Hơn 60 triệu ca mắc COVID-19 trên toàn cầu, ông Joe Biden yêu cầu người Mỹ ở nhà

26/11/2020 - 07:05

PNO - Tốc độ lây nhiễm COVID-19 tăng nhanh ở Hoa Kỳ và châu Âu khiến hệ thống y tế nhiều quốc gia đang trong tình trạng quá tải.

Ông Joe Biden yêu cầu người dân tuân thủ các biện pháp kiểm soát dịch COVID-19

Ông Joe Biden kêu gọi người Mỹ thực hiện các bước an toàn khi những trường hợp COVID-19 gia tăng đột biến trước kỳ nghỉ Lễ Tạ ơn, đồng thời một lần nữa cam kết đưa việc phòng chống đại dịch trở thành ưu tiên hàng đầu khi ông nhậm chức Tổng thống vào tháng 1/2021.

"Tôi tin rằng bạn luôn xứng đáng được nghe sự thật từ tổng thống của bạn. Chúng tôi phải làm chậm sự phát triển của loại virus này. Chúng tôi nợ các bác sĩ, y tá, nhân viên tuyến đầu, nợ đồng bào của chúng tôi" - ông Biden nói.

Ông Joe Biden yêu cầu người dân tuân thủ các biện pháp kiểm soát dịch COVID-19.
Ông Joe Biden yêu cầu người dân tuân thủ các biện pháp kiểm soát dịch COVID-19

Ông kêu gọi mọi người từ bỏ các cuộc tụ họp gia đình, đeo khẩu trang và duy trì sự giãn cách xã hội. "Tôi biết chúng tôi có thể và sẽ đánh bại loại virus này. Cuộc sống sẽ trở lại bình thường, tôi hứa với bạn điều này sẽ xảy ra" - ông Joe Biden nhấn mạnh khi nhiều người Mỹ đang cảm thấy mệt mỏi vì đại dịch. 

Kể từ khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống ngày 3/11, ông Biden đã đưa ra thông điệp về sự hàn gắn và hòa giải dân tộc sau nhiệm kỳ đầy biến động của Tổng thống Donald Trump. Tuy nhiên, ông Donal Trump vẫn chưa chịu nhượng bộ và tiếp tục theo đuổi các cuộc chiến pháp lý.

Các quan chức y tế công cộng đã khuyến cáo người dân ở nhà trong kỳ nghỉ, tránh các cuộc tụ tập đông người để hạn chế sự lây nhiễm. Tính đến nay, hơn 260.000 người Mỹ đã chết vì COVID-19.

Toàn cầu vượt quá 60 triệu ca mắc COVID-19

Theo thống kê của Reuters, tổng số ca nhiễm SARS-CoV-2 trên toàn cầu đã vượt mốc 60 triệu. Với tốc độ lây nhiễm đang tăng nhanh ở Hoa Kỳ và châu Âu khiến hệ thống y tế nhiều nước trong tình trạng quá tải.

Các quan chức ở Hoa Kỳ, quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất trên thế giới, đã kêu gọi người dân ở nhà trong kỳ nghỉ Lễ Tạ ơn sắp tới, khi số lượng bệnh nhân COVID-19 tăng vọt. Theo báo cáo, có hơn 1 triệu ca nhiễm mới virus trong vòng chưa đầy 1 tuần.

Chỉ mất 17 ngày thế giới đã tăng từ 50 triệu lên 60 triệu ca mắc COVID-19, so với 21 ngày từ 40 triệu lên 50 triệu. Trong tuần qua, trung bình toàn cầu ghi nhận khoảng 580.000 trường hợp nhiễm mới mỗi ngày.

Số ca tử vong vì COVID-19 tăng mạnh tại Hoa Kỳ và châu Âu.
Số ca tử vong vì COVID-19 tăng mạnh tại Hoa Kỳ và châu Âu

Tại châu Âu, 1 triệu ca mắc COVID-19 được xác nhận chỉ trong 5 ngày. Chính phủ các nước trong khu vực đang đấu tranh để áp đặt các hạn chế gắt gao hơn nhưng vẫn cho phép các gia đình tổ chức lễ Giáng sinh một cách cẩn trọng để tránh làm bùng phát thêm dịch bệnh.

Khu vực Mỹ Latinh có số trường hợp tử vong được báo cáo cao nhất trên thế giới, chiếm khoảng 21% tổng số ca bệnh và hơn 31% số người chết trên toàn cầu. Với gần 170.000 ca tử vong được xác nhận, Brazil là nước nguy hiểm thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ trong mùa dịch COVID-19.

Anh cắt giảm ngân sách viện trợ nước ngoài vì COVID-19

Chính phủ Anh đã công bố kế hoạch cắt giảm ngân sách viện trợ nước ngoài để khắc phục tình trạng tài chính bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì COVID-19.

Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak cho biết Anh sẽ không còn đáp ứng cam kết của chính phủ là chi 0,7% tổng thu nhập quốc dân cho viện trợ nước ngoài, lên tới 15 tỷ bảng Anh (20 tỷ đô la Mỹ) vào năm 2019.

Ông Sunak nói với quốc hội rằng ông đã lắng nghe những lời chỉ trích về kế hoạch của mình nhưng vào thời điểm khủng hoảng chưa từng có, chính phủ phải đưa ra những lựa chọn khó khăn. Ông nói thêm ngân sách viện trợ sẽ trở lại mức 0,7% thu nhập quốc dân khi tình hình tài khóa cho phép.

Theo các nhà vận động, cựu thủ tướng và một số nghị sĩ đảng Bảo thủ, việc cắt giảm này sẽ tước đi cơ hội chăm sóc sức khỏe và giáo dục của hàng triệu người trên thế giới, ngay khi Anh đảm nhận vị trí chủ tịch G7 và chuẩn bị chủ trì các cuộc đàm phán về khí hậu của Liên hợp quốc vào năm tới.

Patrick Watt, giám đốc chính sách của Christian Aid cho biết: “Cắt ngân sách viện trợ trong đại dịch giống như đóng cửa các trạm cứu hỏa trong đợt nắng nóng”.

Chung Thu Hương (theo Reuters và CNA)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI