Cuộc khủng hoảng di cư lại nóng lên

26/12/2021 - 16:29

PNO - Khi đại dịch lắng xuống và biên giới các quốc gia dần mở cửa, cuộc khủng hoảng di cư lại nổi lên. Tại châu Âu và Mỹ, phần lớn người di cư bị chặn lại ở biên giới, và họ đã mất hàng tỷ USD vào tay bọn tội phạm.

Cuộc khủng hoảng nhân đạo

Cuối tháng, ít nhất 31 người di cư thiệt mạng sau khi một chiếc thuyền bị lật ở eo biển Manche trong lúc cố gắng vượt biển từ Pháp sang Anh. Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gerald Darmanin cho biết chỉ trong ngày 24/11, đã có 255 người di cư vượt qua được eo biển để đến Anh, và 681 người khác bị giữ lại tại Pháp. Theo ông, chính bọn buôn người đã khiến những người di cư đó thiệt mạng khi đưa họ qua eo biển bằng những chiếc xuồng mỏng manh, với khoản phí lên tới 3.300 USD mỗi người.

Ở bờ đông châu Âu, hàng ngàn người di cư đang bị lạnh cóng, tuyệt vọng tìm cách đi đến biên giới giữa Belarus với Ba Lan. Trong nhiều tháng, các tổ chức nhân đạo đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về làn sóng người di cư, xin tị nạn tại khu vực biên giới của Belarus với các nước láng giềng Ba Lan, Lithuania và Ukraine. Các nhà lãnh đạo Mỹ, NATO và châu Âu cáo buộc Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đã hỗ trợ hàng ngàn người di cư từ Trung Đông và thúc đẩy họ tìm cách vượt biên trái phép vào EU.

Người di cư tập trung tại khu trại ở Belarus gần biên giới với Ba Lan vào tuần trước, sau đó họ được chính quyền Belarus chuyển đến một nhà kho - ẢNH: NEW YORK TIMES
Người di cư tập trung tại khu trại ở Belarus gần biên giới với Ba Lan vào tuần trước, sau đó họ được chính quyền Belarus chuyển đến một nhà kho - Ảnh: NEW YORK TIMES

Quốc hội Ba Lan đã thông qua một sửa đổi luật cho phép lực lượng biên phòng trục xuất ngay lập tức người di cư vượt biên trái phép. Một luật tương tự cũng được Lithuania áp dụng vào tháng 8. Trong khi Công ước châu Âu về nhân quyền đã thiết lập các đảm bảo pháp lý rằng bất kỳ ai tìm kiếm sự bảo vệ phải được tiếp cận với quy trình tị nạn, ngay cả khi họ vượt biên bất hợp pháp. Khi được hỏi về những hành động gần đây của Lithuania, một phát ngôn viên của EU cho biết: “Chính quyền Lithuania sẽ tiến hành các thủ tục xin tị nạn và gửi trả phù hợp với luật pháp của EU”. Theo Tổ chức Human Rights Watch, làn sóng người di cư đang cố gắng vào Ba Lan và Lithuania hiện nay phần lớn đến từ Iraq. 

Chặng đường chông gai và đắt đỏ

Sau khi hạ cánh xuống sân bay quốc tế Baghdad trên chuyến bay gửi trả từ Minsk (Belarus), Hussein Saadi Ahmed (25 tuổi) cho biết, anh đã tìm cách bỏ trốn khỏi Iraq do tình hình kinh tế và an ninh ngày càng tồi tệ. Ahmed - một cử nhân luật - đã chi khoảng 3.000 USD để đến biên giới, xin thị thực du lịch thông qua một công ty du lịch để đến Belarus. Khi đến nơi, những người di cư, xin tị nạn được các lực lượng Belarus hỗ trợ đến biên giới, nhưng họ phải tự băng qua các khu rừng rậm trong nhiệt độ đóng băng suốt nhiều ngày mà không có nước và thức ăn. Khi gần đến được biên giới với EU, phần lớn trong số họ bị quân đội Ba Lan chặn lại và buộc phải quay trở về Belarus. Ahmed cảnh báo những người khác “không bao giờ bạn có thể vượt qua biên giới Ba Lan”.

Một báo cáo mới được công bố bởi Viện Chính sách di cư, Chương trình Lương thực Thế giới và Viện Công nghệ Massachusetts cho thấy, những người di cư từ Guatemala, Honduras và El Salvador chi 2,2 tỷ USD mỗi năm để tìm cách đến Mỹ, hầu hết số tiền đó lọt vào tay bọn tội phạm. Để khắc phục cuộc khủng hoảng, nhóm tác giả khuyến nghị chính phủ mở rộng các chương trình bảo trợ xã hội và kích thích đầu tư để tăng cơ hội kinh tế cho các nước nghèo. Đồng thời, Mỹ và các nước khác cần cung cấp nhiều con đường hợp pháp hơn cho người di cư. Nếu điều đó xảy ra, phần lớn người di cư sẽ chọn các chương trình từ chính phủ thay vì các mạng lưới chuyển người đầy rủi ro. 

Tấn Vĩ (theo Guardian, CNN, New York Times, NBC, BBC)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI