Cơm mẹ nấu ngày giãn cách

23/07/2021 - 05:36

PNO - Tôi liên tục nhắc lại, rằng những ngày này con không có quyền kén chọn. Ăn để tồn tại, để chia sẻ khó khăn với gia đình, với thành phố.

Trước ngày thực hiện Chỉ thị 16 vài hôm, tôi gọi các con lại, giải thích: “Tình hình dịch bệnh thế này, ba mẹ nghỉ việc nên gia đình mình khó khăn về kinh tế. Những ngày này, chợ cũng hạn chế, nhà có gì ăn nấy, có cái để ăn là quý rồi, không nên kén chọn các con nhé”. 

Hai đứa nhỏ vốn thích ăn vặt, ăn ngon, nên nghe mẹ nói thì buồn hiu nhưng cũng tỏ ra đồng hành cùng những “quán triệt” của mẹ.

Một sáng thức dậy, con nói muốn ăn hủ tíu. Biết con đã quên những lời mẹ nhắc về Chỉ thị 16. Tôi thông cảm và nhắc lại. Con ngẩn người ra.

Tôi bảo: “Các con ăn khoai lang luộc đi, vừa ngon vừa bổ, các con không thể nhịn đói trong 15 ngày được đâu”. Đứa lớn trệu trạo nhai một miếng khoai luộc. Đứa nhỏ liến láu: “Để trưa con ăn cơm luôn”. 

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Tôi nấu cơm trưa sớm hơn ngày thường, gồm canh bí đỏ nấu tôm tươi, cá nục kho nước tương, và xắt thêm trái dưa leo. Ngày thường, đây toàn những món ăn con không thích.

Tôi bảo: “Nhà mình ăn vầy là tốt rồi, mẹ chủ trương ăn củ quả, vì những món này để dành được lâu hơn rau xanh. Dịch bệnh không chừa ai, rủi ro cao, mẹ không dám đi chợ mỗi ngày. Vì sức khỏe cả nhà, chúng ta chấp nhận khoảng thời gian ăn uống không như ý nhé”. 

Chẳng ai nhịn đói được lâu, nhất là với trẻ con. Dù vậy, hai con gắp thức ăn kiểu ăn cho đỡ đói. Vừa ăn xong, con vào tủ lạnh “tu” ngay hộp sữa. Chồng đổ thừa tôi chiều chuộng con quá, con đòi ăn gì có nấy, để bây giờ dịch giã, mới bắt đầu... tập ăn.

Nhưng đây cũng là thử thách để các con tồn tại một cách khỏe mạnh, chấp nhận khó khăn trong sự vui vẻ và trách nhiệm. Tôi chờ đợi động thái chấp nhận ấy, bằng cách theo dõi thái độ của các con trong các bữa cơm. 

Chiều, tôi chiên trứng, vẫn là canh bí đỏ nấu từ trưa. Con gái lớn ăn trứng, không ăn canh. Con gái nhỏ nhìn mâm cơm một lượt, rồi chan nước canh vào tô.

Con ăn một cách chớp nhoáng, vì canh vốn dễ... lùa. Tôi bảo con “phát biểu cảm tưởng” về món canh bí đỏ mẹ nấu. Con bé nói “ăn được”, nhưng rồi lại mở tủ lạnh lấy sữa, kiểu... mau chóng tống canh vào bao tử, nhưng không dám nói điều đó với mẹ. 

Dù sao, tôi cũng vui, vì có năm năm con từ giã món canh bí đỏ, đơn giản là con không thích ăn bí đỏ. Mà không thích thì mẹ không ép. Như hôm nay, mẹ không hề ép, nhưng con vẫn ăn vì không có nhiều lựa chọn như ngày thường. 

Tôi liên tục nhắc lại, rằng những ngày này con không có quyền kén chọn. Ăn để tồn tại, để chia sẻ khó khăn với gia đình, với thành phố. Tôi vui mừng vì các con đã không mè nheo, ngúng nguẩy, không làm khó mẹ.

Thay đổi khẩu vị ăn của một đứa trẻ chẳng phải điều dễ dàng. Nhưng xen kẽ món yêu thích vào khẩu phần ăn của con là “mánh lới” ngày dịch của các bà mẹ. Không thể ngày nào cũng ép trẻ ăn những món mà trẻ nuốt không trôi. 

Chiều nay tôi đổi món cháo gà. Đây là món khoái khẩu của hai nàng. “Hôm nay mình ăn cháo gà. Ngày mai mình ăn cơm với cá hộp và canh bí đao nhé các cô gái!”, tôi thông báo. Con hỏi: “Hôm sau nữa mình ăn nui xào hả mẹ?”. Tôi ừ.

Tôi đã “dìu” các con đi gần hết những ngày giãn cách, bằng những bữa ăn đạm bạc, xen những món con thích. Quan trọng nhất là, khi bày mâm cơm, những món ăn dù con không thích nhưng không ăn kiểu trệu trạo, mà ăn theo kiểu... giãn cách, là chấp nhận mọi thứ trong sự sắp đặt của mẹ, trong những ngày khó khăn vì dịch bệnh. 

Phi Khanh 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI