Chiếc cầu nối mang tên “bà đỡ”

10/09/2023 - 07:58

PNO - Tại các cộng đồng nông thôn và vùng sâu vùng xa, những tập tục truyền thống được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Rào cản địa lý và sự khác biệt về văn hóa có thể cản trở việc tiếp cận các trung tâm chăm sóc sức khỏe hiện đại. Do đó, sự hỗ trợ thiết thực của các bà đỡ truyền thống đã tạo ra sự khác biệt lớn cho thai phụ lẫn trẻ sơ sinh.

Nữ hộ sinh truyền thống giúp giảm tỉ lệ tử vong của thai phụ

Leitati Rabikon bước cẩn thận qua những đám cỏ gai để lên ngọn đồi dốc giữa trưa nắng. Ở độ tuổi 80, bà đang cùng 3 phụ nữ khác đến nhà thai phụ Kevina Kenyaga, chuẩn bị giúp cô “đón” đứa con thứ tư. Tất cả là những người hộ sinh truyền thống (bà đỡ) ở Leparua - một cộng đồng xa xôi ở quận Isiolo, đông bắc Kenya. “Hôm nay cô ấy sẽ sinh con” - bà Rabikon nói bằng tiếng Swahili trong khi xoa bóp bụng cho Kenyaga.

Chiều hôm đó, Kenyaga hạ sinh một bé trai tại phòng khám địa phương được tài trợ bởi Tổ chức Bảo tồn Động vật hoang dã Lewa. Bệnh viện chính phủ gần nhất cách nhà 48km. Nếu muốn đến đó, thai phụ phải vượt qua những tên cướp, chưa kể đến việc phải vay mượn tiền để đi lại, nằm viện. 

Bà Leitati Rabikon - một bà đỡ truyền thống - đang mát xa cho thai phụ Kevina Kenyaga tại nhà riêng của cô
Bà Leitati Rabikon - một bà đỡ truyền thống - đang mát xa cho thai phụ Kevina Kenyaga tại nhà riêng của cô

Mặc dù các bà đỡ là những người cung cấp dịch vụ hộ sản chính ở các vùng nông thôn Kenya và trên khắp châu Phi cận Sahara, trước đây, họ bị xem là nguyên nhân khiến một số khu vực có tỉ lệ tử vong ở bà mẹ và trẻ em cao do điều kiện đỡ đẻ thiếu vệ sinh. Dữ liệu do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố cho thấy 95% trong số 287.000 ca tử vong liên quan đến mang thai và sinh con vào năm 2020 xảy ra ở các nước nghèo, chủ yếu ở châu Phi cận Sahara, do thiếu cơ sở y tế hoặc nhân sự, đặc biệt là ở các vùng sâu vùng xa. Kenya là một trong những quốc gia có tỉ lệ tử vong của sản phụ cao nhất thế giới (530/100.000 ca sinh). 

Hiện tại, một số phòng khám y tế ở Kenya duy trì mối quan hệ mật thiết với các bà đỡ truyền thống. Có 22 bà đỡ làm việc quanh Leparua. Những kỹ năng và sự tôn trọng họ có được trong cộng đồng đang được sử dụng để khuyến khích phụ nữ mang thai sinh con an toàn hơn.

Haggai Tirra - một y tá nam tại phòng khám - cho biết: “Những phụ nữ này là tác nhân thay đổi cộng đồng, giúp thai phụ sinh con sạch sẽ và an toàn. Trong 7 năm qua, chúng tôi chọn họ làm đại sứ; đào tạo họ về các dấu hiệu chuyển dạ và rủi ro liên quan đến việc sinh nở tại nhà. Khi họ cảnh báo một phụ nữ mang thai về sự nguy hiểm của việc sinh nở tại nhà, lời của họ rất được tôn trọng”.

Theo anh Tirra, chương trình đào tạo này giúp số ca sinh tại các cơ sở y tế trong khu vực tăng 90%, đồng thời giảm tỉ lệ tử vong ở trẻ em và bà mẹ tương ứng, giảm sự lây lan của HIV và viêm gan trong cộng đồng nghèo. 

Việc thiếu cơ sở vật chất tại phòng khám phục vụ dân số trong bán kính hơn 20km khiến các bà đỡ phải xây dựng một manyatta (lều truyền thống) liền kề trung tâm y tế, nơi phụ nữ mang thai có thể chờ đợi thoải mái hơn và được y tá kiểm tra sức khỏe trước khi vào phòng sinh.  

Những người kết nối và bảo vệ

Những bà đỡ truyền thống là cầu nối giúp gắn kết người dân vùng sâu vùng xa với y học hiện đại
Những bà đỡ truyền thống là cầu nối giúp gắn kết người dân vùng sâu vùng xa với y học hiện đại

Ngôi làng hẻo lánh Sre Veal Koet ở Campuchia nằm cuối con đường, cách trung tâm y tế gần nhất 36km. Ở khu vực này, sức khỏe sản phụ phần lớn nằm trong tay của 7 bà đỡ. Dù vẫn sử dụng chức danh bà đỡ truyền thống, từ lâu họ đã ngừng đỡ đẻ tại nhà nhờ sáng kiến của Cơ quan cứu trợ và phát triển Cơ đốc Phục lâm (ADRA) Campuchia. Giờ đây, những bà đỡ hỗ trợ việc chăm sóc trước và sau sinh trong cộng đồng. Ở đây, cũng như nhiều vùng nông thôn khác của Campuchia, phụ nữ thường kết hôn ở tuổi 16 và có con ngay sau đó. Điều này khiến họ có nguy cơ cao gặp phải các biến chứng khi mang thai.  

Dự án TOGETHER, với khoản tài trợ từ Bộ Ngoại giao Canada, hợp tác với các cộng đồng bản địa và vùng sâu vùng xa ở Campuchia, Kenya, Philippines và Uganda để đảm bảo rằng những người dễ bị tổn thương nhất ở các khu vực này có thể thực hiện các quyền con người liên quan đến sức khỏe.

Ở miền bắc Campuchia, ADRA Campuchia tập hợp các nữ hộ sinh của trung tâm y tế và những bà đỡ truyền thống trong mối quan hệ đối tác hiệu quả, tôn trọng lẫn nhau. Các bà đỡ được đào tạo cơ bản về chăm sóc trước và sau sinh, đặc biệt là nhận biết sớm các biến chứng để hộ sinh có thể can thiệp kịp thời. Họ sẽ khuyến khích phụ nữ mang thai nên khám thai ít nhất 4 lần tại trung tâm y tế. Họ cũng có thể đi cùng thai phụ nếu cô ấy cần. Đồng thời, các bà đỡ cũng được đào tạo để tư vấn và giải đáp nhiều quan niệm sai lầm liên quan đến dinh dưỡng của phụ nữ mang thai và cho con bú. 

Kết hợp kiến thức cổ truyền và y học hiện đại

Maria Mercedes Muenala (bìa trái) và một nhóm nữ hộ sinh truyền thống đến từ Otavalo, Ecuador được PAHO đào tạo về cách sử dụng các công cụ y tế hiện đại nhằm bổ sung cho các kiến thức y học truyền thống
Maria Mercedes Muenala (bìa trái) và một nhóm nữ hộ sinh truyền thống đến từ Otavalo, Ecuador được PAHO đào tạo về cách sử dụng các công cụ y tế hiện đại nhằm bổ sung cho các kiến thức y học truyền thống

Tại các cộng đồng nông thôn và vùng sâu vùng xa của châu Mỹ Latinh, sự hỗ trợ thiết thực, cả về tinh thần của các bà đỡ truyền thống có thể tạo nên khác biệt giữa sự sống và cái chết. Tổ chức Y tế liên châu Mỹ (PAHO), với sự hỗ trợ của Chính phủ Canada, làm việc với hơn 1.000 bà đỡ kể từ năm 2021 để cung cấp cho họ kiến thức về các dấu hiệu cảnh báo, nhằm giúp ngăn ngừa tử vong cho bà mẹ và trẻ sơ sinh. PAHO cũng giúp thu hẹp khoảng cách văn hóa giữa các bà đỡ truyền thống và những dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Mercedes Panamantamba - một bà đỡ ở thành phố Otavalo, phía bắc Ecuador - đã học nghề hộ sinh từ bà mình và hành nghề hơn 40 năm. Đối với Panamantamba, những kiến thức của tổ tiên như cách sử dụng cây thuốc cũng quan trọng như kiến thức về tây y, vốn giúp phát hiện kịp thời những nguy cơ khi mang thai. Quá trình đào tạo cho phép Panamantamba lường trước các vấn đề và giải quyết biến chứng có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của người mẹ hoặc em bé. "Trước đây, khi thai phụ bị đau bụng, chúng tôi chỉ nghĩ đó là do đầy hơi. Với kiến thức thu được, giờ đây chúng tôi có thể xác định các vấn đề về túi mật, thậm chí là viêm ruột thừa" - bà Panamantamba giải thích. 

Mercedes Panamantamba - nữ hộ sinh truyền thống đến từ Otavalo, Ecuador - được PAHO đào tạo về cách sử dụng các dụng cụ y tế
Mercedes Panamantamba - nữ hộ sinh truyền thống đến từ Otavalo, Ecuador - được PAHO đào tạo về cách sử dụng các dụng cụ y tế

Bremen De Mucio - Cố vấn khu vực về Sức khỏe bà mẹ tại PAHO - cho biết: “Việc phát hiện các dấu hiệu cảnh báo kịp thời giúp ngăn ngừa tử vong ở người mẹ”, đồng thời nhấn mạnh vai trò cơ bản của những người hộ sinh truyền thống và khuyến khích họ học cách sử dụng các thiết bị y tế hiện đại. Ở Colombia, bà đỡ Lady Manuela Mosquera khẳng định rằng những bài học sử dụng các thiết bị y tế cho từng bối cảnh khác nhau, đồng thời tìm ra điểm chung giữa y học phương Tây và y học cổ truyền là hoàn toàn khả thi.

Cô Mosquera giải thích: "Các bà đỡ xác định dấu hiệu nguy hiểm thông qua tất cả âm thanh phát ra từ cơ thể người phụ nữ. Ống nghe bác sĩ và máy đo tạo điều kiện thuận lợi cho việc xác định các dấu hiệu cảnh báo vào đúng thời điểm. Đó là lúc y học truyền thống giao thoa cùng y học hiện đại". 

Tại Bolivia, Ana Choque - Trưởng bộ phận nữ hộ sinh thành phố El Alto - cho rằng tất cả phụ nữ cần được bảo đảm quyền làm mẹ một cách đầy đủ và nhân đạo. Đối với cô, kiến thức truyền thống đóng góp vào việc cải thiện dịch vụ chăm sóc sức khỏe phụ nữ thông qua thực hành lắng nghe, tôn trọng quyền tự chủ sinh sản và đồng cảm với phụ nữ mang thai. Công nhận những giá trị này là bước đầu tiên cho sự phối hợp giữa các bác sĩ, học giả và bệnh viện đối với nhiệm vụ hỗ trợ sức khỏe cho phụ nữ bản địa. 

Ngọc Hạ

Nguồn ảnh: Internet

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI