Con đường chông gai của những người đi tìm miền đất hứa

02/03/2023 - 06:22

PNO - Đối mặt với chiến tranh, thiên tai, bệnh tật, khủng hoảng kinh tế, hàng triệu người trên thế giới chọn rời bỏ quê hương để tìm nơi có cuộc sống tốt đẹp hơn. Thế nhưng trên hành trình ấy, họ có thể phải trả giá bằng nỗi đau, nước mắt và thậm chí cả sinh mạng.

Những hành trình nguy hiểm

Số người chết khi một chiếc thuyền chở người di cư bị chìm gần thành phố Crotone, miền nam nước Ý hôm 26/2 đã tăng lên 64. Con thuyền chở khoảng 180 người, xuất phát từ thành phố Izmir của Thổ Nhĩ Kỳ, va phải đá ngầm cách bờ biển chỉ vài mét trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt rồi vỡ đôi.

Trong số những nạn nhân thiệt mạng, có 33 phụ nữ và 14 trẻ em. Sau vụ việc thương tâm này, người đứng đầu Ủy ban châu Âu - bà Ursula von der Leyen - kêu gọi cải cách quyền tị nạn ở khu vực Liên minh châu Âu (EU). Bộ Nội vụ Ý cho biết, gần 14.000 người di cư đã đến nước này kể từ đầu năm 2023, so với khoảng 5.200 người cùng kỳ năm ngoái. Ý đổ lỗi cho các đối tác EU về sự thiếu đoàn kết trong việc phân bổ người di cư. Vị trí địa lý của đất nước khiến nơi đây trở thành lựa chọn cập bến đầu tiên cho những người xin tị nạn từ Bắc Phi đến châu Âu.

Các mảnh vỡ của chiếc thuyền di cư bị chìm tại phía nam nước Ý dạt vào bờ biển của ngôi làng du lịch Steccato di Cutro - ẢNH: AFP
Các mảnh vỡ của chiếc thuyền di cư bị chìm tại phía nam nước Ý dạt vào bờ biển của ngôi làng du lịch Steccato di Cutro - Ảnh: AFP

Báo cáo “Safe for Some” từ Cao ủy Liên hiệp quốc (LHQ) về người tị nạn (UNHCR) cho thấy, khoảng 1/50 người tị nạn chết hoặc mất tích khi băng qua Địa Trung Hải để đến châu Âu. Trong số những người đến nơi an toàn bằng đường biển, 20% là trẻ em. Trong khi đó, vào năm 2022, 8 triệu người tị nạn từ Ukraine (khoảng 40% là trẻ em) đã tìm đường đến châu Âu để tránh chiến sự tại quê nhà.

Tổ chức Save the Children nhận định: “Nhiều con đường an toàn, hợp pháp để trẻ em đến châu Âu và xin tị nạn bị đóng cửa, 90% người tị nạn có thể được bảo vệ ở các nước châu Âu đã buộc phải sử dụng các tuyến đường bấp bênh trên đất liền và trên biển”. Những kẻ buôn người thu phí từ 4.000-6.000 USD/người cho những chuyến đi nguy hiểm bằng đường thủy từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Hy Lạp. Bất chấp chi phí và rủi ro cao, số người di cư đến châu Âu đã tăng từ 620.000 người vào năm 2021 lên gần 1 triệu người vào năm 2022. Khoảng 260.000 người xin tị nạn tại châu Âu vào năm 2022 là người Afghanistan và Syria.

Năm 1970, tổng số người di cư quốc tế vào khoảng 85 triệu người. Đến năm 2020, con số này tăng lên 280 triệu người (3,6% tổng dân số thế giới), trong đó phần lớn thuộc về châu Âu, châu Á và Bắc Mỹ. Theo nghiên cứu của Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ với hơn 16.000 người di cư tại 15 quốc gia ở châu Phi, châu Mỹ, châu Á - Thái Bình Dương và châu Âu vào năm 2022, nỗi sợ bị giam giữ và trục xuất có thể ngăn cản nhiều người tị nạn, người xin tị nạn và những người di cư khác tìm kiếm sự giúp đỡ.

Khó khăn nối tiếp khó khăn

Suốt 12 năm qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã đón nhận lượng người tị nạn lớn nhất thế giới - hơn 4 triệu người, hầu hết là từ nước láng giềng Syria và một số từ các quốc gia bị chiến tranh tàn phá khác như Afghanistan. Trận động đất đầu tháng 2 đã giết chết gần 60.000 người ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, khiến hàng triệu người khác mất nhà cửa. Trong bối cảnh thiếu hụt nơi trú ẩn, thực phẩm và những dịch vụ cơ bản ở các khu vực bị ảnh hưởng bởi động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ, xu hướng phản đối người tị nạn đã gia tăng tại Thổ Nhĩ Kỳ và ngày càng có nhiều lời kêu gọi người tị nạn rời đi. 

Tại Kenya, người mẹ 26 tuổi Dool Abdirahman Ismael đã rời ngôi làng của mình ở Somalia và đi bộ 3 ngày giữa cái nóng thiêu đốt để đến trại tị nạn Dadaab, Kenya. Ismael hy vọng mình và đứa con 3 tháng tuổi của cô sẽ thoát khỏi đói khát và bệnh tật. Tuy nhiên, chào đón họ là vùng đất cằn cỗi, đông đúc và thiếu thốn. Dadaab - một trong những trại tị nạn lớn nhất thế giới - hiện là nơi sinh sống của khoảng 300.000 người. Tại khu vực dành cho trẻ em suy dinh dưỡng nặng, Ismael chua xót nhìn tình trạng của con mình ngày càng tệ đi. Suy dinh dưỡng trầm trọng khiến đầu đứa trẻ sưng to vì tích nước. 

Theo LHQ, hạn hán đã khiến 1 triệu người Somalia phải di dời và khoảng 100.000 người đã đến nước láng giềng Kenya. Các cơ quan viện trợ của LHQ đang phải vật lộn để theo kịp tốc độ gia tăng người tị nạn. Họ cho biết chỉ nhận được khoảng một nửa trong số 11,1 triệu USD cần thiết cho công việc của mình ở miền bắc Kenya. Tình trạng quá tải cũng đang thúc đẩy sự lây lan của các bệnh truyền nhiễm như dịch tả. Hiện tại, hàng trăm người Somalia tiếp tục đến Dadaab mỗi ngày. Dự kiến khu trại sẽ đón khoảng 90.000 người mới đến vào cuối năm 2023. 

Tấn Vĩ (theo Al-monito, Reuters, Arab News, Brussels Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI