"Cha gửi con yêu"

21/01/2016 - 10:32

PNO - Khi còn là một cậu nhóc 15 tuổi, tôi từng dính vào cuộc xung đột “nảy lửa” với mẹ, liên quan đến một cái hình xăm.

Tôi không bao giờ hối hận với quyết định xăm hình vĩnh viễn lên cơ thể, bởi đó là một dấu ấn quan trọng trong đời.

Cuộc xung đột của tôi và mẹ xảy ra vào khoảng những năm 1990, khi gia đình tôi đang sinh sống tại Mỹ  Là một cậu nhóc vô tư, tôi không quan tâm đến lý do tại sao mẹ đơn thân. Năm 15 tuổi, tôi phải phẫu thuậ  thay thận và cần người hiến thận. Đó là lúc mẹ cho tôi biết một tin chấn động: cha ruột của tôi đang sinh sống tại Việt Nam.

Hóa ra, mẹ tôi đã từng sinh sống tại Việt Nam và gặp gỡ cha tôi - một doanh nhân. Khi mang thai tôi cũng là lúc bà chia tay ông để sang Mỹ định cư, nhưng không hề cho cha tôi biết về sự hiện diện của giọt máu trong mình. Bà cho rằng cuộc tình giữa hai người là một “sai lầm”.

Tìm lại người cha của tôi không khó. Lần đầu hai cha con gặp mặt là những giây phút bỡ ngỡ và xúc động kỳ lạ. Ông bày tỏ tình yêu của một người cha mà tôi chưa từng có, và ngay lập tức, đồng ý hiến thận cho tôi. Mọi việc diễn ra khá suôn sẻ dù mẹ tôi không muốn liên quan đến người đàn ông này. Nhưng sự kiện này giúp tôi lần đầu tiên đặt ra câu hỏi về nguồn gốc của mình.

Ảnh minh họa

Qua thư từ với cha, tôi đã biết về một đất nước và dân tộc mà tôi tự hào chia sẻ dòng máu. Không may, khoảng thời gian quý báu cha con tôi dành cho nhau kết thúc đột ngột. Một năm sau lần đầu gặp gỡ, bác sĩ phát hiện cha tôi có khối u trong não, ông không còn sống được bao lâu.

Tôi chỉ có thể về thăm cha một lần cuối  tại Việt Nam. Chúng tôi ngồi hàng giờ bên nhau nói chuyện và chủ đề hình xăm được nhắc đến. Trước đó, tôi từng gửi cho cha một  tấm thiệp chúc sức khỏe sau khi ông vừa làm xong phẫu thuật  hiến thận, với dòng chữ “Gửi cha yêu” trên cùng. Ông đã xăm dòng chữ đó lên vết sẹo mổ.

Biết được điều  đó, tôi cũng nài nỉ cha cho mình làm một hình xăm để nhớ tới ông. Ban đầu cha rất lưỡng lự và không đồng tình. Nhưng vài ngày sau cha thổ lộ rằng ông hối tiếc vì đã và sẽ không thể có mặt để chứng kiến những sự kiện lớn trong cuộc đời tôi. Ông muốn ở bên tôi trong những khoảnh khắc đáng nhớ nên đã đồng ý với đề nghị của tôi.

Tôi lấy chữ “Cha gửi con yêu” mà ông hay viết trong những lá thư gửi tôi, với nét chữ của ông, để xăm lên vết sẹo mổ thận của mình. Vài tháng sau cha tôi qua đời, hầu hết tài sản và di vật của ông được gia đình bên Việt Nam thừa hưởng. Hình xăm là thứ duy nhất để tôi tưởng nhớ ông.

Quay lại Mỹ, mẹ tôi phát hiện ra hình xăm và khăng khăng bắt tôi phải xóa, trong khi tôi tìm mọi cách để giữ nó. Tôi đã phải đấu tranh với mẹ trong một thời gian dài, thậm chí nhiều lần bỏ nhà đi. Mãi về sau mẹ tôi mới chấp nhận rằng hình xăm này là chuyện riêng giữa tôi và cha chứ không liên quan đến ký ức xấu của bà.

Tôi cho rằng, hình xăm không phải  là một thứ gì xấu hay xa lạ, chúng vốn là một phần của bản sắc văn hóa. Nhưng hiện nay, hình xăm lại bị gán cho định kiến tiêu cực bởi ngày càng nhiều bạn trẻ đưa ra những quyết định sai lầm khi làm hình xăm. Đừng quên những mục đích tốt của hình xăm, chúng có thể trở thành một dấu ấn cá nhân, một kỷ niệm gắn liền với một con người trong suốt cuộc đời còn lại của họ.

Bảo Nhiên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI