Cần thay đổi cách xác định giá trị vật nuôi để ngăn trộm chó

28/04/2021 - 06:00

PNO - Việc giám định giá trị của vật nuôi (chó, mèo…) đang được áp dụng theo hình thức tham chiếu giá thị trường, kiểu cân ký. Điều này dẫn đến một thực tế là vật nuôi bị trộm cắp được xác định giá trị không đủ mức xử lý hình sự.

 

Trộm chó
Nạn trộm chó xảy ra ở nhiều địa phương trên cả nước (ảnh minh họa)

Trộm chó đã trở thành một vấn nạn nhức nhối kéo dài ở nhiều địa phương trên cả nước. Mới đây nhất, vụ “cẩu tặc” bắn chết chủ nhà ở huyện Tân Hưng, tỉnh Long An đã khiến dư luận phẫn nộ. Mặc dù, theo quy định pháp luật, trộm chó có thể bị xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự theo điều 173, Bộ luật hình sự về “Tội trộm cắp tài sản”. Thế nhưng, việc xử lý trên thực tế là không đủ sức răn đe, nên nạn trộm chó vẫn hoành hành, gây mất an ninh trật tự ở các địa phương và nhiều hệ lụy.

Thời gian qua, những vụ án truy cứu trách nhiệm hình sự liên quan đến trộm chó đa phần là những vụ gây ra hệ lụy từ việc trộm chó dẫn đến thương tích hoặc chết người, chưa có vụ án nào được truy tố độc lập bởi hành vi trộm chó, vì còn nhiều bất cập. Nhiều vật nuôi gắn liền với giá trị tinh thần, công sức chăm sóc, nuôi dưỡng... nên có giá trị gấp nhiều lần giá giám định hoặc vô giá đối với chủ sở hữu. Thế nhưng, việc giám định giá trị vật nuôi (chó, mèo...) lại đang được áp dụng theo hình thức tham chiếu giá thị trường theo kiểu cân ký, nên không đủ căn cứ để xử lý hình sự kẻ trộm.

Thực tế đó dẫn đến nhận thức: kẻ trộm vật nuôi chỉ bị xử lý hành chính. Do đó, khi bắt được kẻ trộm, nhiều người đã hành hung, gây thương tích hoặc tử vong cho kẻ trộm. Ngược lại, khi có nguy cơ bị bắt, kẻ trộm cũng phản ứng bất chấp để thoát thân, dẫn đến nhiều vụ việc có hậu quả thương tâm.

Tôi cho rằng, nếu cơ quan tố tụng vẫn giám định giá trị vật nuôi như hiện tại để làm căn cứ xử lý hình sự đối tượng trộm chó thì sẽ không đủ tính răn đe loại tội phạm này. Vì thế, cơ quan chức năng cần có văn bản hướng dẫn quy định hoặc bổ sung luật hóa cụ thể về “Tội trộm vật nuôi”. Cần đề ra căn cứ xử lý hình sự một cách cụ thể đối với việc trộm chó nói riêng và trộm vật nuôi nói chung theo đơn vị tính là số lượng vật nuôi. Có như vậy, mới xử lý triệt để, nghiêm minh với loại tội phạm này.

Ngoài ra, cũng cần quy định việc quản lý nghiêm ngặt nguồn gốc vật nuôi (chó, mèo) ở các cơ sở giết mổ, kinh doanh. Chỉ có như vậy mới ngăn chặn việc “tuồn” vật nuôi bị trộm vào các điểm giết mổ, kinh doanh. 

Luật sư Nguyễn Tri Đức 
(Đoàn Luật sư TPHCM)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI