Chỉ có 1/4 bệnh nhân nhiễm COVID-19 hồi phục hoàn toàn sau 1 năm

27/04/2022 - 11:29

PNO - Theo một nghiên cứu của Anh, chỉ khoảng 1/4 người nhiễm COVID-19 cảm thấy hồi phục hoàn toàn sau một năm. Riêng phụ nữ, người béo phì và bệnh nhân thở máy có nhiều khả năng bị các triệu chứng hậu COVID-19 lâu hơn.

Nghiên cứu được trình bày tại Đại hội Vi sinh lâm sàng và Bệnh truyền nhiễm châu Âu năm 2022 tổ chức ở Lisbon, Bồ Đào Nha hồi đầu tuần. Nghiên cứu do các chuyên gia Christopher Brightling, Rachael Evans và Louise Wain tại Đại học Leicester thực hiện, nhằm xác định các yếu tố liên quan đến sự phục hồi sau COVID-19 do bệnh nhân cảm nhận được và xác định cho các mục tiêu điều trị trong tương lai. 

Các nhà nghiên cứu đã khảo sát trên 2.320 bệnh nhân ở Anh, xuất viện từ tháng 3/2020 đến tháng 4/2021 và được đánh giá sau hai lần khám (5 tháng và 1 năm sau khi xuất viện). Họ nhận thấy, tỷ lệ bệnh nhân báo cáo hồi phục hoàn toàn trên thực tế không thay đổi giữa hai lần khám: 26% sau 5 tháng (501/1.965 ca) và 29% sau một năm (232/804 ca). 

Một nghiên cứu về những bệnh nhân ở Anh mắc bệnh Covid-19 trong khoảng thời gian từ ngày 7 tháng 3 năm 2020 đến ngày 18 tháng 4 năm 2021, cho thấy chỉ khoảng một phần tư cảm thấy họ đã hồi phục hoàn toàn một năm sau khi chẩn đoán. Ảnh: EPA-EF
Chỉ khoảng 1/4 bệnh nhân COVID-19 cảm thấy hồi phục hoàn toàn sau khi nhiễm bệnh 1 năm - Ảnh: EPA-EF

“Sự phục hồi hạn chế từ 5 tháng đến 1 năm sau khi nhập viện bao gồm các triệu chứng, sức khỏe tâm thần, khả năng tập thể dục, suy giảm các cơ quan và chất lượng cuộc sống. Nhiều bệnh nhân vẫn đang bị các triệu chứng COVID-19 kéo dài. Điều này khá bất thường bởi tình trạng hậu COVID-19 thường xuất hiện chủ yếu từ vài tuần đến vài tháng sau khi chẩn đoán và có thể kéo dài từ hai tháng đến hơn một năm”, chuyên gia Rachael Evans viết trong bài báo.

Ngoài các triệu chứng mệt mỏi, khó thở và rối loạn chức năng nhận thức hay còn gọi là “sương mù não” đã được Tổ chức Y tế Thế giới xác nhận, các bệnh nhân này còn đối mặt với nhiều triệu chứng nghiêm trọng hơn - như tổn thương các cơ quan nội tạng bao gồm thận, phổi, tuyến tụy và tim - làm tăng nguy cơ tử vong.

Nhóm nghiên cứu còn phát hiện, 20% ​​bệnh nhân được khảo sát bị suy giảm sức khỏe thể chất và tinh thần “rất nghiêm trọng”, 30% thuộc nhóm “nghiêm trọng”, 11% thuộc nhóm “trung bình” và 39% có triệu chứng nhẹ.

Nghiên cứu cũng cho thấy, trong thời gian 1 năm, khả năng cảm thấy hồi phục hoàn toàn của phụ nữ kém hơn nam giới 32%. Tỷ lệ này giảm đến một nửa ở những người béo phì. Trong khi đó, những người phải thở máy xâm lấn trong bệnh viện là kém hơn 58%.

"Tình trạng suy giảm sức khỏe diễn ra nghiêm trọng hơn ở phụ nữ và những người béo phì, bao gồm giảm hiệu suất tập thể dục và chất lượng cuộc sống. Do đó, cần quan tâm nhiều hơn để phục hồi chức năng sau nhiễm", chuyên gia Evans nói.

Nhóm nghiên cứu cho biết, nhu cầu cấp thiết nhất là các phương pháp điều trị tình trạng suy giảm thể chất và tinh thần. “Nếu không có các phương pháp điều trị hiệu quả, COVID-19 kéo dài có thể trở thành một tình trạng lâu dài mới rất phổ biến", chuyên gia Brightling cho biết.

Cuối cùng, nhóm nghiên cứu lưu ý rằng nghiên cứu trên được thực hiện trước khi biến thể Omicron có khả năng lây truyền cao xuất hiện và được thực hiện trên cả những bệnh nhân không được tiêm vắc xin trước khi nhiễm bệnh.

Thảo Nguyễn (theo Reuters, SCMP)

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI