Con không còn ngây thơ như cha mẹ nghĩ

08/04/2024 - 06:12

PNO - Khảo sát trước khi bước vào lớp giáo dục giới tính cho học sinh lớp Sáu ở một trường liên cấp tại quận 7, TPHCM, tôi nhận được kết quả: trên 15% học sinh đã “có người yêu”, gần 10% học sinh đã quan hệ tình dục ít nhất 1 lần.

Trên thực tế, đa phần học sinh đầu cấp THCS đã dậy thì, vì tuổi dậy thì nay đã đến sớm hơn. Học sinh 8, 9 tuổi được ghi nhận có dấu hiệu dậy thì khá phổ biến. Đã đến lúc phụ huynh cần nhìn nhận nghiêm túc về chuyện dậy thì ở con trẻ, cập nhật kiến thức và quan tâm đúng mực đối với những thay đổi theo độ tuổi của các con, đặc biệt là việc giáo dục giới tính tuổi mới lớn.

Ảnh mang tính minh họa - Pressfoto_Freepik
Ảnh mang tính minh họa - Pressfoto_Freepik

Bước vào tuổi dậy thì, cơ thể trẻ trở nên phổng phao, các đường nét cơ thể và các vùng nhạy cảm có những thay đổi rõ rệt, dễ dàng thu hút ánh mắt người xung quanh, bao gồm cả kẻ xấu. Bất kỳ sự sơ suất, lơ là nào đều tiềm ẩn rủi ro đến an toàn, tâm sinh lý, sinh hoạt và học tập của các con.

Giáo dục giới tính chậm và chưa đầy đủ

Thông thường, giáo dục giới tính được đề cập ở khía cạnh giáo dục tình dục. Tuy nhiên, tiếp cận rộng hơn, giáo dục giới tính bao gồm việc giáo dục về: giải phẫu sinh dục, sinh sản (nhận dạng, phân biệt, cấu tạo cơ quan, chức năng, cách thức hoạt động, bảo vệ…); quan hệ tình dục; sức khỏe sinh sản, quyền sinh sản và các trách nhiệm, tránh thai, các khía cạnh khác của thái độ tình dục…; các quan hệ tình cảm (tình bạn, tình yêu, tình thân, xã giao…).

Nếu chỉ tiếp cận hạn hẹp ở góc độ giáo dục tình dục, chúng ta sẽ bỏ qua các yếu tố hỗ trợ trẻ nhận thức về tâm lý độ tuổi, thái độ ứng xử phù hợp với người khác và bản thân, cách bảo vệ mình trước kẻ xấu hay tôn trọng cơ thể, tình cảm, cảm xúc giới tính của người khác… Điều này dễ dẫn đến các hệ quả xấu, ảnh hưởng đến trẻ.

Ảnh mang tính minh họa - Freepik
Ảnh mang tính minh họa - Freepik

Cách đây nhiều năm, một học sinh tên S. (sống tại quận 5, TPHCM) tìm đến phòng tư vấn tâm lý gặp tôi trong trạng thái lo lắng, xấu hổ vì bị tấn công tình dục. Người tấn công em không ai khác là một cô bán hàng đầu hẻm - rất quen thuộc với nhà em, đến nỗi, cha mẹ em đều biết, người này thường có các hành vi quá trớn như sờ mông, nắm tay, nhéo ngực các bé trai trong xóm mà không ai buồn phản kháng.

S. khóc nức nở và tâm sự về việc bị đối tượng đẩy vào tường, lột sạch quần áo giữa trưa thanh vắng để thực hiện ý đồ. Khi cha mẹ S. được mời đến phòng tư vấn, sau khi thấy tâm trạng hoảng loạn của con trai, cùng phân tích của chuyên viên tâm lý, họ cảm thấy ân hận vì xem thường những hành vi “chọc ghẹo” thường ngày của người phụ nữ bán hàng kia và nhận lỗi vì ít quan tâm giáo dục con về vấn đề giới tính, tình dục do nghĩ con còn nhỏ, không cần thiết.

Năm ngoái, khi đang đứng lớp chuyên đề “Phòng chống xâm hại tình dục”, một nữ sinh bộc bạch với tôi: "Ở nhà, mấy anh con hay trêu đùa và sờ vào ngực, vào cơ quan sinh dục hoài".

Tôi hỏi về phản ứng của con, con nói: "con quen rồi", và cô bé lớp Bốn này cho hay "người lớn không can ngăn hay trách phạt gì các anh cả".

Điều này rất nguy hiểm. Khi trẻ quá quen với các tác động về mặt cơ thể, sẽ dễ dàng thỏa hiệp với những đụng chạm không an toàn từ kẻ xấu, thậm chí không có ý định phản kháng trước hành vi lạm dụng tình dục, dễ dẫn đến hành vi xâm hại tình dục ở mức độ nghiêm trọng hơn.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

4 lưu ý quan trọng khi giáo dục giới tính tuổi dậy thì

1. Giáo dục giới tính từ sớm. Nhà trường và phụ huynh không nên đợi trẻ dậy thì mới dạy về giới tính, tình dục, bảo vệ thân thể, chăm sóc sức khỏe sinh sản, tình bạn, tình yêu… mà hãy bắt đầu từng chút một khi trẻ ở độ tuổi nhỏ hơn, phù hợp với khả năng tiếp thu của các con.

2. Không khinh suất. Đôi khi, trẻ rơi vào tình huống xấu chỉ vì người lớn không lường trước nguy cơ. Chẳng hạn, người lớn vẫn còn giữ thói quen ôm hôn thân mật, đụng chạm thoải mái vào các bộ phận riêng tư (môi miệng, ngực, mông, cơ quan sinh dục) khi chưa xin phép trẻ. Đặc biệt, hàng xóm, người quen có hành vi âu yếm, ôm ấp, sờ chạm cũng không được nhắc nhở, trẻ tỏ ra khó chịu lại bị quở mắng.

3. Cập nhật kiến thức. Kiến thức tâm lý lứa tuổi, giáo dục giới tính cần được cập nhật liên tục vì luôn mới mẻ, biến đổi phù hợp với sự tiến bộ của xã hội, bối cảnh kinh tế - giáo dục. Đặc biệt, hành vi xâm hại, tấn công, lạm dụng tình dục của kẻ xấu không ngừng leo thang và ngày càng tinh vi hơn.

4. Hãy nhờ sự trợ giúp. Không phải phụ huynh nào, thầy cô giáo nào cũng đủ kiến thức, phương pháp và năng lực giáo dục tâm lý, giới tính cho trẻ. Do đó, hãy cân nhắc tìm kiếm và nhờ sự trợ giúp từ chuyên gia, nhà chuyên môn, bác sĩ… để rút ngắn thời gian, quá trình thực hiện hoạt động giáo dục nhằm tăng tính hiệu quả và bảo vệ tốt nhất sự an toàn của con trẻ.

Thạc sĩ tâm lý Lê Minh Huân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI