Con cứng đầu, cha mẹ đau đầu

30/11/2022 - 13:47

PNO - Nhiều phụ huynh rơi vào trạng thái “ba phần nuông chiều, bảy phần bất lực” vì họ thực sự hết cách và cạn sức “giáo huấn” con.

Sau 7 năm sáng lập, tổ chức và điều hành Trung tâm An Nhiên với các chương trình giảng dạy kỹ năng sống, dã ngoại, du lịch trải nghiệm cho trẻ, tôi chứng kiến vô số cảnh ngang ngạnh, ương bướng của trẻ khi đi cùng cha mẹ.

Nhiều phụ huynh rơi vào trạng thái “ba phần nuông chiều, bảy phần bất lực” vì họ thực sự hết cách và cạn sức “giáo huấn” con.

Những đứa trẻ thích “làm trời, làm đất”

Trong chuyến trải nghiệm tại Bình Thuận, chị Chiêu Dung (quận Bình Thạnh, TPHCM) tranh thủ lúc con trai đang vui chơi cùng các bạn, thủ thỉ với tôi: “Bé đi học thì bị mắng vốn, về nhà thì chướng, hành động theo ý mình, đôi khi mẹ xấu hổ trước mọi người vì không quản được con. Lúc thì bé giận nên đập điện thoại, khi thì hất đồ đạc tứ tung, lúc thì con chửi mắng mẹ “chặn miệng” không kịp! Nhiều lần giận quá, tôi đã đánh con, dù rất xót…”.

Những chuyến đi dã ngoại giúp trẻ hiểu thêm về cuộc sống và rèn được nhiều kỹ năng ứng xử
Những chuyến đi dã ngoại giúp trẻ hiểu thêm về cuộc sống và rèn được nhiều kỹ năng ứng xử

 

Dịp tổ chức chuyến đi Đà Lạt, một phụ huynh “méc” với tôi về gia đình anh Nguyễn Tâm cùng đoàn: “Thầy ơi, nhà đó dạy con kỳ quá! Con cái thì nuông chiều hết mức, nhưng khi xảy ra chuyện thì chửi mắng con xối xả giữa đám đông. Em không dám chen vô góp ý, vì đó là chuyện của nhà người ta. Thầy coi có hỗ trợ họ được không, chứ em thấy như vậy không tốt cho 2 đứa nhỏ con họ”. 

Tôi chờ cơ hội để hỏi thăm và trò chuyện với anh Tâm, vì tôi nhận thấy họ nói năng không khéo léo, vợ chồng mâu thuẫn là lớn tiếng chỉ trích nhau, họ dạy con khá cảm tính, cha mẹ không thống nhất. 2 đứa con của anh chị đều “làm trời, làm đất” mỗi khi trái ý, khó ở.

Có lần, đứa con trai anh Tâm vào vườn cây, thấy cây bơ trái còn xanh và đòi hái, người cha đồng ý mà không xin phép chủ vườn. Đứa trẻ cầm được trái bơ chơi chán chê  thì vứt luôn ra gốc, người cha chỉ cười khì. Lần khác, đứa con gái giật lấy đồ chơi của anh trai, anh trai giật lại, bé gái hét toáng lên, cha mẹ thi nhau chỉ trích bé trai, vỗ về bé gái… Không thấy động thái nào giải thích cho con trai hiểu về sự nhường nhịn hay thuyết phục bé gái phải xin lỗi anh trai. Cả đoàn lặng lẽ “lắc đầu”. 

Trong các chuyến đi như vậy, tôi thường trở thành “chuyên gia bất đắc dĩ” hỗ trợ phụ huynh “giáo dục con cái”.

Người nào hiểu, lắng nghe và thực hành thì mối quan hệ cha mẹ con cái có thể thay đổi tích cực… Phụ huynh nhờ đó mà thêm gắn bó với trung tâm và tiếp tục cho trẻ tham gia các chuyến đi do tôi tổ chức. Qua đó, chúng tôi thêm tin tưởng nhau và trở nên thân thiết hơn. Có chuyện gì, phụ huynh đều sẵn lòng bày tỏ và lắng nghe. Ngoài đánh giá tích cực của phụ huynh về các thay đổi của bản thân và con cái sau những chuyến đi với tôi thì chính những đứa trẻ cũng tâm sự: “Con thích đi chơi với thầy”, “Ba mẹ con hay kể về thầy cho con nghe và chịu làm theo lời thầy”, “Ba mẹ ít la rầy con hơn”…

Thực ra, giáo dục một người ngang ngạnh ở tuổi trưởng thành mới khó, chứ giáo dục một đứa trẻ bướng bỉnh thì dễ hơn nhiều. 

Nhận ra nguyên nhân

Trở lại câu chuyện của chị Chiêu Dung (quận Bình Thạnh, TPHCM). Con trai chị Dung năm nay đã 10 tuổi nhưng hầu hết chuyện sinh hoạt cá nhân đều có người làm thay, từ ăn hũ sữa chua, đến bữa cơm, chọn áo quần và mặc đồ.

Con đòi gì cũng được mẹ đáp ứng hoặc đồng ý. Thay vì chỉ con cách làm thì “đã có mẹ lo”. Khi con làm sai, mẹ bỏ qua, con yêu sách - mẹ đáp ứng, con làm sai - mẹ  “ừ ừ, không sao”. Vì vậy, con chỉ cần “mẹ ơi, con muốn…” là “cơm dâng tận răng, nước rót tận miệng”. Được đà, trẻ ngày càng lấn tới. 

 

Sau khi nghe chị kể chuyện, tôi nhận xét: “Mẹ quá chiều con!” và chị thừa nhận.

Khi trẻ bốc đồng, ăn vạ và chống đối, người lớn cần khoanh vùng lý do và trả lời câu hỏi “tại sao lại như vậy?” để nhận biết nguyên nhân. Chẳng hạn, bé to tiếng cãi cha mẹ là do bé bắt chước ai? Người hàng xóm, hay nhân vật nào trong phim bé đã xem? Hay gương xấu này bé học từ cha mẹ? Bé chống đối vì khủng hoảng tuổi lên 3, tuổi đến trường hay tuổi dậy thì? Bé bướng vì chúng ta nuông chiều hay giáo dục sai cách, không chỉ ra hậu quả và không giải thích sau khi trẻ làm sai những lần đầu. Trẻ bướng vì trẻ làm đúng khi thấy người lớn hiểu lầm, hiểu sai…

Khi biết được nguyên nhân, phụ huynh dễ dàng gỡ rối và giáo dục trẻ tốt hơn. 

Đừng “hùa sai” theo trẻ 

Rất nhiều phụ huynh không ý thức rõ hành động chưa đúng của mình khi “hùa sai” theo con. Hành vi này rất dễ tạo ra nhận thức sai lệch ở trẻ. Chẳng hạn, lúc trẻ học cầm kéo, thay vì cắt giấy vụn hoặc cắt các mẩu giấy được cung cấp sẵn, thì cắt vào quyển sách, hay chiếc áo… Phụ huynh chỉ để tâm rằng “con cắt được rồi” và tỏ ra vui mừng. Bé sẽ hiểu rằng, cắt vào áo, quần, tập, sách… khiến người lớn vui lòng, và sẽ lặp lại việc này. 

Trong trường hợp này, cha mẹ cần nói với con: “Con cắt nhầm vào quần, áo và tập, sách rồi! Con chỉ được cắt giấy vụn ở đây thôi nhé!”. 

Cách đây vài ngày, một học sinh lớp Hai phát hiện thấy tổ chim sẻ trong vườn nở 2 chú chim non rất dễ thương.

Không hiểu vì tò mò hay vì tính tình phá bĩnh vốn có, cậu đã dùng chổi hất rơi tổ chim, làm chim non rớt xuống gốc cây. Tôi tỏ ra không hài lòng khi biết việc này. Tôi bắt tay vào khắc phục hậu quả: Trả tổ chim và chim non về vị trí cũ, rồi quay sang phân tích và giải thích chấn chỉnh hành vi của cậu bé. 

Một số phụ huynh đã giữ yên lặng để theo dõi, nhưng có phụ huynh biện hộ cho cậu: “Thầy ơi, dù sao con cũng là trẻ con thôi!”, “Thầy bỏ qua cho bé…”. Dù phụ huynh có ý tốt, nhưng nếu không nhân sự việc để giáo dục trẻ, tôi e rằng, đến lúc khác trẻ sẽ tái diễn hành động không hay này. Chúng ta không nên “a dua” theo sở thích hay tò mò quá trớn của các bé.

Ảnh mang tính minh họa - Our-Team
Ảnh mang tính minh họa - Our-Team

Đặt ra nguyên tắc và giới hạn 

Việc đặt ra nguyên tắc và giới hạn cho con trẻ vô cùng cần thiết, giúp trẻ biết được điều gì cần và không cần, nên và không nên làm, cái nào thì tốt, điều nào tạo hậu quả xấu. 

Trong chuyên mục tư vấn tâm lý “Đồng hành cùng con” của Đài phát thanh truyền hình Vĩnh Long, có phụ huynh nêu trăn trở với tôi về việc cháu nội của mình quá mê game, về nhà là vào phòng khóa trái cửa. Cha mẹ bé đi làm xa, nên bà nội vô cùng căng thẳng mỗi khi nhắc cháu chuyện dùng điện thoại. Bà gửi gắm: “Thầy giúp bà cháu tôi với!”.

Bà sợ cháu học hành tệ hơn vì cháu đã tụt hạng ở lớp, lo ngại các vấn đề về mắt, về giao tiếp với người khác… 
Tôi mách nước cho bà và gợi ý bà “mượn lực” từ giáo viên chủ nhiệm. Vậy là sau vài tuần, bà gọi lên chương trình cảm ơn vì “cai điện thoại” cho cháu thành công.

Đặt giới hạn cho trẻ như thế nào? 

Cha mẹ sẽ thỏa thuận trước với con và dặn dò trước khi con làm việc gì… Cụ thể: “Con có 15 phút xem ti vi sau khi hoàn thành bài tập về nhà nhé!”, “Con còn 5 phút…”, “Con còn 3 phút” và “Hết giờ xem ti vi rồi con”. Hay: “Trong chuyến đi này, con giúp ba mẹ lưu ý mấy điều như sau: Nghe lời thầy cô, không mang theo điện thoại, không đi ra ngoài một mình khi người lớn chưa cho phép, luôn nói năng lễ độ…’’.

Các quy tắc này sẽ “cầm cương”, quản lý “chú ngựa bướng bỉnh” của con. Khi con vi phạm, phụ huynh có thể nhắc nhở: “Có phải ba mẹ đã dặn con ngay từ đầu rồi không? Bây giờ, con vi phạm thì mình sẽ chịu trách nhiệm thế nào?”. Trẻ sẽ dễ dàng chấp nhận sai lầm, xin lỗi và chịu trách nhiệm hơn so với việc chúng ta đợi “mất bò mới lo làm chuồng”. Đừng đợi xảy ra chuyện rồi mới dạy con, hãy dự phòng, đề phòng càng xa, càng sớm, càng tốt.

Ảnh mang tính minh họa - PressFoto
Ảnh mang tính minh họa - PressFoto

Tham khảo ý kiến chuyên môn 

Mỗi đứa trẻ một tính cách khác nhau, trong khi hiểu biết về tâm lý và phương pháp giáo dục con ở mỗi phụ huynh lại có nhiều giới hạn. Tài liệu trong sách, internet lại đưa ra những khuyến nghị chung chung, thiếu hệ thống và tràn lan, nên phụ huynh đã bối rối lại càng dễ hoang mang hơn khi đối mặt với những đứa trẻ bướng bỉnh. 

Làm cha mẹ rất cần cập nhật liên tục kiến thức và cách thức dạy con bài bản. Phải học hỏi từ nhiều nguồn, nhưng lại không tránh khỏi những bí bách có thật. Lúc bản thân thực sự hết cách, lại không muốn mang con ra làm “chuột bạch” hay tiếp nối các sai lầm cũ, người lớn tốt nhất hãy tham khảo ý kiến chuyên môn từ các nhà tâm lý, giáo dục và sư phạm. Điều này giúp rút ngắn hoặc loại bỏ quá trình thử-sai, đồng thời giúp khắc phục tính bướng bỉnh của con tốt hơn. 

Thạc sĩ tâm lý Lê Minh Huân

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI