COVID-19 rình rập, người dân lơ là

27/11/2020 - 07:59

PNO - Tại Việt Nam, 90 ngày không ghi nhận ca mắc COVID-19 trong cộng đồng vì vậy người dân vẫn còn lơ là trong việc phòng dịch. Theo các chuyên gia y tế, điều này cực kỳ nguy hiểm, chúng ta cần tăng cường sự cảnh giác của người dân.

Dù đã gần 90 ngày không ghi nhận ca mắc COVID-19 trong cộng đồng, nhưng giới chức y tế Việt Nam vẫn hết sức lo lắng thời điểm cuối năm với nhiều thay đổi về thời tiết, biến động nhu cầu đi lại… trong khi tình hình ca bệnh vẫn không ngừng gia tăng trên toàn cầu với hơn 60,8 triệu ca nhiễm. Trao đổi với Báo Phụ Nữ TPHCM, tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Văn Hảo, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu chống độc người lớn, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM, cho rằng:

- Trong công tác phòng, chống COVID-19, điều quan trọng trước hết chính là phát hiện được ca bệnh. Nhiệm vụ này tức là phải tìm mọi cách tầm soát sao cho phát hiện được ca bệnh, nhất là trong cộng đồng. Kinh nghiệm chúng ta cho thấy khi phát hiện ca bệnh trong cộng đồng kịp thời và áp dụng các biện pháp khu trú, cách ly thì mới dập dịch được. Như vậy, để thực thi nhiệm vụ cực kỳ quan trọng này, phải tăng cường tầm soát như Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã yêu cầu đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm tại hội nghị trực tuyến tăng cường công tác phòng, chống dịch ngày 24/11 vừa qua. Đây cũng là điều kiện tiên quyết để ngăn ngừa các đợt tái bùng phát ở Việt Nam.
 

Tình hình đi lại cuối năm được xem là một yếu tố đáng quan ngại trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến khó lường - ẢNH: H.N
Tình hình đi lại cuối năm được xem là một yếu tố đáng quan ngại trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến khó lường - ẢNH: H.N

Chi phí tầm soát đang là vấn đề

Phóng viên: Thưa bác sĩ, liên quan công tác đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm, ông đánh giá thế nào về năng lực hiện nay của chúng ta?

Bác sĩ Nguyễn Văn Hảo: Trong tay chúng ta đã có nhiều phương tiện, nhưng đặc biệt muốn chẩn đoán tầm soát hiện chỉ công nhận một phương pháp đó là PCR phết mũi, họng để làm xét nghiệm tìm ra SARS-CoV-2 và cho kết quả trong thời gian tối thiểu bốn giờ. Hiện nay, cả nước có gần 200 cơ sở có thể tầm soát SARS-CoV-2 bằng PCR.  

* Như vậy, có thể có lý do nào đó nằm ở khâu cho kết quả xét nghiệm còn chậm nên bộ trưởng Bộ Y tế đã phải chỉ đạo tăng cường điều này?

- Tôi cho rằng kỹ thuật xét nghiệm của chúng ta hiện cũng đã tương tự như thế giới. Vấn đề là chi phí tầm soát. Xét nghiệm PCR trung bình cho kết quả từ 4 đến 6 giờ. Có nhiều mẫu trả kết quả nhanh hơn. Chỉ trong tình huống ít mẫu như thời điểm này, phải chờ cho đủ số lượng mẫu cho một lần làm xét nghiệm thì có khi phải chờ từ 12 đến 24 giờ mới có. Trước đây thì không được, nhưng giờ chúng ta đã cho phép ai có nhu cầu có thể bỏ tiền túi ra làm xét nghiệm PCR, khoảng hơn một triệu đồng một mẫu… Do đó, vấn đề là chi phí.

* Ngoài cảnh báo tăng cường vũ khí tầm soát, theo ông, cần chú trọng điều gì nữa vào thời điểm cuối năm?

- Không ai tiên đoán được đợt bùng phát dịch sắp tới sẽ xảy ra lúc nào, ở đâu… Thế giới giờ đã toàn COVID-19 và họ cũng đã hứng chịu các đợt tái bùng phát đáng sợ. Như thế, nguy cơ từ bên ngoài đương nhiên rất lớn. Chúng ta như chỗ trũng nên nhiệm vụ là tầm soát tốt, phát hiện kịp thời, cách ly và dập dịch ngay tại chỗ, điều tra ca bệnh. 

Hiện số lượng người hồi hương được kiểm soát tốt ở các cửa khẩu hàng không. Tất cả đều được tập trung cách ly tại các khu vực chuyên biệt, được phết họng kiểm soát 2-3 lần/ngày, kể cả ca âm tính cũng phải tiếp tục cách ly tập trung 14 ngày. Nói chung, có thể yên tâm về đường nhập cảnh chính ngạch, dù số lượng sắp tới có tăng. Thế nhưng, tình trạng vượt biên trái phép mới đáng ngại, nhất là từ biên giới phía Bắc hay Tây Nam không quản lý được. Đây là điều đáng sợ, nguy cơ mang mầm bệnh vào cộng đồng cao. 

Đến bây giờ, chúng ta vẫn chưa xác định được ca F0 gây ra đợt bùng phát dịch ở Đà Nẵng hồi tháng Bảy và tập trung mối nghi ngờ mầm bệnh có thể từ đối tượng nhập cảnh trái phép từ Trung Quốc vào là cao nhất.

* Đối với các thành phố lớn như TPHCM, Hà Nội… cần cảnh báo nguy cơ gì trong tình hình dịch bệnh vẫn rất khó lường, thưa bác sĩ?

- Dịch bệnh vẫn có thể xảy ra như thường trong khi người dân vẫn phải sinh hoạt, sống, làm việc bình thường. Tất cả hoạt động của thành phố hầu như trở về bình thường. Và mọi người đang nhắc đến COVID-19 giống như chuyện ở đâu đó bên trời Tây. Cực kỳ nguy hiểm!

Là bác sĩ điều trị cho các ca nhiễm rất nặng vừa qua, tôi mong các phương tiện truyền thông tiếp tục kêu gọi mọi người thực hiện tốt khuyến cáo chín biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới của Bộ Y tế. Dù qua các đợt dịch, người dân đã hình thành được thói quen tốt trong phòng ngừa COVID-19, như đeo khẩu trang, rửa tay, đo thân nhiệt trước khi vào công sở, siêu thị… nhưng có vẻ đang xao nhãng và chưa đầy đủ.

Ngoài các hành vi tốt đó, theo tôi, mọi người còn phải nhớ tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng, che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi bằng khăn giấy, khăn vải, khuỷu tay áo; tăng cường vận động, rèn luyện thể lực, dinh dưỡng hợp lý; vệ sinh nhà cửa, lau rửa các bề mặt tiếp xúc. Nếu có dấu hiệu sốt, ho, hắt hơi, khó thở, hãy tự cách ly tại nhà, đeo khẩu trang và gọi cho cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám và điều trị.

Ai từ vùng có dịch bệnh trở về cần tự cách ly, theo dõi sức khỏe, khai báo y tế đầy đủ. Thực hiện khai báo y tế trực tuyến tại địa chỉ https://tokhaiyte.vn hoặc tải ứng dụng NCOVI từ địa chỉ https://ncovi.vn và thường xuyên cập nhật tình trạng sức khỏe của mình. Cài ứng dụng Bluezone để được cảnh báo nguy cơ lây nhiễm COVID-19, giúp bảo vệ bản thân và gia đình tại: https://www.bluezone.gov.vn/.

Sự chủ quan rất đáng ngại trong dịp cuối năm với lễ tết, hội hè, ăn uống, vui chơi, đám cưới, đám tiệc… Hãy hết sức cố gắng hạn chế tụ tập, tránh đi đến nơi đông người, cần thiết lắm mới tham dự. Mọi người dân hãy nhớ nguy cơ COVID-19 vẫn đang rình rập chúng ta.

Đừng “mơ” về vắc-xin quá sớm

* Ông nghĩ sao đối với ý kiến lo lắng về các điểm cách ly có thu phí tại các khách sạn trong các thành phố lớn?

- Bây giờ, tại TPHCM vẫn duy trì hai trung tâm cách ly tại huyện Củ Chi và Cần Giờ. Một số người dân ở nước ngoài về có nhu cầu muốn cách ly trả phí để có các tiện nghi cao hơn cũng là điều hợp lý. Thế nhưng, các nơi này phải hết sức thực hiện đúng nguyên tắc cách ly. Mỗi khách sạn buộc phải tuân thủ nghiêm ngặt. Người cách ly tuyệt đối không được tiếp xúc với ai, không ra khỏi khu cách ly.

* Một trong những yếu tố tạo ra tâm lý chủ quan của người dân có thể đến từ các thông tin khả quan về vắc-xin COVID-19, thưa bác sĩ?

- Dù đã có rất nhiều vắc-xin tiềm năng của Mỹ, châu Âu, Nga hay Trung Quốc nhưng tất cả còn phải qua các giai đoạn thử nghiệm nhiêu khê. Trong đó, có giai đoạn ba buộc phải thử nghiệm an toàn trên người. Do vậy, Chính phủ cũng hết sức cân nhắc đối với những loại vắc-xin được “nghiên cứu” quá nhanh, quá đốt cháy giai đoạn.

Trong khi với thế giới, dự kiến vắc-xin sẽ ra mắt vào năm sau, thì về phía người dân Việt Nam, vấn đề giá thành là chuyện không nhỏ. Số lượng vắc-xin nhập về cũng sẽ không nhiều và chắc chắn sẽ không thể phổ cập sớm được. Chuyện phổ cập toàn dân đối với vắc-xin COVID-19 chắc phải còn mất vài năm nữa. Vì vậy, người dân tuyệt đối tuân thủ những nguyên tắc phòng ngừa là chính. Vắc-xin về thì phải chấp nhận dành ưu tiên cho đối tượng nguy cơ cao như người già, phụ nữ có thai… Chúng ta phải hiểu theo phương cách đó.

* Theo ông, thời gian tới, ban chỉ đạo phòng, chống dịch các tỉnh, thành nên tập trung vào điều gì nữa?

- Tôi lo lắng về các cơ sở y tế. Chắc chắn phải tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn của Bộ Y tế về

Thêm 10 người nhập cảnh mắc COVID-19

Tối 26/11, Bộ Y tế công bố danh tính 10 người mắc COVID-19, nâng tổng số bệnh nhân tại Việt Nam lên 1.331. Đây đều là các ca nhập cảnh, hiện được cách ly, điều trị tại TPHCM. Trong đó, có 8 trường hợp nhập cảnh từ Nga về Cam Ranh (sau đó dùng xe chuyên dụng đưa vào TPHCM). Hai trường hợp còn lại nhập cảnh từ Pháp về TPHCM. 

phân luồng. Tất cả cơ sở y tế phải bảo đảm tiêu chí bệnh viện là nơi an toàn và người dân khi bị bất cứ vấn đề gì về sức khỏe phải an tâm đến cơ sở.

Muốn an toàn, phải tổ chức phân luồng ngay từ cổng bệnh viện. Có ca nghi ngờ phải tầm soát. Ca có yếu tố nguy cơ phải theo quy định về bệnh viện an toàn. Dịch bùng phát ở cơ sở y tế thì cực kỳ nguy hiểm. COVID-19 rất nhạy cảm với người có bệnh lý nền mạn tính. Người già, bệnh nhân tiểu đường, cao huyết áp, ung thư… phải bảo đảm an toàn vì chúng ta đã thấy bài học ở Đà Nẵng.

Về các trường học, tùy theo tình hình, tùy theo địa phương để chủ trương khu trú từng chỗ. Dịch xảy ra ở đâu thì áp dụng triệt để biện pháp nghỉ học ở đó.

* Xin cảm ơn bác sĩ. 

Quốc Ngọc (thực hiện)

Phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế): Người dân đang quá chủ quan!

Chúng ta đang vào mùa đông với điều kiện môi trường thuận tiện cho việc lây lan các dịch bệnh nói chung.

Thông thường, các dịch cúm hay bùng phát vào thời điểm đông xuân. Nguy cơ COVID-19 thì rất cao. Tôi đồng ý rằng phải tăng cường năng lực xét nghiệm cho các cơ sở y tế cả về nhân lực lẫn nguồn lực. Nhưng mặt khác, theo quan điểm của tôi, chúng ta còn phải tăng cường sự cảnh giác của người dân.

Chẳng hạn, có lọt một ca, mà cả xã hội cảnh giác cao thì vẫn không lây lan nhiều được. Người dân tuân thủ đeo khẩu trang, tránh tiếp xúc những nơi đông người… thì nếu có ca xuất hiện trong cộng đồng cũng không thể bùng phát được. Như vậy, ngoài kiểm soát nhập cảnh, hệ thống y tế còn phải giám sát chặt cộng đồng.

Theo tôi, người dân không những chủ quan mà là quá chủ quan. Chẳng hạn, ở Hà Nội và TPHCM đang mùa cưới nên tiệc nào cũng đông đúc, đầy người. Tôi cho rằng phải tiếp tục có biện pháp tuyên truyền để tránh nguy cơ bùng phát vào mùa này. Chưa kể, vào các dịp lễ tết sắp đến, nhiều người đi lại, sử dụng tàu xe mà không có biện pháp bảo vệ tốt thì nguy cơ cực lớn. Nếu có ca nhiễm mà với tình hình chủ quan như hiện nay thì dịch sẽ bùng phát rất mạnh.

Đặc biệt, các bệnh viện, cơ sở y tế cần cảnh giác cao trong mùa đông này khi có nhiều người nhiễm cúm khác vào điều trị. Tức là phải tăng cường khám sàng lọc người nhiễm thật kỹ. Xét nghiệm COVID-19 ngốn chi phí rất lớn, muốn bảo đảm an toàn cho cộng đồng thì phải đầu tư nhiều hơn cho ngành y tế.

 

Các bệnh viện vẫn siết chặt sàng lọc COVID-19

Theo ghi nhận của chúng tôi, công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại cơ sở y tế trên địa bàn TPHCM vẫn đang được kiểm soát chặt chẽ. 

Sáng 26/11, tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, Bệnh viện Quận 2, chốt sàng lọc y tế vẫn được vận hành nghiêm túc. Trước khi vào bãi gửi xe bên trong bệnh viện, dù là thân nhân bệnh nhân hay khách liên hệ công tác, kể cả nhân viên vẫn đều phải khai báo y tế, đo thân nhiệt. Nhân viên tại chốt sàng lọc y tế cẩn thận căn dặn mọi người không được xé vòng kiểm dịch (dán cổ tay) hoặc bóc tem xác nhận đã sàng lọc COVID-19 cho tới khi rời khỏi bệnh viện.

Tình hình đi lại cuối năm là yếu tố đáng lo ngại trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến khó lường. Ảnh chụp hồi đầu dịch năm 2020 - Ảnh: đỗ minh
Tình hình đi lại cuối năm là yếu tố đáng lo ngại trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến khó lường - Ảnh: Đỗ Minh

Ngày 25/11, khi đến Bệnh viện Nhân dân 115 liên hệ công tác, chúng tôi được bảo vệ tại đây thực hiện quy trình kiểm tra phòng dịch như các trường hợp khác. Tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, khi chúng tôi vô tình chạy xe máy thẳng xuống dưới hầm và đi thang bộ lên tầng trệt, nhân viên ở đây cũng phát hiện chúng tôi chưa dán tem đã sàng lọc COVID-19 và đề nghị tới quầy khai báo kiểm dịch y tế để được đo thân nhiệt…

Tại Bệnh viện Triều An (Q.Bình Tân), khu sàng lọc COVID-19 được lập ngay cổng ra vào. Thân nhân và bệnh nhân đến khám bệnh bắt buộc phải đến khu sàng lọc để kiểm tra, đo thân nhiệt và khai báo y tế. Ngoài ra, người dân có thể khai báo y tế qua trang web của bệnh viện hoặc quét mã QR. Thân nhân người bệnh phải thực hiện khai báo y tế và kiểm tra thân nhiệt mỗi ngày. 

Tất cả trường hợp ra, vào bệnh viện đều bắt buộc đeo khẩu trang. Ở các khu vực chờ, bệnh nhân được bố trí ngồi cách nhau một ghế để phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm. Một bác sĩ của Bệnh viện Triều An cho biết: “Việc khai báo y tế và bắt buộc đeo khẩu trang được duy trì nhiều tháng nay. Nguy cơ lây nhiễm COVID-19 vẫn còn nên chúng tôi tuyệt đối không chủ quan, lơ là”.

Đến trường học, bến xe cũng “quên” khẩu trang

Trong khi các bệnh viện vẫn siết chặt phòng, chống dịch COVID-19, những khu vực khác người dân lại khá lơ là. Tại các trường học, rất nhiều phụ huynh không đeo khẩu trang khi vào trường đón con. Tại các bến xe, nhiều người không đeo khẩu trang vẫn vô tư tiếp xúc, trò chuyện với người khác. Ngay cả trên các tuyến xe khách liên tỉnh, người dân khá chủ quan trong việc phòng dịch. 

Ngày 25/11, trên chuyến xe khách từ TP.Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp) về TPHCM, chúng tôi ghi nhận trên xe có 30 hành khách nhưng chỉ có hai người đeo khẩu trang. Nhà xe cũng không nhắc nhở hành khách đeo khẩu trang trước khi lên xe. Một hành khách quê ở Đồng Tháp, thản nhiên nói: “Đang dịch thì đeo khẩu trang chứ hết dịch mấy tháng nay rồi mà khẩu trang gì nữa”.

Tại trung tâm thương mại Diamond Plaza (TPHCM), mùa giảm giá Black Friday đang rộn ràng, nhưng khách hàng chỉ đeo khẩu trang khi vào bên trong. Bên ngoài, đông đảo người dân vẫn vô tư tụ tập chụp ảnh. Khách ra vào các siêu thị không đeo khẩu trang cũng không nhân viên nào buồn nhắc. 

Thanh Huyền - Sơn Vinh - Mỹ Huyền

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI