Con tem "sạch" không thể làm nên miếng thịt sạch

27/07/2016 - 12:53

PNO - Ý tưởng truy xuất nguồn gốc thịt heo bằng điện thoại thông minh tại TP.HCM trong một dự án do Hội Công nghệ cao TP. HCM đề xuất mới đây được nhiều ý kiến cho là “mới nhưng không khả thi”.

Người tiêu dùng được trao quyền kiểm soát

Việc truy xuất nguồn gốc từng miếng thịt theo dự án này có thể hiểu một cách đơn giản như sau: tại các trại nuôi, ngay khi con heo chào đời sẽ được gắn một con tem điện tử; toàn bộ chu trình từ lúc chào đời đến khi giết mổ, những dữ liệu chủ trại là ai, heo được ăn loại cám của công ty nào, được tiêm phòng dịch bệnh ra sao, có đủ tiêu chuẩn đảm bảo để giết mổ không, giết mổ tại lò nào… sẽ được lưu lại như một hồ sơ trong con tem; con tem này được tích hợp dưới dạng chiếc vòng đeo ở chân heo, hoặc bấm trên tai dưới dạng mã số điện tử.

Tiểu thương bán lẻ tại các chợ khi tham gia phân phối nguồn thịt được kiểm soát theo cách này sẽ được cung cấp các con tem cuối (tem này được tích hợp dữ liệu với con tem đầu gắn trên vòng đeo chân của heo) để dán lên sản phẩm bán cho người mua. Người tiêu dùng khi đi mua thịt heo, muốn biết thông tin về miếng thịt mình mua được chăn nuôi ra sao, có được kiểm soát an toàn thực phẩm hay không… chỉ cần bật điện thoại di động thông minh (smartphone) được kết nối internet, khởi động ứng dụng (apps) được cài đặt trước đó, soi vào mã con tem (hình thức như ứng dụng quét mã vạch), thông tin sản phẩm (toàn bộ dữ liệu về con heo cho ra miếng thịt đó) sẽ được phản hồi đầy đủ.

Nhờ thông tin nhận được, người tiêu dùng sẽ biết miếng thịt mình muốn mua có được chăn nuôi, giết mổ theo quy trình an toàn hay không, có chứa các chất cấm hay không, có chứng nhận của cán bộ thú y hay không... để đưa ra quyết định. Trung bình mỗi con tem trị giá gần 10.000đ, chi phí này không làm giá thành thịt heo cao hơn, song nhiều người cho rằng, nó không chống được các hành vi gian lận, vì từ trại nuôi đến tay người tiêu dùng qua quá nhiều khâu trung gian.

Con tem
Việc truy xuất nguồn gốc từng miếng thịt heo bằng điện thoại thông minh khó khả thi

Lo tem "sạch", thịt "bẩn"

Rất nhiều tiểu thương kinh doanh thịt heo tại các chợ, người tiêu dùng khi được hỏi đều cho rằng có quá nhiều kẽ hở trong hình thức kiểm soát này. Giống như trong việc đóng dấu kiểm dịch trực tiếp lên thịt heo, các đối tượng gian dối có cả dấu giả đóng lên như thật.

Vẫn còn những nghi vấn như, heo không đạt chuẩn và thịt “bẩn” vẫn được dán tem thì sao, ai kiểm soát việc này, bởi tem đạt chuẩn vẫn được bán cho tiểu thương đấy thôi. Với những tiểu thương gian dối, họ sẵn sàng bỏ tiền mua tem để dán lên những thực phẩm trôi nổi, chưa qua kiểm dịch. Khi đó, dù có soi tem ra thịt “sạch” nhưng thực tế, người tiêu dùng vẫn phải ăn thịt “bẩn”. Thêm nữa, chẳng lẽ một lạng thịt heo cũng được dán tem? Và ai nắm được, một con heo “sạch” sau khi thịt sẽ được bao nhiêu cân thịt, lạng thịt? Và nếu người bán chèn thêm thịt “bẩn” vào, người tiêu dùng làm sao biết? “Có lẽ đơn vị thực hiện đề án này (Hội Công nghệ cao TP.HCM) nên nghĩ ra một thiết bị phân tích công cộng để người dân tự kiểm tra một số dư lượng các loại hóa chất còn tồn trong miếng thịt mình mua, sẽ có ích hơn”, anh Trần Ngọc Thụ, một kỹ sư công nghệ thông tin, ngụ tại quận 3 nhận xét.

Chi cục Thú y TP.HCM cũng đưa ra một số vấn đề có thể gặp phải khi triển khai dự án này, trong đó chủ yếu là nguồn heo không đi thẳng từ trại nuôi đến lò mổ ra thị trường mà đi qua rất nhiều khâu trung gian, thương lái. Heo về đến chợ đầu mối dưới dạng heo mảnh vẫn còn vòng kiểm soát ở chân để truy xuất nguồn gốc, nhưng khi bán cho tiểu thương các chợ nhỏ thì rất khó kiểm soát.

Theo một tiểu thương bán thịt heo tại chợ Hòa Bình (Q.5), chợ đầu tiên được thí điểm bán thịt heo sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, thịt heo về đến chợ đều ở dạng heo mảnh pha lóc. Heo từ trang trại đến lò giết mổ được cơ quan thú y kiểm soát về đến tận chợ. Nhưng không phải sạp nào cũng bán 100% thịt heo VietGAP. “Trên sạp, thịt miếng nào cũng như miếng nào, chẳng thể biết miếng nào của VietGAP, miếng nào không phải. Heo được dán tem truy xuất nguồn gốc nhưng là dán nguyên con chứ đâu phải dán từng miếng, sau này, tem vẫn để cho tiểu thương dán, nên ai gian dối vẫn tha hồ gian dối”, chị này cho hay.

Ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan) cho rằng, cách làm như trong dự án dường như đã trao quyền quản lý, giám sát cho người tiêu dùng. Điều này không phù hợp vì đây là trách nhiệm của người sản xuất (người chăn nuôi) và đơn vị kinh doanh giết mổ, cơ quan quản lý nhà nước. Người tiêu dùng đi mua thịt không phải ai cũng có điện thoại thông minh kết nối internet để có thể soi chiếu, truy xuất nguồn gốc thịt. Những dữ liệu nhận được từ việc soi tem nhãn về điện thoại chưa thể đảm bảo là miếng thịt họ mua và sử dụng có đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm hay không.

Theo ông Mười, việc triển khai dự án là tín hiệu tích cực để kiểm soát nguồn thịt an toàn, nhưng dự án chỉ khả thi khi được thực hiện đồng bộ giữa người nuôi với đơn vị giết mổ, bán lẻ. Chỉ khi xóa bỏ hoàn toàn các lò mổ thủ công, lò mổ lậu, quy tất cả về các lò mổ công nghiệp mới có thể loại bỏ được những nguồn thịt không đảm bảo.

Đăng Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI