Cảnh báo những vùng tâm dịch COVID-19 mới ở Đông Nam Á

30/04/2021 - 05:43

PNO - Sau một năm kiểm soát khá tốt đại dịch COVID-19, một số nước Đông Nam Á nay đang phải đối mặt với những đợt bùng phát mới với nhiều ca nhiễm liên quan đến biến thể Anh, và có nguy cơ trở thành những vùng tâm dịch trong khu vực, trong khi các chương trình tiêm chủng đang diễn ra khá chậm.

Gần đây, số ca nhiễm COVID-19 mới ở Thái Lan, Campuchia, Lào đã tăng lên rất nhanh, làm dấy lên mối quan ngại về sự sụp đổ của hệ thống y tế ở các nước này. Hôm thứ Tư (28/4), Thái Lan ghi nhận 15 ca tử vong trong hai ngày liên tiếp, là số ca tử vong cao nhất trong một ngày kể từ khi đại dịch tấn công vào nước này, khiến chính quyền Thái Lan phải áp đặt lệnh đeo khẩu trang bắt buộc nơi công cộng.

Thái Lan biến sân bay Suvarnabhumi thành điểm chích vắc-xin COVID-19 - Ảnh: AFP
Thái Lan biến sân bay Suvarnabhumi thành điểm chích vắc-xin COVID-19 - Ảnh: AFP

Với số ca nhiễm mới tăng mạnh, các nhà chức trách Thái Lan đã phải xây dựng các bệnh viện dã chiến để tiếp nhận và chữa trị cho bệnh nhân, đồng thời cảnh báo sẽ áp dụng các biện pháp cứng rắn hơn nếu tốc độ lây nhiễm tiếp tục tăng mạnh, trong khi Thái Lan chỉ mới tiêm chủng cho 240.000 người tính đến ngày 28/4, tương đương tỷ lệ 0,36% dân số.

Mặc dù là quốc gia đầu tiên trên thế giới bên ngoài Trung Quốc phát hiện có ca nhiễm COVID-19, nhưng kể từ thời điểm đó đến đầu tháng 4 năm nay, số ca nhiễm mới ở Thái Lan chỉ ở mức thấp so với nhiều nước khác. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng điều đáng quan ngại trong đợt bùng phát mới ở nước này, với số ca nhiễm mới mỗi ngày lên đến 2.000, là sự xuất hiện của biến thể Anh, và đa số những người bị nhiễm đều có liên quan đến các hoạt động giải trí về đêm ở thủ đô Bangkok.

Các quốc gia khác trong khu vực như Lào hoặc Campuchia, vốn là những nơi không chịu nhiều tác động của đại dịch COVID-19 trong hơn một năm qua, nay cũng đang phải đối mặt với tình trạng lây nhiễm tăng nhanh, khiến chính phủ phải áp đặt lệnh phong tỏa ở thủ đô và một số thành phố đông dân khác.

Tại Campuchia, ca tử vong do COVID-19 đầu tiên mới được ghi nhận vào giữa tháng 3 năm nay, nhưng chỉ sau hơn một tháng, con số này đã lên đến 92 ca, trong số hơn 12.600 ca nhiễm. Trước tình hình này, chính phủ Campuchia đã gia hạn lệnh phong tỏa ở thủ đô Phnom Penh và một thành phố lân cận thêm 7 ngày kể từ ngày 28/4.

Lào, quốc gia chỉ ghi nhận một số ít ca nhiễm COVID-19 tính đến tháng 4, cũng đã có thêm nhiều ca nhiễm mới nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên 672, tuy nước này chưa ghi nhận ca tử vong nào.

Điều đáng quan ngại là cả hai nước Campuchia và Lào hiện đều lệ thuộc chủ yếu vào hai nguồn vắc-xin COVID-19 do Trung Quốc sản xuất là Sinopharm và Sinovac, trong khi việc tiêm chủng còn diễn ra khá chậm. Đến nay, Campuchia chỉ mới tiêm vắc-xin COVID-19 đầy đủ cho khoảng 5% dân số, trong khi tỷ lệ này ở Lào chỉ là 0,8%.

Tình hình ở Malaysia cũng đáng quan ngại không kém khi nước này đang chứng kiến số ca nhiễm mới trong đợt bùng phát thứ hai tăng nhanh từng ngày, trong khi chỉ mới có 1,6% dân số đã được tiêm chủng.

Xếp hàng chờ tiêm vắc-xin ở Quezon, Phillippines - Ảnh: ADB
Xếp hàng chờ tiêm vắc-xin ở Quezon, Phillippines - Ảnh: ADB

Hồi đầu tuần, Hội Chữ thập đỏ quốc tế cũng đã đưa ra cảnh báo về nguy cơ khủng hoảng hệ thống y tế ở Philippines, quốc gia bị đại dịch COVID-19 tác động nghiêm trọng đứng thứ hai trong khu vực, sau Indonesia, mặc dù chính phủ nước này đã áp đặt nhiều biện pháp hạn chế nghiêm ngặt từ năm ngoái. Trong đợt bùng phát mới đây, số ca nhiễm mới trong một ngày ở Philippines đã lên đến đỉnh điểm vào ngày 17/4 với hơn 15.000 trường hợp, chủ yếu phát sinh ở thủ đô và các tỉnh lân cận, nơi các khu chăm sóc đặc biệt ở các bệnh viện đã phải hoạt động đến 70% công suất.

Hiện, chỉ mới có 0,2% dân số Philippines được tiêm ngừa COVID-19 đầy đủ, trong khi tỷ lệ này ở Indonesia là 2,6%, tương đương 7 triệu người. Mặc dù tỷ lệ lây nhiễm đang giảm ở cả hai quốc gia này, nhưng cả Indonesia - với 1,65 triệu ca nhiễm và khoảng 44.940 ca tử vong - và Philippines - với hơn 1 triệu ca nhiễm và vẫn là những “vùng tâm dịch” COVID-19 trong khu vực Đông Nam Á.

Tại Myanmar - quốc gia bị rơi vào cuộc đảo chính quân sự - việc xét nghiệm COVID-19 trên thực tế đã bị tạm dừng, một phần do nhân viên y tế đình công, khiến cho khoảng 60% số bệnh viện ở nước này phải đóng cửa. Vì vậy, hiện không có con số chính xác về số ca nhiễm và tử vong do COVID-19 ở Myanmar, nhưng tình hình trước khi xảy ra cuộc đảo chính xảy ra vào ngày 1/2 ở nước này cũng ở mức đáng báo động với khoảng 143.000 ca nhiễm và 3.200 ca tử vong. 

Nhất Nguyên (theo La Prensa Latina)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI