu duệ của nàng đã không còn bị làm khó nữa. Xa hơn, họ đang tiến bước nhanh, mạnh đến không ngờ.

Anh Nhật Văn, một kỹ sư phần mềm, dành rất nhiều thời gian định hướng cho cô con gái duy nhất chọn học ngành kỹ thuật, để trở thành một kỹ sư máy tính như ba. Anh nghĩ, điều cơ bản quyết định thành công của nữ giới trong ngành này là bản chất đa nhiệm của phụ nữ. 

Trở thành đàn bà là làm quen và giải quyết cả ngàn thứ việc lớn nhỏ khác nhau, từ việc nhà, chăm sóc gia đình, nuôi dạy con cái, cho tới học hành, nghề nghiệp và làm việc xã hội. Phụ nữ trưởng thành qua một quá trình giải quyết nhiều nhiệm vụ cùng lúc, nhiệm vụ nào cũng đòi hỏi phải xong ngay, phải hoàn hảo - những kỳ vọng mà con người đặt ra cho máy tính, nhưng chưa có máy tính nào đáp ứng được, bởi những kỳ vọng này quá phức tạp và liên tục thay đổi.

Vợ chồng Nhật Văn không phải là những người duy nhất nuôi dạy con gái mình theo cách đó. Không biết họ có khi nào nghĩ mình đang biến con gái thành một siêu anh hùng hay không? Một cô gái thông minh, giỏi nghề nghiệp chuyên môn, được xã hội tôn trọng, một phụ nữ hạnh phúc, lập gia đình và sinh cháu cho ông bà. Chưa nói đến việc cô còn phải hoàn thành những ước mơ nào đó mà cha mẹ mình từng bỏ lỡ…

Khả năng đa nhiệm gần như vô tận của phụ nữ đang dần trở thành một kiểu huyền thoại hiện đại. Đại dịch COVID-19 làm cho huyền thoại này rõ nét hơn. Trong khó khăn, đàn bà vốn bền bỉ, chịu đựng tốt hơn đàn ông, họ nhín bớt chi tiêu, đắp đổi bằng sự hy sinh của mình để đùm bọc người thân. Như một lý do khách quan, phụ nữ là nhóm mất việc làm đầu tiên trong đại dịch. Chấp nhận chuyện mất việc làm, nhiều phụ nữ tìm ý nghĩa của cuộc sống trong việc nhà, chăm sóc con cái.

Cũng chính họ, khi có thể, sẽ trở lại với công việc ngoài xã hội. Phụ nữ lèo lái gia đình bằng bản năng và sự thích ứng mềm mỏng của họ, bởi họ chính là gia đình, hay nói cách khác, gia đình là một phần sự sống của họ. 

Gia đình, tình yêi tương chính là cuộc đời của đàn bà (Ảnh minh họa)
Gia đình, tình yêu thương chính là một phần sự sống của đàn bà (Ảnh minh họa)

Em đã đan cuộc đời mình vào đó

Người ta không sinh ra là đàn bà, người ta trở thành đàn bà - câu nói nổi tiếng của Simone de Beauvoir không chỉ truyền cảm hứng nữ quyền, nó còn chỉ ra cách xã hội tạo nên một người phụ nữ, và lý giải tại sao gia đình được trao vào tay người phụ nữ với niềm tin rằng họ sẽ gìn giữ nó như một bản năng, một thiên chức. 

Các nhà xã hội học nhận xét việc nhà của phụ nữ cũng là một dạng gắn kết. Phụ nữ yêu quý, nâng niu những gì tự mình đã vun vén, chăm sóc mỗi ngày trong đời. Khi con cái ra đời và cần chăm sóc, người mẹ có thể không do dự bỏ việc làm có lương, tập trung việc nhà, nuôi con, đưa đón con đi học.

Một lần con ốm, con mọc răng, con tập đi rồi con dậy thì… đều là những mối gắn bó máu thịt với người phụ nữ. Kinh tế với họ là một kiểu vì con: để nuôi con, để dành cho tương lai của con.

Người đàn bà gắn bó với người cha của những đứa trẻ sâu hơn, nhiều hơn là gắn bó với người đàn ông họ yêu khi còn trẻ. Quan hệ họ hàng cũng thắt chặt cuộc đời người phụ nữ vào gia đình.

Cứ vậy, phụ nữ đan đời mình vào gia đình, mỗi một mắt lưới đều là xương là thịt, là khí huyết, tâm tư, tình cảm. Họ hòa làm một vào gia đình của mình. Mỗi phần trong gia đình đều là máu thịt, vậy nên họ rất khó rời bỏ nó. Ngay cả khi kiếm được nhiều tiền hơn chồng hoặc thành đạt trong công việc, ưu tiên của phụ nữ vẫn là củng cố gia đình, dành cho con, cho cha mẹ, hơn là hưởng thụ. 

Tấm lưới ấy là một dạng sức mạnh mềm gìn giữ gia đình. Phụ nữ trả giá cho nó, nên thời gian của họ trong công việc và giải trí ngắn lại, họ phải nỗ lực nhiều hơn. 
Tấm lưới ấy cũng là một ràng buộc: Nếu gia đình tan rã, phụ nữ mất nhiều năng lượng hơn để gỡ mình ra, họ cũng dễ bị thiệt thòi hơn, dễ bị nghèo đi sau ly hôn.

Các nhà tư vấn hôn nhân mãi đương đầu với những cuộc hôn nhân bi kịch mà phụ nữ không chịu chấm dứt, hỏi mãi tại sao hôn nhân đã vào ngõ cụt mà phụ nữ vẫn không quyết đường ai nấy đi - đây chính là một phần quan trọng của câu trả lời. 

Có phải đó cũng là may mắn của phụ nữ? May vì gia đình đã được đan bện bằng thể xác và tâm hồn của người đàn bà. Dễ thấy là trong những gia đình đã mất đi trụ cột nam giới, phụ nữ vẫn có thể cáng đáng mưu sinh, nuôi con ăn học.

Thấy để hiểu rằng trong những gia đình đủ vợ đủ chồng, bên cạnh trụ cột là người đàn ông, còn có một dạng trụ cột mềm, một tấm lưới bền chặt đan bằng đời người phụ nữ. Một khi đã đan cuộc đời mình vào đó, họ không dễ xé, không dễ buông. Đàn bà mà đã buông là nát tan, đó là điều chắc chắn!

Ảnh minh họa
Đàn bà khi đã buông là nát tan - đấy là điều chắc chắn (Ảnh minh họa)

Hạnh phúc đời cột kèo

Trong tổng hạnh phúc của một người đàn bà, có bao nhiêu phần là hạnh phúc gia đình? Bao nhiêu phần là những hạnh phúc khác? Trả lời câu hỏi này khó lắm, vì đau đớn lắm mới thành thật được. Lâu lâu âm thầm tự tính, thấy hầu như mọi hạnh phúc của mình đều là từ gia đình. Đó là lý do để vui, để yêu thương nhiều hơn, cũng là lý do để sợ hãi nhiều hơn. 

Thỉnh thoảng, chị em muốn vùng lên nắm lấy quyền tự chủ, giành lấy vai trò trụ cột trong gia đình. Nghĩ cho cùng, đó là một lần lo lắng, một lần hoảng hốt sợ rằng mọi thứ mình yêu thương sẽ tuột khỏi tay mình. Đó hoàn toàn không phải là cuộc đảo chính gì ghê gớm. Khi cơn lo lắng qua đi, chẳng người đàn bà nào muốn đứng mũi chịu sào.

Hạnh phúc là sự chủ động trong cuộc sống, là được sống đúng với bản thân mình, theo chọn lựa của mình. Khi không có lựa chọn nào khác, khi hôn nhân đổ vỡ, đàn bà phải gánh vác thì đành đi một nhẽ, còn lúc bình thường, phụ nữ có niềm hạnh phúc được nương tựa, được chở che. Muốn được bình đẳng thật, nhưng chẳng mấy chị em muốn làm trụ cột gia đình. Bị đặt dưới gánh nặng ấy chẳng phải là điều sung sướng gì. Dù biết mình vẫn có thể, nhưng xin nhường cho cánh đàn ông cái vai trò ấy. Chẳng quá khi nói đàn ông là trụ cột gia đình, đa phần là do… đàn bà muốn vậy, chọn vậy. 

Hạnh phúc cũng là được đặt gánh xuống khi mình mệt mỏi, được san sẻ bớt khi mình quá tải. Sự sẵn lòng chia sẻ của người đàn ông trong gia đình là những lần đổi vai để hiểu nhau, để chia sẻ hạnh phúc cùng nhau. Nhà có cột kèo thì cả cột cả kèo đều phải được hạnh phúc cùng nhau, dù cho hạnh phúc của cột không hẳn giống y chang hạnh phúc của kèo.

Nhìn từ góc ấy, thấy yên ổn hơn, an vui hơn khi phụ nữ ngày càng thành công trong nhiều lĩnh vực. Trong sâu thẳm, bản chất và thiên tính của họ đảm bảo đôi tay ấy vẫn nâng niu gia đình như báu vật lớn nhất mà họ có trong đời. 

Hoàng Mai

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI