Cha cưới vợ trẻ, khởi kiện chia nhà với con

24/05/2022 - 17:43

PNO - Chỉ ba tháng sau khi cưới vợ trẻ, người cha đuổi 2 con gái khỏi nhà với lý do các con đã phản đối cha vui duyên mới.

Hai cô gái rụt rè bước vào văn phòng luật sư. Người chị tên Hồng, 24 tuổi, học kế toán vừa mới ra trường, còn cô em tên Ý đang là sinh viên sư phạm văn. Với chất giọng trầm buồn, Ý trình bày câu chuyện gia đình:

“Mẹ em có số phận không may, 13 tuổi thì mồ côi cả cha lẫn mẹ, 20 tuổi thì kết hôn với cha em, 25 năm hôn nhân cuộc sống đủ vui buồn, nhiều mâu thuẫn nhưng “mái ấm” vẫn bảo toàn cho đến năm 2019 thì mẹ em mất vì tai nạn giao thông, không có di chúc. Mẹ mất chưa tròn năm thì hai chị em choáng váng khi cha công bố cô bạn gái tên Hoa chỉ hơn tụi em vài tuổi”.

Hai chị em thay nhau kể, mà càng kể thì diễn biến câu chuyện càng rối bời, u ám. Sau khi đưa dì Hoa về ra mắt, cha của Hồng - Ý tuyên bố sẽ cưới “dì Hoa” làm vợ. Và chỉ 15 tháng sau khi vợ mất, người chồng tiến hành hôn lễ bất chấp lời khuyên nhủ, can ngăn của người thân và hai cô con gái tội nghiệp.

Bất ngờ nối tiếp bất ngờ khi chỉ ba tháng sau đám cưới, người cha đề nghị Hồng và Ý ra khỏi nhà (nơi từng là mái ấm, tài sản chung của cha mẹ Hồng và Ý) với lý do là hai chị em đã phản đối cha vui duyên mới. Không đồng ý với đề nghị tuyệt tình của cha, hai chị em quyết ở lì vì cho rằng đây là nhà của mẹ mình. Tới lúc này, người cha tuyên bố sẽ khởi kiện ra tòa án để yêu cầu chia thừa kế, chấp nhận trả phần thừa kế cho con chỉ mong chúng nó “biến đi”, đừng ảnh hưởng tổ ấm của “đôi uyên ương”.

Nói là làm, cha của Hồng và Ý đã kiện hai chị em ra tòa. Hai chị em không biết phải làm sao đành tìm luật sư tư vấn.

Hỏi rất nhiều luật sư nhưng kết quả đều giống nhau: Hai chị em Hồng và Ý chỉ hưởng được 1/3 giá trị căn nhà, còn 2/3 là phần của người cha. Kết quả này khiến hai chị em não nề, ra về trong trạng thái buồn bã với câu hỏi không thể trả lời: “Lẽ nào lại như thế? Tại sao cha có thể tuyệt tình với con?”. 

Hoàng Sâm

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

Đúng luật chưa chắc thấu lý, đạt tình

Với tình huống nêu trên, căn cứ theo điều 650, 651 Bộ luật Dân sự 2015, căn nhà tài sản chung của cha mẹ hai em Hồng - Ý, vì người mẹ mất không có di chúc nên phát sinh thừa kế theo pháp luật. Thừa kế theo pháp luật là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

Theo đó, tại điểm a, khoản 1, điều 651 nêu: Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây: Hàng thừa kế thứ nhất gồm vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết. Mặt khác, theo khoản 2, điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì tài sản chung của vợ chồng chia đôi, nhưng có tính đến hoàn cảnh, công sức đóng góp mỗi bên…

Phần phân chia căn nhà nêu trên được tính theo nguyên tắc sau: Cha và mẹ của Hồng - Ý mỗi người có 1/2 giá trị căn nhà. Phần tài sản của người vợ sẽ chia đều cho các người thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ nhất gồm người chồng, hai con và mỗi người con sẽ nhận kỷ phần thừa kế là 1/6 (1/2 : 3) và người bố có 2/3 giá trị căn nhà (1/2 + 1/6). Như vậy, phần của cả hai người con là 1/3 giá trị nhà.

Đó là luật, nhưng xét về lý, khi mộ người mẹ chưa xanh cỏ, người cha chỉ vì bất đồng quan điểm với hai con mà ngang nhiên tranh chấp thừa kế với con nhằm mục đích lấy kỷ phần thừa kế để đuổi con ra khỏi nhà, rồi đưa người vợ mới về chung sống thì quả là bất chấp lý lẽ. Bởi người cha không hề nghĩ đến sự khó khăn, điều kiện, hoàn cảnh sống thực tế của các con ra sao.

Xét về tình, thì người xưa có câu: “Hùm dữ không nỡ ăn thịt con”, cha kiện để “tống” con ra khỏi nhà thì quả là tuyệt tình. Tuy nhiên, hai người con cũng cần xem lại thái độ của mình đối với việc cha lập gia đình lần nữa có đúng mực hay chưa? Hay chỉ vì những giọt nước tràn ly mà người cha đành làm như vậy?

Cuối cùng, tôi cho rằng dù bạn ở đâu, trong điều kiện hoàn cảnh nào thì về nguyên tắc xử sự phải cân nhắc trên ba vế: luật, lý và tình. Bởi tình cảm mù quáng thì rất dễ vi phạm pháp luật, còn lý lẽ hùng hồn nhưng không đặt trong điều kiện hoàn cảnh cụ thể, không đồng cảm, sẻ chia thì đó là lý lẽ suông, khô khan, thiếu tính khả thi.

Luật sư TRẦN HOÀI NHÂN 
(Giám đốc Công ty Luật TNHH UNIBROS Vietnam)

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI