Con không muốn bà và mẹ to tiếng với nhau

14/08/2023 - 06:54

PNO - Tôi giật mình khi bấy lâu chỉ mải mê bảo vệ cái tôi của bản thân để tranh đấu với mẹ chồng, mà quên đi mục đích cuối cùng khi xây dựng gia đình.

Từ lâu, hàng xóm đã không còn lạ lẫm với những âm thanh chửi bới, nhiếc móc nhau của vợ chồng nhà dưới tầng 1. Từ khi có con, cô vợ luôn đầu tắt mặt tối, còn ông chồng thì suốt ngày lê la quán bia, hàng nước với chúng bạn. Hiếm khi thấy họ vui vẻ cười nói với nhau. Thậm chí, có lần 2 người còn cầm ghế choảng nhau trước mặt đứa con. Mỗi lần như thế, thằng bé lại sợ hãi chạy vào góc nhà.

Tôi có chị bạn lấy chồng bằng tuổi. Vợ chồng khắc khẩu nên cãi nhau như cơm bữa. Có những lúc họ khùng điên lên còn xưng hô mày, tao với nhau. Nhưng chỉ qua 1 đêm là mọi chuyện lại êm xuôi như chưa có gì xảy ra. Chị vẫn rất yêu thương chồng và coi việc tranh cãi là gia vị cho tình yêu thêm mặn nồng. 

Nhưng mấy ai biết, thứ “gia vị” ấy có thể trở thành chất độc hại trong tiềm thức của những đứa con khi chúng trưởng thành.

Hồi mới về làm dâu, tôi cũng lâm vào tình trạng dăm bữa nửa tháng lại xung đột với mẹ chồng. Chồng tôi thường xuyên đứng giữa chịu trận. Anh phân tích, khuyên nhủ, đêm đêm tỉ tê để tôi nín nhịn cho không khí gia đình bớt căng thẳng. Tính tôi ghét sự bất công nên không có chuyện ậm ừ cho xong. Tôi nhận ra mình thật hả hê mỗi khi “cãi” được câu nào mà bà không còn lý lẽ để nói nữa.

Vì các con, tác giả đã nỗ lực thay đổi để tạo ra bầu không khí gia đình vui vẻ
Vì các con, tác giả đã nỗ lực thay đổi để tạo ra bầu không khí gia đình vui vẻ

Đã có lần, vì chuyện xung đột với mẹ chồng mà thành ra vợ chồng tôi cãi nhau đến mức còn định ly hôn. Tôi vẫn nhớ như in vẻ mặt bất lực của chồng: “Tại sao lại phải vạch lá tìm sâu với người thân của mình? Nghĩ cách giải quyết mọi chuyện không tốt hơn sao?”. Đứa con thơ mắt tròn xoe ngơ ngác: “Con không muốn bà với mẹ to tiếng với nhau đâu”.

Tôi giật mình khi bấy lâu chỉ mải mê bảo vệ cái tôi của bản thân để tranh đấu với mẹ chồng, mà quên đi mục đích cuối cùng khi xây dựng gia đình là tạo môi trường tích cực giúp con cái lớn lên khỏe mạnh, cả về thể chất lẫn tinh thần.

Một lần, đọc nghiên cứu của tiến sĩ, bác sĩ tâm thần David Hawkins, tôi bàng hoàng nhận ra những điều mà xưa nay mình vẫn cho là vô hại thực sự đáng sợ ra sao. Những cảm xúc tiêu cực như: lo âu, giận dữ, sợ hãi, nhục nhã… là nguyên nhân triệt tiêu nguồn năng lượng của con người. Khi cha mẹ có năng lượng thấp, họ rất khó có thể bình tĩnh lắng nghe con; đặc biệt dễ nổi nóng, đánh mắng khi trẻ mè nheo, nghịch ngợm hay làm trái ý mình.

Không chỉ làm tổn hại đến sức khỏe bản thân, những sóng năng lượng tiêu cực cũng tác động trực tiếp lên trẻ. Trẻ con không có khả năng sàng lọc thông tin nên dễ dàng bị tiếp nhận những năng lượng thấp đó.

Ngược lại, các cảm xúc “lạc quan”, “tin tưởng”, “yêu thương”, “chấp nhận” hay “tha thứ”… đều phát ra mức năng lượng cao. Khi mọi người trong gia đình cùng có cảm xúc tốt đẹp, năng lượng bình an sẽ tràn đầy và con trẻ là người được hưởng lợi nhiều nhất: trẻ sẽ được chăm sóc tốt hơn, nghe được nhiều lời yêu thương hơn, sống vui vẻ và hạnh phúc hơn.

Nhận ra những điều đó, tôi bắt đầu học cách thay đổi. Tôi chấp nhận việc không thể làm hài lòng mẹ chồng nên không còn căng thẳng mỗi khi bà phàn nàn hay góp ý nữa.

Ảnh mang tính minh họa - Freepik
Ảnh mang tính minh họa - Freepik

Khi cảm xúc lên cao đột ngột, tôi tập hít thở sâu và chọn im lặng rời đi. Đợi lúc mẹ con nói chuyện vui vẻ, tôi mới nhẹ nhàng tâm sự để bà hiểu thêm về tôi. Con tôi không xa lánh bà nữa. Bé nhìn thấy mẹ và bà nói chuyện vui vẻ cũng trở nên dễ chịu ngồi yên khi bà ôm chứ không giãy nảy như trước. Không khí gia đình dễ chịu hơn, đầy ắp tiếng cười của người lớn và trẻ nhỏ.

Để có được sự hòa hợp trong gia đình, cần nhiều sự nỗ lực của các thành viên. Nhưng đó là sự nỗ lực rất xứng đáng, bởi mối quan hệ hòa hợp trong gia đình sẽ tạo ra môi trường tích cực giúp nuôi dưỡng những đứa trẻ lớn lên lành mạnh và bình an. 

Trang Anh

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI