Đại dịch COVID-19 tạo cơ hội cho tiền điện tử phát triển

05/10/2020 - 07:09

PNO - Đại dịch COVID-19 góp phần làm phát lộ một số vấn đề về cơ sở hạ tầng kinh tế toàn cầu, trong đó bao gồm tiền tệ. Đồng thời, giao dịch bằng thương mại điện tử tăng cao cũng là động lực thúc đẩy các loại tiền ảo phát triển.

Các loại tiền điện tử có cơ hội phát triển khi người dân hạn chế sử dụng tiền mặt, nhưng chúng lại đi kèm khá nhiều rủi ro
Các loại tiền điện tử có cơ hội phát triển khi người dân hạn chế sử dụng tiền mặt, nhưng chúng lại đi kèm khá nhiều rủi ro

Cơ hội phát triển của tiền ảo 

Tại Mỹ, chi phí và tính kém hiệu quả của tiền tệ thông thường đang trở thành mối quan tâm của dư luận. Những thông tin về khả năng tồn tại của vi-rút SARS-CoV-2 trên bề mặt tiền xu và tiền giấy thông thường đã thúc đẩy các giao dịch không dùng tiền mặt. Bên cạnh đó, sự chậm trễ và chi phí vận chuyển, lưu thông tiền mặt ngày càng tăng do nhu cầu khử khuẩn có thể được giải quyết bằng tiền điện tử.

Nhiều chính phủ và ngân hàng trung ương đã và đang chuyển sự chú ý của họ sang các loại tiền kỹ thuật số tập trung. Một giải pháp thay thế tiền mặt ngày càng được đề cập nhiều hơn, đó là tiền ảo stablecoin được hỗ trợ bởi đồng USD hoặc EUR, điển hình như đồng Libra của Facebook với kế hoạch cung cấp nhiều tùy chọn, mỗi tùy chọn được hỗ trợ bởi một loại tiền tệ địa phương.

Tiền điện tử quốc gia

Bitcoin là loại tiền điện tử nổi tiếng nhất thế giới và là hệ thống thanh toán kỹ thuật số do một lập trình viên vô danh hoặc một nhóm lập trình viên phát minh, với tên gọi Satoshi Nakamoto. Bitcoin được phát hành dưới dạng phần mềm mã nguồn mở vào năm 2009 và kể từ đó, nó đã dần trở nên phổ biến đối với người dùng internet. Tuy nhiên, gần đây, kỳ vọng về đồng tiền này bắt đầu xấu đi do một số quốc gia áp đặt các hạn chế lập pháp, và do sự cạnh tranh từ các đơn vị tiền tệ ảo khác.

Theo dữ liệu do công ty phân tích Chainalysis công bố vào tháng Tám, người dân Trung Quốc đã chuyển hơn 50 tỷ USD tài sản tiền điện tử ra nước ngoài trong vòng 12 tháng gần nhất. Stablecoin tether - được định giá dựa trên USD - đóng vai trò quan trọng trong phong trào này. Theo tờ Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng, Tether chiếm 93% lượng sử dụng stablecoin trên khắp Đông Á trong những năm gần đây.

Trung Quốc cho phép mỗi công dân chuyển số tiền tương đương 50.000 USD ra khỏi quốc gia mỗi năm và tiền điện tử được xem là công cụ an toàn giúp chuyển tài sản ra nước ngoài, bởi khi stablecoin được bán trên các sàn giao dịch, chúng sẽ giữ lại phần lớn giá trị ban đầu. Trung Quốc trước đây có quan điểm cứng rắn đối với tiền điện tử nhưng từ năm 2019, nước này đã tập trung phát triển đồng tiền kỹ thuật số của riêng mình.
Tương tự, Ngân hàng Trung ương Nga sẽ phát triển một loại tiền điện tử quốc gia. 

E dè về rủi ro

Theo báo cáo chung của Viện Nghiên cứu quốc phòng - an ninh Hoàng gia Anh và Hiệp hội Chuyên gia chống rửa tiền quốc tế (CAMS), khoảng 60% số người được hỏi cho biết, tiền điện tử mang tính rủi ro hơn là cơ hội. Theo đó, ngành công nghiệp tiền điện tử khó đạt được sự chấp nhận rộng rãi hơn, ngay cả khi các quốc gia trên toàn thế giới đang dần định hình khung pháp lý cho tiền điện tử - ví dụ Liên minh châu Âu dự kiến đưa ra các quy tắc mới cho một số loại tiền này vào năm 2024.

Cuộc khảo sát cho thấy, gần 90% số công ty tài chính lo ngại về việc tiền điện tử được sử dụng để rửa tiền, với hơn 80% đắn đo về việc các tổ chức sử dụng tiền kỹ thuật số bị xử phạt do cáo buộc phá vỡ hệ thống tài chính truyền thống.

Lượng tiền điện tử do tội phạm sử dụng cũng là một câu hỏi khó, với ước đoán từ công ty phân tích Chainalysis là nó chỉ chiếm 1% tất cả lượng giao dịch. Tuy nhiên, các loại tiền này vẫn phổ biến với bọn tội phạm mạng, chẳng hạn như vụ tấn công vào hàng loạt người dùng Twitter trên thế giới để chiếm bitcoin vào tháng Bảy vừa qua. Mặt khác, tiền điện tử cũng được sử dụng để tài trợ cho các nhóm chiến binh cực đoan. Bộ Tư pháp Mỹ tiết lộ, nhóm phiến quân Hamas, al-Qaeda và Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS đều tìm cách gây quỹ thông qua tiền điện tử.
Cuối cùng, chỉ 1/5 số người được hỏi từ các công ty tài chính và tư nhân khác cho biết, họ coi tiền kỹ thuật số là một cơ hội. Trong số những lợi ích tiềm năng, khả năng mở rộng quyền truy cập vào các dịch vụ tài chính là yếu tố quan trọng nhất. 

Tấn Vĩ (theo CNBC, Reuters, Fintech Future, Tass)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI