Chồng ruồng rẫy vợ, thoái thác cấp dưỡng con sau ly hôn

19/07/2018 - 14:00

PNO - Chạy theo “tình yêu đích thực”, chồng người phụ nữ ấy từ bỏ vợ và hai con... Cũng như nhiều vụ ly hôn, người vợ sau đó phải đối đầu với cuộc chiến căng thẳng mang tên: quyền nuôi con và tiền cấp dưỡng.

Đó là câu chuyện không vui của người vợ tên N.T, 39 tuổi.

N.T đã từng có một gia đình êm ả. Tuy nghèo nhưng cả 2 vợ chồng T. có công việc ổn định. Chồng lái xe, vợ giáo viên. Họ ở nhà thuê của cơ quan chồng. 

Lương công chức nghèo khó, nhưng vợ chồng T. động viên nhau: “Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời", rồi sẽ ổn thôi. T và chồng luôn cố gắng chăm sóc hai con thật tốt. Thậm chí chồng cô từng tự hào nói với vợ chồng đứa cháu: “Tao chỉ mong vợ chồng mày sống tốt như tao với mợ mày".

Những tưởng cuộc sống êm đềm cứ thế trôi đi. Nhưng khi con trai của T. 10 tuổi và con gái lên 5 tuổi thì chồng T. cặp bồ. Bồ của chồng T. chẳng phải ai xa lạ mà là cô đồng nghiệp cùng cơ quan. Cô ta đã ly hôn và đang nuôi hai con nhỏ. 

Chong ruong ray vo, thoai thac cap duong con sau ly hon

Chị T. và con gái

Khi phát hiện ra chồng thay lòng đổi da, T. đã suy sụp đau khổ. Dù gia đình, cơ quan khuyên giải hàn gắn nhưng chồng T. và cô bồ vẫn lén lút gặp nhau. Cuối cùng, chồng T. ruồng rẫy vợ con và đòi ly hôn. 

“Mình uất hận làm đơn tố cáo chồng với cơ quan. Cơ quan chồng vào cuộc và sự nghiệp của anh gần mất hết. Nhưng ngay lúc anh sắp phải trả giá, mình lại nghĩ, nếu sự nghiệp của anh mất hết thì sau này có duy trì được hôn nhân không, con mình sẽ thiệt thòi vì không được anh chu cấp, lo toan. Nghĩ vậy nên mình chấp nhận rút đơn tố cáo và ký đơn ly hôn. Cuộc hôn nhân của vợ chồng mình đổ vỡ sau 4 năm yêu, 10 năm làm vợ chồng”, T. buồn bã kể lại.

Ly hôn, vợ chồng T. mỗi người mỗi ngả, con cái cũng chia đôi. T. mang con gái đi ở riêng. Chồng T. sống cùng con trai. 

“Mình mang con gái ra khỏi nhà trọ cùng với chiếc hòm sắt thời sinh viên và vài bộ quần áo. Tất cả những đồ đạc mình sắm trong nhà để lại hết cho chồng con. Ngoài ra của cải không có gì để chia.

Chồng mình đưa con xuống ở nhà trọ với ba mẹ con cô nhân tình. Cô ta cuối cùng ép anh phải đưa con trai mình về quê cho ông bà nội. Thế là con trai mình về quê, hai mẹ con mình chỉ gặp nhau qua điện thoại. Mình còn phải dùng điện thoại gói khuyến mãi để hướng dẫn con học bài”, T kể. 

T. tìm việc và đi dạy gia sư để vừa kiếm tiến vừa tìm quên quá khứ. Gần hai năm sau, nhờ anh em bạn bè đồng nghiệp giúp đỡ cho vay không lãi, cộng thêm tiền vay ngân hàng lãi thấp, T. đã cố gắng mua nhà ở xã hội để ổn định cuộc sống.

Lúc này con trai của T. cũng vào lớp 8: “Mình muốn đón con trai lên ở cùng nhưng con chưa muốn. Con bảo, mẹ trả bớt nợ nhà đi đã. Vì thương mẹ vất vả mà con trai phải âm thầm chịu thiệt thòi. Con mình già dặn hơn rất nhiều so với tuổi”.

Cho tới vừa rồi, con trai T. trúng tuyển vào lớp 10, cậu mới bật khóc nói với mẹ: “Con cô đơn lắm. Con nhớ mẹ và em lắm. Mỗi lần nhìn bố đưa bốn mẹ con cô ấy về con càng tủi thân hơn” (họ đã có thêm một chung) .

Nghe con nói vậy, T. quyết định làm đơn ra tòa xin thay đổi quyền nuôi con. Chồng cũ của T. đồng ý, nhưng tiền trợ cấp nuôi hai con hàng tháng không thỏa thuận được: “Chồng cũ bảo với tòa rằng, anh phải nuôi con nhỏ, thuê nhà, có bố mẹ già nên chỉ trợ cấp một triệu đồng cho hai con mỗi tháng và chỉ trợ cấp đến khi cháu lớn 18 tuổi. Tòa nói, phải trợ cấp cho đến khi hai cháu trưởng thành nhưng anh ta không nghe. Cuối cùng vụ việc kết thúc còn khoản trợ cấp tòa để mình và anh ta tự thỏa thuận”.

T. đã sai lầm khi nghĩ, chắc chắn chồng cũ sẽ thương hai con mà đưa tiền cấp dưỡng nghiêm túc. Thế nhưng, thực tế lại ngược lại. Có tháng, anh ta đưa được một triệu đồng, có tháng thì không. Thậm chí vài tháng nay anh trốn bặt không đưa đồng nào. 

Chong ruong ray vo, thoai thac cap duong con sau ly hon

Hiện, ba mẹ con chị T. đã có cuộc sống ổn định hơn.

Người vợ này chia sẻ: “Con gái mình ốm, mình đưa đi hết viện nọ viện kia. Nội soi, sinh thiết, xét nghiệm bao lần. Có những tuần chờ kết quả sinh thiết của con mà mình như phát điên. Vậy mà anh ta không mảy may hỏi con chữa trị thế nào. Quá uất nghẹn, một lần nữa mình lại làm đơn ra tòa yêu cầu anh ta phải thực hiện trợ cấp số tiền nuôi con đúng quy định. Tòa đã thụ lý việc và đã có giấy triệu tập các đương sự.

Tuần sau mình và chồng cũ phải gặp nhau bất đắc dĩ. Anh đem tiền nuôi nấng con người khác, còn con mình thì tủi hổ qua ngày. Mình để xem khi anh không có tiền trong tay thì còn cái gọi là tình yêu đích thực không”.

Hiện, T. chỉ mong bản thân và hai con khỏe mạnh để vượt qua những khó khăn trước mắt.

Nghĩa vụ cấp dưỡng của cha, mẹ đối với con khi ly hôn được quy định tại Điều 82 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 như sau:

1. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.

2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên hoặc con đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

Về mức cấp dưỡng nuôi con quy định tại Điều 116  Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 như sau:

1. Mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

2. Khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng có thể thay đổi. Việc thay đổi mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

Vân Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI