Con nít vào tay tui, một tuần bơi giỏi liền

18/12/2017 - 11:00

PNO - 15 năm trước, đó là một lời cam đoan; nay là niềm tự hào của bà Sáu - Trần Thị Kim Thia. 'Bơi đi!' - bà khản giọng gào thét cổ vũ cho lũ trẻ xứ Tháp Mười đang quẫy đạp dưới lòng sông...

“Được vinh danh là người phụ nữ truyền cảm hứng, rồi địa phương khen ngợi, trong lòng bà ra sao?” - tôi hỏi, lúc bà loay hoay tìm chậu, xoong chờ hứng nước mưa, trong căn nhà ẩm thấp, lắm chỗ dột. Bà hồn nhiên: “Tui cũng ngạc nhiên, mình vầy thì truyền được cảm hứng cho ai. Nhưng kệ đi, lâu nay tui không để ý người ta nói về mình”, bà là bà Trần Thị Kim Thia (59 tuổi, ngụ ấp 4, xã Hưng Thạnh, H. Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp).

Con nit vao tay tui, mot tuan boi gioi lien
“Thành tựu” sau một mẻ lưới của bà Sáu Thia

Hồ bơi độc đáo

Đôi tay ôm chặt người đàn bà, cậu bé hét lên: “Sáu ơi, con sợ”. “Bơi đi! Chìm thì có Sáu đây” - người đàn bà cũng gào lên. Gương mặt cậu bé tái xanh, căng cứng, rồi cậu đánh liều buông bà Sáu, chân tay thi nhau quẫy đạp. “Giỏi! Tiếp đi!” - tiếng bà Sáu cổ vũ. Cậu bé hé mắt, ré lên cười thích thú khi thấy mình đã bơi được.

Lòng sông như sân khấu. Diễn viên chính là bà Trần Thị Kim Thia (59 tuổi, ngụ ấp 4, xã Hưng Thạnh, H. Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp). Trong vai huấn luyện viên, bà Thia (thường gọi là bà Sáu) khản giọng gào thét, nhắc lũ trẻ “bơi đi”. Thi thoảng, bà bật cười đắc ý khi đứa trẻ nào đó, bà vừa buông tay đã can đảm quẫy đạp. “Đứa nào vô tay tui, cao lắm là một tuần biết bơi liền” - giọng bà Sáu sang sảng. 15 năm trước, đó là một lời cam đoan; nay là niềm tự hào.

Năm đó, bà Sáu nghe phụ huynh than thở, xứ Tháp Mười đầy nước, mùa lũ hay nước nổi sẽ khốn khổ vô cùng: trẻ té sông, đuối nước, mất mạng như chơi. “Thằng nhỏ nhà tui tám tuổi, tập cả năm trời không bơi được” - vị phụ huynh cảm thán. “Tui tập cho, một tuần bơi giỏi liền” - xong câu nói, cũng xong đúng một tuần, cậu bé ấy biết bơi.

Tiếng lành lan nhanh, mấy đứa trẻ trong xóm kéo đến xin bà dạy bơi, học vài hôm là… tốt nghiệp. “Tui dạy nhanh do chỉ kỹ tụi nhỏ tay quẫy như thế nào, chân đạp ra sao, cằm phải ngang mặt nước để thân không bị chìm” - bà Sáu nêu bí quyết. Mấy năm sau, UBND xã phát động phong trào xóa "mù bơi" cho trẻ, bà Sáu được mời dạy. Lớp học bấy giờ mỗi lượt dạy hơn 20 học trò lớn nhỏ, bà Sáu nghĩ cách tạo một hồ bơi an toàn. Bà chọn khúc sông cạn, dùng hàng chục cây gỗ đóng xuống lòng sông, đem tấm lưới ngang rịt vào từng đáy cột. “Tập bơi thì phải có hồ bơi, bọn nhỏ mới hứng thú, mà mình cũng an tâm” - bà Sáu nói, giọng tự hào.

Từ cái hồ bơi độc đáo của mình, bà Sáu đã dạy không biết bao nhiêu học trò trong hơn 15 năm qua. Con số ấy, theo thống kê của xã, là hơn 2.000. Cũng trong ngần ấy năm, chính quyền không còn thấy bất lực, đau đớn trước thông tin có học trò đuối nước. Nhìn tôi, chị Dung - Chủ tịch Hội LHPN xã - ái ngại: “Đừng hỏi thu nhập bà Sáu nha. Vài trăm ngàn đổ xăng cho mấy lần bả… di chuyển hồ bơi vô với học trò vùng xa.

Con nit vao tay tui, mot tuan boi gioi lien
Hồ dạy bơi độc đáo của bà Sáu Thia

Mặc kệ người ta nói

Bà Sáu quê Tiền Giang, đến tuổi yêu đương mà chẳng bận lòng một ai, đành để cha mẹ đặt đâu thì ngồi đấy. Cuộc hôn nhân kéo dài chừng năm tháng, một bữa… chán chồng, bà nói: “Thôi, ông thích ở đâu thì ở, sống với ai thì sống, tui đi đây”. Hôm sau, bà Sáu túm dăm bộ đồ, lưu lạc khắp nơi, làm đủ nghề mưu sinh, từ bán vé số đến giúp việc, mua bán rau củ…

Sau cùng, bà dừng chân ở huyện Tháp Mười, dựng một căn nhà bên sông, đóng con

Sau hôm tổ chức trao bằng khen, chính quyền còn hứa sẽ hỗ trợ bà một căn nhà. Bà vui như đứa trẻ được quà, nhưng vẫn cứ băn khoăn: “Tui dạy bơi chừng ấy năm, không vì nghĩ đến nhận nhà đâu nha”.

thuyền nhỏ rồi ngày ngày đi giăng lưới bắt cá, hái rau súng trên sông làm thức ăn. Không tiền mua gạo, mắm… bà đi bán vé số, buôn trái cây kiếm tiền. Cuộc sống cứ thế bình lặng trôi.

“Đâu phải tui không mê đàn ông, cũng đâu phải không có ông nào khoái tui. Nhưng… chịu, làm như tui không để ý chút nào đến “khoản đó” thì phải. Ông nào cũng phức tạp muốn chết, nói chuyện được dăm câu là tui thấy chán” - bà Sáu lại hồn nhiên.

Chọn cuộc sống không gia đình, nhưng tám năm trước, bà Sáu gây sửng sốt khi thông báo… có con. Năm đó, có cô gái quê Thanh Hóa lưu lạc về Tháp Mười mưu sinh, trót yêu một người, có thai và bị người yêu chối bỏ. Biết chuyện, bà Sáu lặng lẽ bỏ mấy ngày trời đi giăng chục mẻ cá, rao bán rồi mang tiền ra bệnh viện thăm mẹ con cô gái, nói: “Không biết đi đâu thì về sống với Sáu”.

Được vài năm, có chàng trai trong xóm yêu thương, hỏi cưới cô gái. “Tui làm công tác tư tưởng cho con rể dữ lắm. Bảo rằng con gái tui lỡ dở, thương thì chấp nhận quá khứ của nó. Sau này, có con chung thì không được phân biệt con riêng. Con gái may mắn, gặp đúng người như vậy, tui cũng mừng” - bà hạnh phúc chia sẻ.

Nhớ năm ngoái, huyện Tháp Mười về xã khen thưởng vài cá nhân, trong đó có bà Sáu. Đợi hoài không thấy ai gọi mình, người ta ngớ ra vì… quên mang bằng khen của Sáu về trao. “Kệ đi” - Sáu nói, rồi vui vẻ ra về. Với bà, chuyện gì cũng kệ, cũng tùy duyên, vậy mà, có một điều bà mãi không… kệ được. Đó là những lần địa phương đưa Sáu đi tập huấn ở hồ bơi đàng hoàng, được phát đồ bơi, kính lặn… “Tui thấy vậy, cứ muốn bỏ về. Ai bơi sao tui bơi vậy, còn tui dạy sao miễn lũ trẻ biết bơi được thôi chớ. Có đứa trẻ nào té sông, nín thở chờ người ta quăng cho kính lặn, áo bơi không trời” - giọng Sáu cười giòn tan. 

Ngân Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI