Đại dịch COVID-19 đẩy Ấn Độ vào cuộc khủng hoảng nạn buôn bán trẻ em

25/10/2020 - 17:19

PNO - Trong những năm gần đây, Ấn Độ đã tăng cường luật pháp bảo vệ lao động trẻ em, nhưng trong 6 tháng qua, trước sự tàn phá khủng khiếp của dịch COVID-19 mọi nỗ lực trước đó đã dần tan biến.

Kailash Satyarthi, người từng đoạt giải Nobel Hòa Bình và là nhà hoạt động vì quyền trẻ em tại Ấn Độ cho biết: “Trẻ em chưa bao giờ phải đối mặt với khủng hoảng như vậy. Đại dịch COVID-19 không chỉ đơn giản là khủng hoảng sức khỏe hay kinh tế, mà còn là khủng hoảng về công lý, về nhân loại và tương lai của cả một thế hệ trẻ".

Đại dịch COVID-19 làm gia tăng nạn buôn bán trẻ em ở Ấn Độ.
Đại dịch COVID-19 làm gia tăng nạn buôn bán trẻ em ở Ấn Độ

Khi Ấn Độ bắt đầu ban hành lệnh phong tỏa toàn quốc vào tháng 3, các trường học và nhiều nơi làm việc đều đóng cửa. Hàng triệu trẻ em đã bị tước đi bữa ăn giữa buổi ở trường. Và những kẻ buôn người đã lợi dụng tình hình, nhắm vào các gia đình khó khăn để thực hiện những hành vi tội ác.

Theo Bachpan Bachao Andolan, một phong trào vận động ở Ấn Độ vì quyền trẻ em, thống kê từ tháng 4 đến tháng 9, 1.127 trẻ em đã được giải cứu trên khắp Ấn Độ và 86 nghi phạm buôn người đã bị bắt giữ.

Hầu hết trẻ em đến từ vùng nông thôn của các bang nghèo, chẳng hạn như Jharkhand hoặc Bihar được các nhóm tội phạm để ý đến.

Những đứa trẻ được giải cứu mô tả bị buộc làm việc không lương trong điều kiện khắc nghiệt, một số trẻ thậm chí còn từng bị lạm dụng thể chất. Dưới sự kiểm soát của những kẻ buôn người, các em không có cách nào chạy thoát hoặc liên lạc với gia đình.

Nghèo đói, thất nghiệp bao trùm Ấn Độ

Theo nghiên cứu được thực hiện vào tháng 7 của UNICEF và Viện Hội đồng Dân số, hơn một nửa số hộ gia đình nhập cư ở bang Bihar (nơi sinh sống của hàng triệu công nhân nhập cư) bị mất toàn bộ thu nhập kể từ tháng 3/2020.

Theo nghiên cứu, chính quyền đã cung cấp lương thực nhưng chỉ 42% hộ gia đình nhập cư nhận được mức viện trợ đầy đủ. Vào thời điểm chính phủ liên bang bắt đầu dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa cuối tháng 5, các gia đình nghèo còn tiếp tục đối mặt với những khó khăn chồng chất. Vì nhiều lao động nhập cư trở về nhà trong thời gian hạn chế khiến nhu cầu về lao động giá rẻ ở các thành phố của Ấn Độ tăng vọt khi đất nước mở cửa trở lại, vô tình tạo điều kiện hoàn hảo cho những kẻ buôn người bóc lột trẻ em.

Nhiều trẻ em bị bóc lột sức lao động tại Ấn Độ.
Nhiều trẻ em bị bóc lột sức lao động tại Ấn Độ

Shiv Narayan, cảnh sát tại Bhatta Basti, thành phố Jaipur, cho biết: “Bây giờ các nhà máy đã tái hoạt động và lao động nhập cư đang quay trở lại, những gì chúng tôi đang thấy là trẻ em cũng đi cùng họ đến nhiều khu công nghiệp quy mô nhỏ và các xưởng làm vòng tay sơn mài”.

Ở Ấn Độ, trẻ em được phép làm việc từ năm 14 tuổi nhưng với điều kiện trong môi trường an toàn và không độc hại. Làm những chiếc vòng tay sơn mài là công việc nóng và nguy hiểm, đòi hỏi các công đoạn tan chảy trên than đang cháy nên bị liệt vào danh sách các ngành không được phép tuyển dụng trẻ em dưới 18 tuổi.

Một cuộc khảo sát của Tổ chức Trẻ em Satyarthi với 245 hộ gia đình ở các vùng nông thôn của 5 bang nghèo, bao gồm cả Bihar, cho thấy 21% số người được hỏi sẵn sàng gửi con cái (dưới 18 tuổi) đến các khu vực thành thị làm việc nặng nhọc nhằm phụ giúp kinh tế. Không chỉ các bậc cha mẹ cảm thấy họ không còn lựa chọn nào khác mà chính những đứa trẻ cũng bị thôi thúc phải đi kiếm tiền cho gia đình đói khổ của chúng.

Lao động cưỡng bức trong điều kiện ngột ngạt

Nishad, cậu bé 12 tuổi bị ép làm việc tại một nhà máy sản xuất vòng đeo tay, cho biết đã được đưa đến Jaipur từ Bihar bởi kẻ buôn người.

Nishad khai rằng người đàn ông đã nhốt anh và 5 cậu bé khác trong một căn phòng tồi tàn, không có cửa sổ và buộc họ đeo vòng tay 15 giờ mỗi ngày, mà không có cách nào để báo cho chính quyền hoặc liên lạc với gia đình.

"Anh ta (kẻ buôn người) bắt chúng tôi làm việc rất lâu và nếu chúng tôi không làm, anh ta sẽ đánh chúng tôi. Chúng tôi không được phép ra ngoài. Anh ta dọa rằng nếu ra ngoài, cảnh sát sẽ bắt chúng tôi" - Nishad nói.

Cậu bé nói thêm: “Anh ấy đã trả cho bố mẹ tôi 1.500 rupee (khoảng 21 USD) và tôi phải làm việc để trả lại khoản nợ đó. Tôi không được phép phàn nàn vì tôi nhận được một bữa ăn vào ban đêm và khoảng 50 rupee mỗi chủ nhật".

Trẻ em bị ngược đãi, buộc phải làm việc trong môi trường khắc nghiệt.
Trẻ em bị ngược đãi, buộc phải làm việc trong môi trường khắc nghiệt

Nishad và những đứa trẻ khác đã làm việc trong nhà máy khoảng 5 tháng, trước khi được cảnh sát giải cứu trong một cuộc đột kích vào tháng 8.

Thủ phạm đã ngược đãi Nishad và bọn trẻ bị buộc tội theo Đạo luật Lao động Trẻ em và Đạo luật Tư pháp Vị thành niên của Ấn Độ và hiện đang bị cảnh sát giam giữ. Trước khi bị bắt, kẻ buôn người nói với CNN đã trả cho các bậc cha mẹ vài nghìn rupee để đưa con cái họ đến Jaipur làm việc và có cuộc sống tốt hơn.

Kêu gọi hành động khẩn cấp

Tại Jaipur, điểm nóng của những kẻ buôn người bóc lột sức lao động trẻ em, chỉ 2 tuần cuối tháng 8, cảnh sát đã giải cứu được 50 trẻ.

Các nhà hoạt động vì quyền trẻ em cảnh báo nếu không có các hành động khẩn cấp, giải quyết các vấn đề gây ra nạn buôn bán trẻ em, cuộc khủng hoảng hiện tại có thể đảo ngược quá trình tiến bộ hàng thập kỷ của Ấn Độ. Nhằm tránh viễn cảnh này, chính phủ cần phải làm nhiều hơn nữa để đưa trẻ em trở lại trường học sau thời gian dài phong tỏa.

Kumari, thuộc ủy ban quyền trẻ em của chính quyền bang Bihar, cho biết họ đã thành lập một lực lượng đặc nhiệm chống buôn bán trẻ em để đối phó với sự gia tăng vấn nạn này. Đồng thời đưa ra lời khuyên cho các quan chức địa phương và tổ chức các cuộc họp trực tuyến thảo luận các biện pháp ngăn chặn.

Chung Thu Hương (theo CNN)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI