Gần 1/3 người lớn tuổi bị các hội chứng hậu COVID-19

15/02/2022 - 19:00

PNO - Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng COVID-19 có thể ảnh hưởng lâu dài đến nhiều cơ quan trong cơ thể con người. Theo đó, khoảng 1/3 người lớn tuổi bị nhiễm COVID-19 tiếp tục phát triển các bệnh trạng mới.

Nhóm nghiên cứu do tiến sĩ Ken Cohen - Giám đốc điều hành của Optum Labs (nhóm chuyên gia nghiên cứu lâm sàng, phân tích dữ liệu y khoa) - dẫn đầu đã xem xét hồ sơ bảo hiểm y tế của 133.366 người lớn tuổở Mỹ trong độ tuổi từ 65 trở lênvà đã được chẩn đoán nhiễm COVID-19 trước ngày 1/4/2020.

Khoảng 1/3 người lớn tuổi bị nhiễm COVID-19 tiếp tục phát triển các bệnh trạng mới.
Khoảng 1/3 người lớn tuổi bị nhiễm COVID-19 tiếp tục phát triển các bệnh trạng mới

Các nhà nghiên cứu đã chia những người đã bị nhiễm này thành 3 nhóm và so sánh với 3 nhóm tương ứng gồm những người không bị nhiễm COVID-19, trong đó có 2 nhóm không bị nhiễm vào năm 2020 và 2019, và nhóm thứ 3 không bị nhiễm COVID-19 nhưng bị nhiễm trùng đường hô hấp dưới. 

Tiếp đó, các nhà nghiên cứu theo dõi các bệnh trạng mới phát sinh sau 3 tuần kể từ khi người tham gia được khám chẩn đoán COVID-19.

Các tác giả đã phát hiện 32% người tham gia bị nhiễm SARS-CoV-2 vào năm 2020 có phát sinh các bệnh trạng mới hoặc kéo dài cần phải được chăm sóc y tế. Tỷ lệ cao hơn 11% so với nhóm không bị nhiễm trong năm 2020.

So với nhóm bệnh nhân không bị nhiễm COVID-19 năm 2020, nhóm bệnh nhân bị nhiễm có nguy cơ xuất hiện một số bệnh trạng mới hoặc kéo dài cao hơn, bao gồm suy hô hấp, mệt mỏi, huyết áp cao, các vấn đề về trí nhớ, chấn thương thận, các chẩn đoán liên quan đến sức khỏe tâm thần, dễ bị đông máu, và rối loạn nhịp tim. Các nhà nghiên cứu cũng có phát hiện tương tự ở nhóm năm 2019.

“Chúng tôi nhận thấy nguy cơ bị suy hô hấp, sa sút trí tuệ và mệt mỏi sau bị nhiễm virus ở nhóm bệnh nhân bị nhiễm COVID-19 cao hơn so với nhóm bị nhiễm trùng đường hô hấp dưới, nhưng nhóm bệnh nhân COVID-19 lại ít gặp các di chứng khác hơn”, tiến sĩ Cohen cho biết.

Mặc dù nghiên cứu không thể chứng minh được nguyên nhân, nhưng theo tiến sĩ Cohen, những phát hiện này có thể là kết quả của hai nhóm hội chứng khác nhau.

“Nhìn chung, chúng tôi nhận thấy bệnh nhân COVID-19 cấp tính có thể phát triển 2 nhóm hội chứng hậu nhiễm, mặc dù sự phân định giữa 2 nhóm này có thể không rõ rệt. Nhóm đầu tiên thường xuất hiện ở những bệnh nhân nặng, phải được chăm sóc đặc biệt và hỗ trợ hô hấp. Những bệnh nhân này có phản ứng viêm toàn thân khá nặng, và có nhiều di chứng là hậu quả của sự tổn thương các cơ quan xảy ra từ quá trình này.

Nhóm thứ 2 xảy ra ở những bệnh nhân COVID-19 nhẹ hơn và không cần nhập viện. Với nhóm này, chúng tôi có ít câu trả lời hơn. Chẳng hạn, chúng tôi biết rằng SARS-CoV-2 có thể ảnh hưởng đến dây thần kinh khứu giác, gây ra chứng thiếu máu, và hệ thống đông máu có thể được kích hoạt, làm tăng nguy cơ hình thành huyết khối. Nhưng đến nay chúng tôi không có câu trả lời về các triệu chứng khác - chẳng hạn như các vấn đề về giấc ngủ và thay đổi tâm trạng, khó khăn về nhận thức, mệt mỏi và đau nhức liên tục - ở nhóm này”, tiến sĩ Cohen nói thêm.

Tiến sĩ Alicia Arbaje - Giám đốc Khoa Nghiên cứu chăm sóc chuyển tiếp tại Viện Y khoa Johns Hopkins (Mỹ), người không tham gia nghiên cứu - cho rằng sự gia tăng di chứng trong nhóm bị nhiễm COVID-19 có thể là do virus này đã tác động mạnh lên hệ thống miễn dịch và phá hủy nhiều cơ quan trong cơ thể của người.

“Có thể một người nào đó sẽ bị đột quỵ hoặc đau tim sau 10 năm nữa, nhưng nếu người này bị COVID-19 thì sẽ có thể gặp các nguy cơ này sớm hơn, do virus SARS-CoV-2 tác động mạnh đến hệ thống miễn dịch, và là một tác nhân gây căng thẳng rất lớn cho cơ thể”, tiến sĩ Arbaje giải thích.

Nhất Nguyên (theo Medical News Today)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI