Chuyên gia tâm lý Trần Quốc Phúc: Bạo lực với con thể hiện sự bế tắc của cha mẹ

05/04/2021 - 10:03

PNO - Có nhiều cha mẹ đánh con rồi bật khóc vì hối hận. Họ không biết tại sao mình không thể kiềm chế.

Kỷ lục gia thế giới Trần Quốc Phúc được biết đến với vai trò chuyên gia tư vấn tâm lý, trị liệu. Năm 2015, anh ra mắt tác phẩm Vườn tâm hồn sau tám năm ấp ủ. Đến năm 2016, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) xác lập kỷ lục cho tác phẩm Vườn tâm hồn là Tác phẩm tranh mỹ thuật đầu tiên ứng dụng các audio để giáo dục cho trẻ. Hiện anh đang giảng dạy các nội dung nuôi dạy trẻ, huấn luyện trẻ phát triển bản thân một cách toàn diện.

Anh Trần Quốc Phúc
Anh Trần Quốc Phúc

Nhân vụ một thiếu niên 17 tuổi ở Hà Tĩnh bị trói, chôn sống vì bố mẹ bất lực trong cách dạy dỗ, anh Trần Quốc Phúc đã có những chia sẻ với chúng tôi về cách dạy con thời hiện đại.

Bạo lực phơi bày sự bất lực

Phóng viên: Ông bố bất lực trước đứa con trai 17 tuổi hư hỏng, phải nhờ người dạy con bằng cách tra tấn, chôn sống… rất man rợ. Thưa anh, vì sao phụ huynh phải tìm tới bạo lực để dạy con?

Anh Trần Quốc Phúc: Khi phụ huynh dùng vũ lực với con cái cũng là lúc họ bế tắc trong cách dạy dỗ. Tôi cho rằng người bố này thương con nhưng đang dạy con theo cách cũ. 

Trong giáo dục có hai phương pháp dạy trẻ. Thứ nhất là tìm cách khiến cho đứa trẻ cảm thấy vui sướng khi được yêu thương, chia sẻ, thấy bản thân chúng có giá trị và vui vẻ làm theo lời người lớn. Thứ hai là tạo ra sự sợ hãi, hù dọa để con tránh xa lỗi lầm. Cách thứ hai phổ biến vì cha mẹ thường khó kiểm soát cơn 
giận dữ.

Tuy nhiên, với trẻ độ tuổi mang tâm lý muốn khẳng định bản thân, cái tôi quá lớn, nếu gặp thế lực nào đó cản trở, chúng có xu hướng bỏ nhà đi, quay lưng với gia đình, chán sống. Tôi thấy nhiều cha mẹ không hiểu được tâm lý và cách kết nối với trẻ trong thời hiện đại.

* Và những trận hù dọa, tra tấn tinh thần như vụ việc vừa qua để lại di chứng tinh thần nào với đứa trẻ...

- Muốn xem có ảnh hưởng đến tinh thần của trẻ hay không, phải nhìn ở nhiều góc độ, và chỉ bản thân đứa trẻ mới hiểu rõ. Nếu trong tình huống bị chôn sống, đứa trẻ gào thét, khóc lóc van xin, thì có thể trẻ đã hoảng loạn tâm thần. Còn nếu trẻ “lì đòn” tỏ ra bình thản thì có thể trẻ xem đó như một trò chơi.

Không riêng sự việc vừa qua, bất kỳ đứa trẻ nào phải chịu bạo lực hoặc thường xuyên chứng kiến cảnh bạo lực, vô tình trong hành trình lớn lên, trẻ sẽ có những nỗi sợ vô hình. Đến khi trưởng thành, chỉ cần nghe ồn ào, nghe tiếng cãi nhau hay xuất hiện những hình ảnh nguy hiểm, tăm tối, đứa trẻ từng bị tổn thương sẽ sợ hãi. Đó là nỗi sợ vô cớ, gây ra sự bất an nội tâm. Người từng trải qua cảm giác này thường yếu tâm lý và dễ bỏ cuộc nếu có trắc trở.

Hình ảnh cắt từ clip thanh niên bị chôn sống ở Hà Tĩnh
Hình ảnh cắt từ clip thanh niên bị chôn sống ở Hà Tĩnh

Con hư - cha mẹ không vô can

* Trường hợp ở Hà Tĩnh, nhiều người lớn nói do đứa trẻ quá hư hỗn… 

- Một đứa trẻ hư không chỉ vì ham chơi, bị bạn bè lôi kéo, mà nên xem xét vai trò của cha mẹ. Ví dụ giữa cha mẹ và con cái có rạn nứt nào hay không? Có thể, ông bố thường xuyên nhậu say, lớn tiếng khiến đứa con chán nản. Ông bố thương nhưng không biết cách dạy con, không hiểu tâm lý đứa trẻ trong độ tuổi vị thành niên sẽ phát triển thế nào nên áp đặt, cay nghiệt. Vì không hiểu sâu chuyện gia đình ở Hà Tĩnh nên khó lạm bàn, tôi chỉ thấy rằng, một đứa trẻ hư thì cha mẹ không vô can!

* Vậy, không phải cứ sinh con ra và thương con là có thể trở thành bố mẹ tốt, phải không anh?

- Trong thời đại văn minh thì cha mẹ phải học cách dạy dỗ, ứng xử văn minh với con. Điều này phần nào gây áp lực cho cha mẹ, khi các con đang nghe những thể loại nhạc mà người lớn không thể nghe, diện trang phục bị cho là khó hiểu, tiêu dùng theo xu hướng mới... Dù vất vả, nhưng nếu thương và muốn gần gũi con thì cha mẹ buộc phải cập nhật.

* Cha mẹ Việt thường mắc những lỗi nào trong dạy dỗ con, thưa anh?

- Vấn đề lớn nhất trong cách giáo dục con của bố mẹ Việt Nam là không kiểm soát được cảm xúc, hành vi. Họ nóng nảy, hành xử thiếu kiềm chế. Họ cứ tái diễn hành vi bạo lực rồi lại ân hận. Nhiều người mẹ đánh con xong thì ôm con khóc, không hiểu vì sao mình lại như vậy. 

Vấn đề thứ hai, cha mẹ Việt hay so sánh con mình với “con người ta”. Ngoài ra là không có sự thấu hiểu, đồng hành, lại hay áp đặt khiến con thấy thế giới bên ngoài gia đình đáng sống hơn. Ở ngoài, con được thể hiện mình, được công nhận, ngợi khen, cảm giác đó rất khác với khi về nhà. 

* Phụ huynh thường tìm đến anh để tư vấn vấn đề gì?

- Tính riêng trong mùa dịch COVID-19 của năm 2020, tôi tư vấn, trị liệu tâm lý cho khoảng 100.000 người. Họ chia sẻ việc bản thân bị căng thẳng như thế nào khi bên con trẻ cả ngày. Đối tượng tìm đến tôi rất đa dạng, từ công nhân, viên chức, doanh nhân... trong và ngoài nước. Họ không rõ mình đang mắc kẹt vấn đề nào, cho đến khi họ giãi bày và tôi lý giải điều họ dối diện. 

Khách hàng của tôi học nhiều nhất về cách ứng xử, tương tác với con trẻ. Họ học lại cách cười, cách khen ngợi, kiểm soát lời nói, cách hành động đúng để thực hành trước mặt con, cho con làm theo và thay đổi. 

không có sự thấu hiểu, đồng hành, lại hay áp đặt khiến con thấy thế giới bên ngoài gia đình đáng sống hơn

Cha mẹ không thấu hiểu, đồng hành, lại hay áp đặt khiến con thấy thế giới bên ngoài gia đình đáng sống hơn

* Anh là bố của cô bé năm tuổi, liệu một chuyên gia tâm lý có mắc sai lầm trong cách giáo dục con?

- Con tôi may mắn sinh ra trong gia đình có nền tảng giáo dục. Nhưng cũng có khi tôi áp đặt con mà không quan tâm đến cảm xúc của bé. Tôi nhớ lần đến một quán ăn, con chạy đi, chạy lại nhiều và tôi không cho con làm điều đó, nhưng bé chẳng nghe lời. Biết tôi giận, bé hỏi: “Ba có thương con không ba?”. Do giận chưa nguôi, tôi gằn giọng: “Không”. Tôi thấy con hụt hẫng, ánh mắt rất buồn. Tới lượt tôi buồn vì đã làm tổn thương con.

* Vậy là anh cũng không dễ kiềm chế cơn giận khi bé phạm lỗi?

- Tôi biết đằng sau mỗi hành động của trẻ đều là một công trình. Nhà tôi có một hồ cá. Một ngày đẹp trời, con gái vớt hết cá trong hồ ra ngoài. Vợ tôi thấy và la con rất nhiều. Bé chạy vào, tôi hỏi thì con đáp: “Con vớt mấy con cá ra ngoài để cho cá ăn”. Mục đích của con là tốt, nhưng con không biết rằng cá chỉ sống khi được bơi trong nước. Nếu hồ đồ, tôi đã la mắng con rồi. Người lớn đôi khi không hài lòng về hành động của con trẻ mà hiếm khi chậm lại một nhịp để tìm hiểu thêm. Mỗi lần con làm gì đó sai, tôi sẽ nói: “Con đang khám phá, tìm hiểu gì đó?”. Bạn có thể thử cách này, biết đâu đứa trẻ sẽ kể cho bạn nghe và đôi khi, bạn sẽ bật khóc vì câu trả lời cảm động của chúng…

* Cảm ơn anh đã chia sẻ. 

Diễm Mi (thực hiện)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI