Con chung - con riêng

08/01/2022 - 15:25

PNO - Chúng ta thường mặc định: Mẹ kế chắc chắn không thương con chồng. Câu chuyện bé gái tám tuổi bị “dì ghẻ” bạo hành đến chết thêm một lần khẳng định “chân lý” đó, để dư luận chì chiết những người mẹ kế. Câu chuyện gia đình chị Nguyễn Thị Ánh Xoan (Phan Thiết, Bình Thuận) như một nét vẽ màu hồng giữa những ngày xám xịt này.

 

Mọi sự trên đời còn là… tùy duyên

Chị Nguyễn Thị Ánh Xoan bắt đầu câu chuyện của mình như thế. Hơn sáu năm trước, khi đang làm kế toán cho một cơ sở tư nhân gần nhà, chị Xoan tình cờ gặp chồng mình. Anh là khách hàng thường xuyên của quán cơm chay nhà mẹ chị. Quán cơm cạnh nơi chị làm việc nên buổi trưa, chị thường ghé phụ giúp mẹ.

Chị bắt đầu “để ý” anh vì anh vui tính nhưng cũng băn khoăn khi biết anh đã ly hôn và có đến ba cô con gái. Thế nhưng, tình cảm không thể điều khiển. “Anh ấy đào hoa, con đông… mà sao mình lại cảm mến. Mấy đứa con gái của anh ấy vừa xinh và ngoan” - suy nghĩ đó cuốn lấy chị mỗi khi gặp anh. Nhưng rồi tự chị lại hoảng hốt: “Mình còn thanh xuân thế này sao lại đi thích đàn ông từng có vợ, rồi “gánh” nổi ba đứa bé ấy không? Sự chọn lựa này liệu có làm ba má buồn?”. 

Thế rồi “cớ sự” xảy ra khi cô gái nhỏ hai tuổi của anh cần người chăm sóc để anh yên tâm đi làm. Chị Xoan nhận lời trông đứa bé mà chẳng hiểu vì sao. “Tôi cảm nhận được rằng ngoài việc đã có vợ con, gia đình anh ấy sống rất chan hòa tình cảm” - chị kể.

Dần dà vài tháng sau, anh chị bắt đầu hẹn hò. Mọi thứ cứ đến tự nhiên như thế. Trăn trở lớn nhất chính là những lấn cấn trong chính chị Xoan: “Tôi đi nhiều nơi, gặp nhiều người, biết được cuộc sống vợ chồng không phải lúc nào cũng dễ dàng, êm ấm. Thế nên tình cảnh con chung, con riêng chắc sẽ mang đến nhiều nỗi khổ và áp lực”.

Rồi chị soi lại lòng mình: “Nếu thực sự thương anh, mình phải tự giải quyết các lấn cấn này thôi, không ai có thể giúp mình”. Bài toán đó, chị Xoan tự giải. Và rồi duyên ở lại với họ. 

Khó khăn lớn nhất chính là lời ra vào của hàng xóm, bạn bè… Chị Xoan tự nhủ: “Cứ lo tốt việc nhà mình đã, anh yêu thương mấy mẹ con và chu toàn việc gia đình là tuyệt rồi”. Sau khi anh xây nhà, hai cô con gái lớn cũng về ở với ba, thành một gia đình năm người đầy tiếng cười và hạnh phúc. Chị Xoan đã chăm các con của chồng bằng tình thương của một người mẹ.

“Bé lớn lúc đó đang học lớp 11, bé kế lớp Năm, về ở là gọi tôi bằng mẹ” - chị hãnh diện. Loay hoay nấu ăn, đưa các con đi học… chị Xoan cứ cần mẫn mỗi ngày như thế trong ngôi nhà đầy tình thương. 

Bây giờ, nhà anh chị đã trở thành một đại gia đình với ba cậu nhóc nối nhau ra đời.

Gia đình chị Nguyễn Thị Ánh Xoan
Gia đình chị Nguyễn Thị Ánh Xoan

 

Ngôi nhà không có định kiến “mẹ ghẻ - con chồng”

Những ngày nhọc nhằn nhất trong gia đình chị Xoan là thời điểm chồng chị làm ăn thất bại. Cả gia đình hai người lớn và bốn đứa con phải đi ở nhờ nhà người chú.

“Những lúc khó khăn đến nỗi không còn tiền để đi chợ, tôi cũng chưa bỏ đói bọn nhỏ bữa nào. Nhờ tính tình vui vẻ, gần gũi nên đôi lúc tôi có thể mua thiếu thức ăn ở chợ, khi nào có tiền thì trả” - chị Xoan kể. 

Giờ đây, con lớn của chồng chị đã vào đại học, con kế vào cấp III, bé Sữa đã vào lớp Ba, cả gia đình tám người vẫn hạnh phúc bên nhau.

Công việc bán hàng online của chị Xoan cũng tạm ổn, nhà cửa của họ đã khang trang. Theo chị Xoan, chẳng có lý do gì để ghét bọn nhỏ vì “chúng đáng yêu đến thế kia mà”. Khi hỏi anh Nguyễn Phong Quang về vợ mình, anh nói đơn giản: “Xoan rất được, cô ấy biết sống cho gia đình, chồng con. Cô ấy đã thương những đứa con riêng của tôi đến nỗi không ai biết đó là con riêng của chồng”.

Vui nhất là khi mẹ của “ba cô gái” ghé thăm. Khi đó, vợ cũ, vợ mới lại tíu tít kéo nhau đi mua sắm. “Ai cũng hỏi sao hay vậy, tôi thì nghĩ đã có duyên gặp nhau thì cứ vui vẻ, trân trọng nhau thôi”. Với các con chồng, chị Xoan cũng bám vào suy nghĩ đó mà sống bởi “đời vốn đã nhiều nỗi khổ, có duyên lắm mới được ở chung với nhau, thế thì hành hạ nhau làm gì”. 

Còn cô con gái lớn Nguyễn Ngọc Thảo Vy khi nói về “mẹ ghẻ” của mình, đã khẳng định: “Từ “mẹ kế” chưa bao giờ xuất hiện trong cuộc sống của gia đình em bởi mẹ luôn yêu thương, tạo cho em nhiều động lực. Cũng có người hỏi em ở với mẹ kế có xích mích không. Chắc chắn là có, nhưng mọi việc được giải quyết bằng cách nói ra hết, không để bụng hay giận dỗi qua ngày hôm sau. Ai muốn cảm nhận thì đến nhà em làm con nuôi của mẹ em đi”. 

Những ngày dịch bệnh, gia đình họ vẫn bên nhau, cùng nhau kiếm tiền, cùng chăm sóc, vui vẻ với nhau. Định kiến mẹ ghẻ - con chồng không hề tồn tại trong ngôi nhà này. Với chị Xoan, các con đều bình đẳng và đáng được yêu thương như nhau.

“Chưa bao giờ tôi có suy nghĩ “con anh - con tôi” mà luôn đối xử với các con bình đẳng. Cũng may vì các con luôn hiểu và yêu thương tôi cũng như tôi đã luôn yêu thương các con suốt bao năm qua” - chị Xoan trải lòng. 

Lan Khôi

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Võ Thuy y nhi 01-01-2023 10:57:30

    Bạn nói sai rồi con nào cũng là con mà , quan trọng là yêu thương quan tâm đến các con, quan trọng các con dù có trước hay sau nhường nhịn em yêu thương quan tâm đến nhau đừng phân biệt con anh,con em tất cả đều là con,thêm con nuôi nữa, nếu là em sinh càng nhiều càng tốt, em biết cách dạy dỗ các con, em là mẹ, mẹ mong các con hoà thuận yêu thương đoàn kết đừng phân biệt nhau ,các con là tài sản của mẹ mà, cùng một mẹ sinh ra, con không muốn mẹ có hạnh phúc à,con cái thấy cha mẹ hạnh phúc phải vui chứ em con chứ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI